Những hệ thống lý thuyết về văn hóa và nhân cách
Những nghiên cứu đầu tiên của ngành nhân chủng học về nhân cách và văn hóa là của Malinowski – trong cuốn ''Tình dục và sự ức chế trong xã hội man dại” (Sex and Repression in Savage Society) và của Margaret Mead trong tác phẩm “tuổi dậy thì ở Samoa” (Coming of Age in Samoa). Malinowski thử nghiệm một lý thuyết của Freud – “Mặc cảm Oedipus” vào thực tế xã hội dân Trobriand. Những người dân quần đảo Trobriand có một hệ thống họ hàng theo chế độ mẫu hệ, trong đó quyền bảo hộ đứa con sinh ra thuộc về người cậu (anh em của người mẹ) chứ không thuộc về người cha. Malinowski nêu ra câu hỏi: “Với sự xếp đặt xã hội dạng này, liệu thằng bé có còn cái ước muốn tình dục đối với người mẹ và "ghét'' cha mình như ghét một hình tượng quyền lực và là đối thủ trong việc giành giật sự yêu thương của người mẹ?”. Sau khi phân tích vừa hành vi vừa huyền thoại của người Trobriand, Malinowski kết luận rằng câu trả lời là ''Không''. Chính người cậu là người bị ám ảnh và người mẹ (đặc biệt nếu người mẹ chỉ là chị em họ của người cậu) là đối tượng của mặc cảm quan hệ loạn luân - Mặc cảm Oedipus. Như vậy, nguyên lý căn bản của Mặc cảm Oedipus vẫn hiện diện, nhưng biểu hiện của nó cũng thay đổi theo những phức hệ văn hóa.
Tác phẩm "Tuổi dậy thì ở Samoa" đã được bàn đến ở chương đầu tiên là một thí dụ, về việc sử dụng phương pháp so sánh trong nhân chủng học thay thế cho phương pháp thực-nghiệm-có-kiểm-chứng-trong-phòng-thí-nghiệm để trắc nghiệm các giả thuyết. Cũng nên nhớ lại rằng kết luận của Mead là giới thanh niên dân Samoa không có những giai đoạn bị ức chế căng thẳng tâm lý giống như giới trẻ Mỹ, vì nền văn hóa Samoa không có những đặc điểm có thể gây ra tình trạng căng thẳng tâm lý.
Nhưng cả Mead và Malinowski vào thời đó (đặc biệt là hai năm 1928 và 1926) đều không diễn đạt được rõ ràng một lý thuyết tương quan giữa văn hóa và nhân cách. Tuy nhiên năm 1934, Ruth Benedict đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng của mình những khuôn mẫu của nền văn hóa tác phẩm này đã trở thành một nguyên mẫu lý thuyết cho một số “công trình nghiên cứu về cấu hình” sau này. Sau đó, nhà phân tâm học Abram Kardiner cùng cộng tác với Ruth Benedict, Cora DuBois, Ralph Linton và một số nhà nhân chủng học khác, để phát triển và công bố một “lý thuyết về cấu trúc cơ bản của nhân cách” để trả lời các câu hỏi: “Văn hóa tác động và ảnh hưởng lên nhân cách như thế nào và ngược lại?” Lý thuyết này cũng trở thành một mô thức đối với một số các công trình nghiên cứu sau này. Tất cả hệ thống lý thuyết này dựa vào sự phân tích chuyên sâu về tâm lý xã hội của một hay một vài bộ lạc John Whiting, một cựu đồng nghiệp của giáo sư G. P. Murdock, khi khởi xướng phương pháp thống kê trong các công trình nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hóa đã công bố vào năm 1953 một lý thuyết bao quát hơn về văn hóa và nhân cách, trong đó những giả thuyết riêng biệt được ghép chung với nhau trong các thử nghiệm tương tác và được ghi nhận lại theo phương pháp thống kê. Các lý thuyết này, từng lý thuyết vẫn được đánh giá cao trong hiện tại và có lẽ cả trong tương lai.
Cấu hình văn hóa và loại nhân cách lý tưởng
Luận điểm trọng tâm và nổi tiếng của Ruth Benedict khi tiếp cận vấn đề này là những diễn biến ý thức của nền văn hóa bộ lạc ghi dấu ấn sâu đậm lên những cá nhân thành một dạng nhân cách lý tưởng. Mỗi xã hội đều có không ít thì nhiều những ý niệm rõ ràng về vấn đề - cái gì tạo thành một “người tốt”, một loại người mà mọi người phải là như vậy. Những lời giáo huấn, những câu châm ngôn, các tưởng thưởng và những sự trừng phạt..., từng cái từng cái một được xã hội rỉ rả ban ra nhằm mục đích uốn nắn tất cả mọi con người theo cái hình ảnh lý tưởng kia. Con người đạt đến sự lý tưởng luôn là đối tượng quan tâm của xã hội. Tính cách của nhân cách lý tưởng này cũng được xem như một cấu trúc trừu tượng về tính cách của bộ lạc.
Trong tác phẩm Những khuôn mẫu của nền văn hóa, Benedict dường như có ý muốn chứng minh giá trị của chủ nghĩa kinh nghiệm trong lý thuyết, bằng cách mô tả một cách chi tiết điều mà bà gọi là “cấu hình Dionysian” mà đại diện là thổ dân da đỏ tộc Kwakiutl sống bờ biển Đông Bắc, Bắc Mỹ; và “cấu hình Appolonian” với thổ dân Zuňi bang New Mexico làm thí dụ minh chứng.
Khái niệm Dionysian và Appolonian được diễn giải như sau:
Tương phản căn bản giữa những người Pueblo và những nền văn hóa khác ở Bắc Mỹ chính là sự tương phản được triết gia Nietzsche nêu ra và mô tả trong những nghiên cứu về một vở bi kịch Hy-LẠp. Ông đã bàn về hai cách thức hoàn toàn đối nghịch với nhau để đạt đến giá trị của sự hiện hữu. Người theo cách Dionys theo đuổi chúng bằng cách ''thủ tiêu những ranh giới thông thường và những giới hạn của sự hiện hữu'', với những khoảnh khắc thời gian có giá trị nhất anh ta tìm cách giành giật cho được mục đích của mình, với ngũ quan - tai, mắt, mũi, miệng, tay chân – anh ta thoát khỏi những ranh giới áp đặt lên bản thân, xuyên phá qua một trật tự, một kinh nghiệm khác. Bằng kinh nghiệm cá nhân hoặc bằng trình tự lễ nghi, khát vọng của con người Dionys là luôn dồn ép sự việc vào một trạng thái tâm lý nào đó để đạt đến sự quá độ. Sự tương đồng gần gũi nhất với những xúc cảm mà anh ta tìm kiếm chính là chứng nghiện rượu và trân trọng những cảm nhận chợt đến trong những cơn mê cuồng say sưa của mình. Với Blake, anh ta tin tưởng rằng ''những con đường quá độ dẫn đến tòa lâu đài của sự thông tuệ''. Người theo cách Appolon không tin tất cả những điều đó, họ thường ít suy nghĩ về thiên nhiên, về những kinh nghiệm như vậy. Họ tìm kiếm những cách thức để loại chúng ra khỏi đời sống trí tuệ của mình. "Mình biết nhưng người khác phải tuân theo, phải giới hạn theo ý thức của Hellen ''. Họ dừng lại giữa đường, đứng yên với cái bản đồ cũ kỹ, làm như chẳng liên quan gì đến những trạng thái hoặc tình huống đổ vỡ của tâm hồn.
Giá trị thực tế của Benedict trong việc mô tả tính cách xã hộ i người Kwakiutl và người Pueblo là đã dẫn đến một thử thách quan trọng khác. Bà đã vẽ lên những cấu hình bằng sự buông thả phóng túng của một nhà thơ hơn là sự chính xác của một nhà khoa học. Nhưng dù sao, sự diễn giải được bà viết một cách duyên dáng về lý thuyết cấu hình cũng đã có những ảnh hưởng to lớn đến khoa nhân chủng học, ngành giáo dục và những suy nghĩ của công chúng từ năm 1934 cho đến tận ngày hôm nay. Đó là cuốn sách phổ biến nhất về nhân chủng học được viết sớm nhất trong thế kỷ hai mươi. Trong thời gian chiến tranh (thế chiến thứ hai - ND), tác phẩm có tựa đề ''Hoa Cúc và Thanh Gươm: Những khuôn mẫu của nền văn hóa Nhật Bản” (The Chrysanthemum and The Sword: The Patterns of Japanese Culture) xuất bản năm 1946, trong đó giá trị và tính hiệu quả của lý thuyết cũng như của phương pháp phân tích trong những nhận định của bà về nền văn hóa và tinh thần dân tộc Nhật, đã được chứng nghiệm là rất đúng đắn.
Cũng như văn hóa, loại nhân cách lý tưởng là một thực thể cần phải xây dựng, tích lũy mới có. Trong khi phải chịu những nguy hiểm do sự đơn giản hóa quá mức, loại nhân cách lý tưởng cũng đồng thời mang lại một cách tiếp cận cơ bản và hữu ích. Chẳng hạn, khi chúng ta nói "tinh thần dân tộc” của một dân tộc, thực sự là chúng ta đang nói đến một loại nhân cách lý tưởng và tập thể của dân tộc đó. Tinh thần dân tộc Pháp khác với dân tộc Anh, và Anh cũng chẳng giống với Đức. Nhân cách của những thổ dân vùng bình nguyên hình thành một dạng loại đối nghịch, khác với các dạng loại của người Pueblo bang Indiana. Cách tiếp cận của Benediet cũng chỉ ra và hướng về điểm xuất phát của lý thuyết cho rằng, các loại nhân cách của các thành phần đa số trong bất kỳ xã hội nào là những phản ánh rộng lớn của loại nhân cách lý tưởng mà nền văn hóa của xã hội đó đề ra.
Những hành động tập thể của một quốc gia ở một mức độ nào đó là những phản ứng của một dạng nhân cách lý tưởng đi cùng những tình huống có tác nhân kích thích nào đó. Những phân tích đúng đắn về tinh thần dân tộc có thể giúp hiểu rõ được cách phản ứng và ứng xử của một quốc gia.
Vấn đề này xuất phát từ quan điểm nhận thức của ngành khoa học xã hội: những sự tính cách hóa như vậy chỉ có giá trị khi những dữ liệu cung cấp là hết sức đúng đắn, xuất phát từ trải nghiệm thực tế và cũng cần thông qua sự bình phẩm, kiểm chứng.
Lý thuyết về sự cấu thành của nhân cách cơ bản và sự mô phỏng văn hóa
Mặc dù khái niệm về sự cấu thành nhân cách cơ bản được phát triển bởi Kardiner và bắt nguồn từ khái niệm của loại nhân cách lý tưởng, nhưng loại nhân cách lý tường này lại cũng được phát triển từ loại nhân cách cơ bản và không còn giống với chính nó nữa.
Trong khi đó việc sử dụng khái niệm của loại nhân cách lý tưởng chứng minh được sự liên lạc hỗ tương giữa văn hóa và nhân cách, và tượng trưng cho một sự tính cách hóa không mang tính di truyền và được miêu tả một cách cơ bản. Việc sử dụng này miêu tả một loại nhân cách nào đó, mà không cần phải khảo sát sâu vào những vấn đề đại loại như loại nhân cách đó hình thành như thế nào, theo cách nào.
Kardiner, nhà phân tâm học trong thời gian vừa huấn luyện vừa thực hành đã hướng sự quan tâm vào những động lực tâm lý của nhân cách và của nền văn hóa. Lãnh vực duy nhất mà ông tiếp cận được chính là phương cách xác định sự tác động của việc hình thành xã hội lên nhân cách và của nhân cách lên sự hình thành xã hội. Nhân chủng học cũng đã hòa trộn những cấu trúc sau đây thành thuyết tiền định văn hóa:
1. Một số kỹ thuật cư xử với trẻ con được xây dựng một cách có văn hóa để nhào nặn những thái độ của chúng đối với cha mẹ; những thái độ này hiện hữu trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân.
2. “Nhóm hạt nhân ưu tú điển hình” của những thái độ và hành vi hình thành từ những khuôn mẫu đã được tiêu chuẩn hóa về cách cư xử với con trẻ trong bất kỳ xã hội nào, tiếp tục tồn tại ở những người lớn, chính là cấu trúc nhân cách cơ bản và là đặc trưng của xã hội đó.
3. Những phức cảm trong cách cư xử với con trẻ được gọi là những cấu thành sơ khai.
4. Với những phương thức kỹ thuật mô phỏng tế nhị những nhóm hạt nhân ưu tú điển hình xuất phát từ những cấu thành sơ khai, sau đó sẽ phát triển thành những cấu thành khác chẳng hạn như tôn giáo, chính quyền, huyền thoại. Những cấu thành phát sinh sau là kết quả của những hệ thống phản hồi và được gọi là những cấu thành thứ cấp.
Hệ thống Kardiner là một hệ thống có giới hạn và có mục đích thiết lập hai sự việc:
1. Sự gắn bó chặt chẽ của cấu trúc nhân cách cơ bản và quá trình hình thành là một phản hồi từ những thói quen chăm sóc trẻ con và
2. Tác động kèm theo từ những khuôn mẫu của nhân cách cơ bản vào một vài cấu trúc trong số các cấu trúc lớn hơn của các cấu thành xã hội.
Nói cách khác, Kardiner đang phấn đấu để diễn đạt - một phương diện nào đó của nền văn hóa có thể nhào nặn nhân cách con người như thế nào cũng như cái nhân cách hậu quả đó, đến lượt nó lại nhào nặn, ảnh hưởng trở lại ra sao đến những phương diện khác của nền văn hóa? Kardiner đã thực sự chứng minh được mối liên hệ qua lại giữa văn hóa và nhân cách, không đơn thuần chỉ có văn hóa ảnh hưởng lên nhân cách con người.
Đây là phương pháp mà trong đó những giai đoạn hiện hữu của sự phát triển được công khai thừa nhận phải tự giới hạn. Phương pháp này không nhắm đến mục tiêu: làm sao phát hiện những chế định ban đầu, những phức cảm trong việc chăm sóc con cái đã thâm nhập vào con người ra sao. ''Chế định ban đầu được xem như là điểm cất cánh cho mỗi cá nhân chứ không phải cho nền văn hóa''. Hơn nữa, nó có thể bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa căn bản khác nhau chẳng liên quan gì đến cấu trúc nhân cách cơ bản cả, chẳng hạn như một vài kỹ thuật nào đó (ví dụ như việc làm ra thúng, giỏ). Phương pháp này cũng thừa nhận rằng - trong nhiều nền văn hóa, một số chế định nào đó là độc lập và nằm ngoài hệ thống, phạm vi ảnh hưởng (của nền văn hóa).
Xét về mặt tích cực, một quy tắc về những động lực tâm lý là rất cần thiết cho toàn bộ hệ thống, và một điều chúng ta chưa quan tâm đúng mức là cá nhân không hoàn toàn là người cảm nhận thụ động trong nền văn hóa. Văn hóa được truyền bá qua con đường học hỏi, nhưng cá nhân lại hành động theo cảm tính dựa trên những gì mà cá nhân đã trải nghiệm và đã được dạy bảo.
Quan điểm cho rằng những quá trình học hỏi (trực tiếp) không kể đến tính cách hợp nhất của tinh thần con người đến mức độ những mối quan hệ cảm xúc của cá nhân phải dính líu đến môi trường sống của con người... Bên cạnh những quá trình học hỏi trực tiếp, cá nhân còn thiết lập một loạt những hệ thống hợp nhất cao cấp phức tạp khác và chúng dĩ nhiên không phải là một thành quả của việc học hỏi trực tiếp.
Sự hòa nhập nhân cách cũng giống như sự hòa nhập văn hóa, còn là một tổng hợp các thành phần của chính nó.
Nền văn hóa người Alor và cấu trúc nhân cách cơ bản. Đến đây, chúng ta đã có thể chuyển tải hoàn toàn ý nghĩa của một sự áp dụng vào thực tế của loại cấu trúc nhân cách cơ bản với bất cứ sự việc nào như là một sự đáp ứng hợp lý. Tuy nhiên trong trường hợp này, một ví dụ cụ thể sẽ miêu tả sinh động nhất ý tưởng mà chúng ta muốn truyền đạt. Vì mục đích này, chúng ta sẽ chọn người Alor bởi đây là nền văn hóa duy nhất trong các nền văn hóa sơ khai mà Kardiner - thực sự dựa trên những cứ liệu thích hợp để công bố các kết quả về phân tích động lực tâm lý. Tấtc cả những phân tích khác của Kardiner về các nền văn hóa sơ khai (Marquesan, Tanala, Comanche) đã được nhìn nhận như những phát hiện có: tính khoa học thực nghiệm; những kết luận rút ra từ những phát hiện như vậy dù sao cũng chỉ nên được xem như những thành quả tiềm năng hoàn toàn mang tính tạm thời và gợi ý hơn là một chân lý cuối cùng.
Người Alor sống trên vùng đảo xứ Timor, phía đông đất nước Indonesia là những người làm nông thực sự, môi trường sống của họ là rừng nhiệt đới. Đối với phụ nữ, hoạt động văn hóa chính của họ là làm vườn; với cánh đàn ông, là một vòng tròn vô tận những việc trao đổi của cải, vay trả rồi trả vay. Tiền bạc với người Alor là những con lợn, các loại chậu lọ bằng đồng của đảo Java (họ gọi là moko), những cồng chiêng,... được trao đổi ra ngoài để lấy lãi bằng những khế ước chặt chẽ qui định trách nhiệm giữa con nợ và chủ nợ. Các dịp cưới hỏi và ma chay, trong vô số những dịp lễ lạt khác là những lần chi tiêu phung phí cho cái khoản thịt lợn và do đó kèm theo là vô số những cuộc trao đổi các loại bình vại, cồng chiêng. Những món chi tiêu bắt buộc nặng nề trong các cuộc lễ lạt này đẩy những nhân vật chính liên quan chìm sâu trong nợ nần.
Với người Alor, tài sản chính yếu của họ chính là chiếc xe, biểu thị cho cái ưu thế vượt trội đối với đám đông hội đồng thuyền của họ. Trong gia đình, những căng thẳng nội bộ và các thái độ đối nghịch của những người cùng sống dưới mái nhà thường không đáp ứng nhu cầu an toàn của những đứa bé. Nền văn hóa người Alor hợp nhất với những bất ổn của từng cá nhân. Sự áp bức, thống trị bằng hình thức cho vay rõ ràng là một cách sống cần điều chỉnh theo hướng ngược lại.
Trong tính cách như vậy, các cuộc chiến của người Alor không căn cứ trên một lợi ích quân sự nào cả. Chiến tranh chỉ là một phương tiện, một loại thái độ bị kích thích dẫn đến cáu kỉnh giận hờn, thậm chí diễn ra chẳng mang một dấu ấn nhỏ nhoi của nghệ thuật chiến tranh, mà chỉ và một loạt những mối hận thù bị kéo dài vô tận, đánh dấu bằng những cuộc tấn công lén lút và đầy thủ đoạn hèn hạ gian trá. Phụ nữ và ngay cả đàn ông, tất cả đều trở thành nạn nhân.
Trẻ con Alor thực sự bị bỏ rơi. Trẻ con vẫn được mong muốn, không bị từ chối, nhưng lại bị bỏ rơi. Người mẹ phải làm việc, hùng hục trên những ngày thứ mười bốn sau khi sinh, họ hầu như có rất ít thời gian dành cho đứa con. Người cha thì phần lớn thời gian là không có ở nhà. Những cơn quặn thắt vì đói của đứa bé xảy ra thất thường và không làm sao mà đoán trước được. Người mẹ không mang theo con ra đồng ruộng, một người nào đó ở quanh nhà sẽ trông nom đứa bé – có thể là bà nội hay bà ngoại, hoặc một đứa bé lớn hơn hay là người cha, nếu anh ta ở nhà. Thỉnh thoảng cũng có vài phụ nữ nuôi nấng con cái, ngay từ khi bắt đầu tập ăn đứa bé chỉ được cho ăn cháo suông và những trái chuối chín non đầu mùa. Sự thèm muốn do đói khát trở thành gần như một chức năng tâm sinh lý, không có hình ảnh của bất cứ một người nào là điểm tựa để đứa bé tin tưởng giãi bày tình trạng căng thẳng đói khát của mình. Các thức ăn chín non có thể được một người nào đó đưa cho đứa bé vì muốn chấm dứt cơn gào khóc liên tục của nó, nhưng quan sát thường xuyên ta sẽ thấy các thức ăn như vậy thường bị đứa bé đẩy ra hoặc phun phèo phèo, chứng tỏ rằng những thức ăn loại đó, được cung cấp như vậy không làm giảm những cảm xúc căng thẳng của đứa bé. Rõ ràng, đói không đơn thuần có ý nghĩa là một bao tử trống rỗng.
Mặc dù đứa con không bị bỏ lại một mình và cũng thường được địu đi đây đó trong một tấm khăn quấn quanh nửa người, nhưng nó cũng không được cha mẹ vuốt ve hay âu yếm để giảm nhẹ những căng thẳng mà nó đang chịu đựng. Người mẹ hoặc đứa anh hay chị lớn hơn có nhiệm vụ chăm sóc đứa bé lại thường dùng những biện pháp thủ dâm quai dị để xoa dịu đứa bé. Hành động này đơn thuần cha là một trò tiêu khiển, chẳng giúp ích gì trong việc xây dựng cái bản ngã của đứa trẻ, và không hơn gì một hành động hoàn toàn thiếu sự suy nghĩ.
Trong những cấu thành sơ khai của việc nuôi dưỡng con trẻ của người Alor, chẳng hề có khả năng sản sinh ra một hình ảnh của cha mẹ như một sự cứu rỗi cho những căng thẳng, bức xúc của đứa con. Sự xuất hiện chập chờn lúc có lúc không của người mẹ biến bà ta thành một đối tượng trêu ngươi, người chỉ biết mang đến những thỏa mãn hoàn toàn chẳng đúng lúc, đúng nơi.
Những bệnh hoạn trong buổi đầu thơ ấu của đứa trẻ cũng chẳng được chữa trị gì đặc biệt và lại bị làm trầm trọng thêm, bởi sự đối xử khô cằn và những loại thuốc men lạ đời. Đứa bé tập tễnh những bước đi đầu đời mà chẳng hề có một sự trợ giúp hay khuyến khích nào. Và lại một lần nữa, chẳng ai sẵn sàng bước vào, tạo lập những quan hệ để khơi gợi ra sự tin tưởng và sự tin cậy đáp ứng nhu cầu được an toàn và được giúp đỡ của đứa trẻ. Tiểu tiện và đại tiện cũng chẳng có sự kiểm soát ép buộc đặc biệt nào, hoàn toàn tự do, mọi lúc mọi nơi. Về phương điện này, việc bỏ rơi trẻ con của người Alor chỉ đạt (một cách tình cờ) một ích lợi tâm sinh lý nhỏ nhoi trong quá trình phát triển của đứa trẻ: việc làm tình bằng đường hậu môn không hề được ham muốn (Một ham muốn có thể dẫn đến bệnh đồng tính dục nam - Gay - ND).
Đến thời kỳ cai sữa, cách xô đẩy đứa bé của người mẹ hoặc những người thay thế làm mẹ tuy không bất ngờ nhưng thật là tệ hại. Đứa bé sục sạo tìm vú sẽ bị đẩy ra hoặc bị tát tai. Sau đó sự ghen ghét và sự giận dữ lại được cố tình khơi gợi bằng việc ấn một đứa bé khác vào bầu vú. Rõ ràng, thức ăn chỉ để hứa hẹn chứ không phải để ăn. Và những người lớn lại xem đây là một trò rất vui.
Trên đây là những đường nét chính của những cấu thành sơ khai trong nhân cách (của người Alor). Nhưng như vậy cấu trúc của nhân cách cơ bản của họ sẽ là gì?
Khi còn là những đứa trẻ, người Alor căn bản là e dè và hay hổ thẹn – chúng không dám mong đợi một đáp ứng thuận lợi nhưng lại sẵn sàng bùng nổ, bay lượn trong những cơn giận dữ và vùng vẫy với những lời mắng mỏ nhục mạ. Vì không thể thỏa mãn những ham muốn hoặc đạt được những phần thưởng bằng con đường trực tiếp chính đáng, chúng phải trộm cắp hoặc cướp phá và đó là một chuyện bình thường. Việc gây hấn, xâm chiếm để cướp bóc lẫn nhau trở thành chuyện thường xuyên. Đứa bé, rồi cũng đến lượt từ chối gia đình, bỏ nhà để đến sống với vài người bà con họ hàng xa xôi nào đó.
Không có một khuôn mẫu nào của thời thơ ấu được xây dựng nhắm đến tinh thần đoàn kết trong gia đình.
Sự phát triển ''cái tôi" (bản ngã) và nhận thức về xã hội của người lớn rất kém cõi và mỏng manh. Sự tự tin và cảm giác trách nhiệm đối với người khác và với xã hội rất nhỏ bé và hiếm hoi. Các quan hệ giữa đàn ông và những người đàn bà đơn thuần chỉ là sự xuất tinh và hầu như là một sự thất bại hoàn toàn của anh ta, cũng giống như đứa trẻ - thất bại hoàn toàn trong những mối quan hệ với người mẹ. Quan hệ chồng - vợ - vợ - chồng cũng là cay đắng và chẳng có gì thân mật. Phụ nữ là người nắm giữ về kinh tế, và người đàn ông - con đực - phải lệ thuộc vào cô ta và do vậy người đàn ông không thực sự áp chế được phụ nữ. Sự đền bù, những phản ứng đối kháng được thay thế bằng những hành động vay trả và mua bán chi li tủn mủn, nhiệm vụ của những hành động này rõ ràng chỉ để thỏa mãn tâm lý các ông chứ chẳng đóng góp gì vào những nhu cầu sản xuất - tiêu thụ của nền kinh tế.
Những cấu thành có tính tín ngưỡng và chiến tranh trong xã hội Alor rõ ràng mang đậm dấu ấn của hệ thống phản kháng. Chiến tranh cứ xảy ra từng cơn từng cơn, chỉ để báo thù rửa hận và chẳng cần đến sự tổ chức. Tín ngưỡng cũng rơi vào trong dạng thờ cúng tổ tiên, và cũng là đặc thù của những nền văn hóa trong khu vực này của thế giới. Nhưng những bậc tổ tiên của họ rõ ràng chẳng được tán tụng và không được sùng bái gì cho lắm. Những quyền lực hoặc pháp thuật thần bí của họ cũng được thổi phồng và cường điệu quá đáng, và người Alor cũng không ham muốn thỏa mãn những loại quyền lực này bằng sự chịu đựng và hy sinh cho những tên tuổi đã trở nên xa xưa đó. Bởi vì chẳng có được quyền lợi, khả năng, hoặc lợi ích này phát sinh khi trở lại với những loại ân sủng đó, cũng như hoàn toàn không có một ân thưởng nào cho việc ăn năn hối lỗi. Họ chẳng kỳ vọng gì từ những tổ tiên thánh thần của họ, cũng như chẳng mong đợi gì nơi cha mẹ mình vậy.
Tuy nhiên, tổ tiên thần thánh cũng cần được cung phụng, ăn uống. Không nuôi dưỡng, cung phụng thần thánh sẽ nổi giận - trong khi đó không cho đứa bé ăn chỉ gây ra sự thất vọng cùng cực của nó mà thôi. Những thượng đế tổ tiên nổi giận sẽ trừng phạt các hậu duệ của mình. Vì vậy, người Alor buộc phải dâng những thức ăn như những lễ vật hiến tế lên các thần linh tiên tổ trong sự vô cùng miễn cưỡng và sự thúc ép khổ não. Công việc tôn giáo cũng không được để ý đúng mực hoặc là rất cẩu thả. Thần linh được xem như là "các ông cha'' hoặc ''các bà mẹ''. Nền văn hóa lại không có sự lý tưởng hóa về mẹ cha và vì vậy cũng chăng có sự lý tưởng hóa về thần linh. Những biểu tượng chạm khắc về thần thánh tổ tiên được làm một cách cẩu thả, sử dụng một cách chiếu lệ, và cũng nhanh chóng bị vứt bỏ. Cái chết bị coi như là hiện thân của những chủ nợ đầy quyền lực, khó khăn cố chấp và chuyên làm điêu đứng cuộc sống con người. Tóm tắt như sau:
Nhân cách căn bản của người Alor là lo âu, nghi ngờ, ưa thích sự ám muội, thiếu lòng tin và không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Không có khả năng lý tưởng hóa hình ảnh mẹ cha và thần thánh. Nhân cách của họ hoàn toàn trống rỗng về tinh thần hợp tác lại chứa đầy sự thù hận và sẵn sàng cho sự gây hấn tự do vô tổ chức và cần phải thực hiện chỉ vì những ngờ vực, cảnh giác liên miên. Nhân cách cũng trống rỗng những khát vọng cao quý và không có căn bản để tiếp thu tinh thần kỷ luật. Những cá nhân được tạo thành như vậy buộc phải tiêu tốn hết cả năng lực của mình để tự bảo vệ và chống lại sự thù địch của nhau. Tinh thần hợp tác luôn ở mức độ rất thấp và sự kết nối xã hội mỏng manh cũng chỉ đạt được bằng những động thái áp bức, khuất phục chứ không phải bằng sự thương yêu và những lợi ích chung.
Xã hội Alor là một xã hội của một nền văn hóa lạc hậu cũ kỹ và tồn tại một thời gian đáng kể cho đến nay. Điều này có nghĩa là nó đang thực hiện những điều chỉnh cần thiết và tối thiểu theo những yêu cầu tâm và sinh lý hiện đại. Tuy nhiên, một điều không thể nghi ngờ là sự điều chỉnh đó chỉ có tính nhất thời và không có cơ sở vững chắc: sự tiếp diễn của xã hội vẫn như đang treo trên một sợi chỉ mỏng manh. Một trong những nguồn lực của xã hội chính là việc bảo vệ sự cô lập của hòn đảo đang bị chìm dần vì quá nhiều sự cạnh tranh, biến đổi đến từ thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, đây lại là một bài học tuyệt vời và tiêu biểu về sự tác động qua lại giữa văn hóa và nhân cách.
Lý thuyết của Whiting - Child và phương pháp tương liên
J.W.M. Whiting, nhà nhân chủng học đại học Harvard và I.L. Child nhà tâm lý học đại học Yale đã tổng hợp lý thuyết của Kardiner và Freud; các lý thuyết đang được giảng dạy của Dollard, Miller, Skinner, Hull và một số học giả khác; cùng với những kỹ thuật thống kê so sánh giữa các nền văn hóa của G.P. Murdock để đưa ra một phương pháp tiếp cận rất thú vị trong tác phẩm Giáo dục con trẻ và Nhân cách. Mặc dù nhiều giả thuyết bắt nguồn từ sự phân tích tâm lý được sử dụng trong lý thuyết này, nhưng điểm quan trọng của phương pháp tiếp cận này chính là việc thử nghiệm những giả thuyết - một số điều đã chứng tỏ rằng sự phân tích tâm lý là yếu kém một cách tệ hại. Những cứ liệu dùng để thử nghiệm các giả thuyết được rút ra từ những Hồ sơ những mối quan hệ của nhân loại theo địa lý - The Human Relations Area Files. Những hồ sơ này gồm những ấn phẩm đã xuất bản về những dữ liệu tiêu biểu của hơn hai trăm xã hội chọn lọc, đại diện cho tất cả các cấp độ phát triển văn hóa và cho tất cả các khu vực địa lý chính yếu của thế giới. Những dữ liệu đã được phân loại và chỉ mục rất thuận tiện cho việc đối chiếu, so sánh nhiều khối lượng sự kiện giữa các nền văn hóa.
Một cách cơ bản, Whiting và Child đã đưa ra các định đề sau đây:
1. Việc dạy dỗ con trẻ là có tính toàn cầu: Trong tất cả mọi xã hội, đứa trẻ cần sự giúp đỡ... phải được chuyển giao cho người lớn có trách nhiệm và tuân theo những quy tắc của xã hội.
2. Những quy tắc và những phương pháp giảng dạy phù hợp với những quy tắc này là khác nhau trong từng xã hội. Những dị biệt này cũng tạo nên những tác động khác nhau lên nhân cách.
3. Các tính chất đặc biệt của những tác động lên nhân cách là xuất phát từ những cấu thành của người lớn và cũng ảnh hưởng đến nội dung của chúng. Trong phạm vi này, không có sự khác biệt với lý thuyết của Kardiner. Lý thuyết về hành vi bây giờ mới xuất hiện.
Người lớn phải có trách nhiệm khen thưởng những phản ứng phù hợp với các khuôn mẫu hành vi văn hóa đã được thiết lập trước đó. Sự qui định hình thức thưởng phạt tích cực (tăng cường độ) làm gia tăng khuynh hướng lặp lại những phản ứng đã được khen thưởng. Những phản ứng không phù hợp với những khuôn mẫu hành vi văn hóa không được khen thưởng và có thể chịu trừng phạt.
4. Sự qui định hình thức thưởng phạt tiêu cực (giảm cường độ) làm giảm khuynh hướng lặp lại những phản ứng không được khuyến khích.
5. Cường độ của việc qui định hình thức thưởng phạt tiêu cực và những giai đoạn mà chúng được áp dụng tạo nên sự âu lo cho việc hội nhập xã hội. Những đáp ứng được khuyến khích thường mang lại sự hài lòng hoặc sự giảm thiểu động lực. Vì đã được khen thưởng, mỗi sự lặp lại thành công đều làm mãnh liệt hơn sự thỏa mãn tiềm ẩn trong mỗi hành vi.
6. Sự thất vọng hay thỏa mãn quá đáng trong quá trình hòa nhập xã hội mang lại những định kiến tiêu cực hoặc tích cực. Định kiến có nghĩa là những biến cố thuộc loại nào đó có một tầm quan trọng tâm lý cứ lớn dần hoặc nhỏ dần đối với một người nào đó, người đã có những trải nghiệm nhất định chứ không phải là người chưa trải qua gì cả.
7. Bệnh tật gây ra sự lo lắng. Những giải thích về bệnh tật, hoặc những nguyên nhân thông thường thuộc về bệnh tật thường là sự tưởng tượng đủ màu sắc, xuất phát từ những định kiến đã có sẵn theo 1ẽ thông thường trong các thành viên của xã hội về việc nuôi dạy con trẻ.
Chẳng hạn như những định kiến về tiêu hóa, ẩm thực, hoặc cách ăn nói sẽ sinh ra những “nguyên nhân” bệnh tật về ăn uống (đặc biệt là những thực phẩm “độc hại”) hoặc chửi thề và những kiểu cách nói năng hoang đường. Những định kiến về bài tiết lại sản sinh ra các giải thích về những lệch lạc trong cách “giải phóng” những chất thải, cặn bã cá nhân...
Một số những giả thuyết đặc biệt đã được tinh lọc lại để thử nghiệm. Trong phương pháp này các hành vi hội nhập xã hội thuộc từng cơ chế như tiêu hóa, bài tiết, tính dục, phụ thuộc hoặc gây hấn, được trình bày thành những số liệu giá trị theo một thang điểm tỉ lệ phù hợp với từng mức độ ngặt nghèo xảy ra. Thử nghiệm này có thể thực hiện ở bất cứ xã hội nào trong số năm mươi xã hội đã được chọn lọc sẵn. (Khá thú vị là, tầng lớp trung lưu - sống ở Chicago có thể đại diện cho xã hội Mỹ trong loại thử nghiệm này - trong hầu hết các biện pháp giáo dục con trẻ buổi đầu đời, mức độ cấm đoán khắt khe rất cao nhưng sự cho phép thỏa mãn các thú đam mê thì rất giới hạn. Người Mỹ rất nghiêm khắc và đòi hỏi rất cao đối với con cái). Nếu các cứ liệu đã được đảm bảo chứng thực thì xã hội được xếp loại có hoặc không có những giải thích về bệnh tật của các cơ chế tiêu hóa, bài tiết, tình dục, phụ thuộc và gây hấn. Những mối tương quan được rút ra - một mặt theo cách thống kê giữa những định kiến tiêu cực và tích cực, và mặt kia là một loại “lý thuyết bệnh tật” nào đó.
Việc nghiên cứu còn thiết lập những mối tương quan sâu hơn về tác động của những hình thức thưởng phạt, hoặc nghiêm khắc hoặc tiêu cực trong việc làm phát sinh ra những bệnh tật tương ứng. Những định kiến tích cực thường không nhằm chứng minh cho lý thuyết nguyên nhân gây bệnh: người lớn có ảnh hưởng tích cực.
Đánh giá phương pháp Whiting - Child. Phương pháp của Whiting và Child đứng vững hay không tùy thuộc giá trị của những phê phán đánh giá, được các nhà lượng giá lập ra dưới dạng các tỉ lệ giá trị trong các bản báo cáo của ngành miêu tả dân tộc học. Các đánh giá thường chủ quan và dựa trên những dữ liệu không phù hợp của khoa miêu tả dân tộc học. Tuy nhiên, các phán đoán này lại được xử lý như chúng là những đơn vị định lượng "cố định". Những người nghĩ rằng một môn khoa học phải luôn cần những con số thì ca ngợi những nỗ lực này. Những người còn hoài nghi về giá trị của các kết quả thì có khuynh hướng nghĩ rằng nó là ''một phương pháp của sự chính xác có tính giả định. Dù sao phương pháp này cũng mang lại một cái nhìn mới mẻ và khơi gợi về sự vật.