Hôn nhân giả
Thỉnh thoảng cũng có các hình thức hôn nhân giả. Trong số này, đặc biệt là các tập tục của người Kwakiutl và người Nuer. Trong trường hợp người Kwakiutl sự thừa kế các đặc quyền của vị tù trưởng được truyền từ người tù trưởng đến một đứa cháu ngoại thông qua con rể. Các chức vị không được phép truyền qua các thế hệ kế tiếp trực tiếp qua con trai của tù trưởng. Nếu không có con gái thì sự thừa kế sẽ bị tắt nghẽn do không có con rể. Boas viết:
Trong trường hợp như thế, người muốn được nhận lấy tước vị và các đặc quyền khác có liên quan đến tước vị, người ta buộc phải tiến hành một cuộc hôn nhân giả với con trai của người mang tước vị đó. Nghi lễ cũng được thực hiện như một lễ cưới thật sự. Nếu người mang tước vị không có con cái nào, thì (người kia) phải thực hiện lễ cưới giả với một phần của cơ thể của người mang tước vị, với phần cơ thể bên trái hay bên phải, chẳng hạn như một cái chân hay một cánh tay, và các đặc quyền cũng được chuyển giao như trong lễ cưới thật.
Người con rể tiếp nhận các tước vị và sinh con với một bà vợ thứ. Những đứa con sinh từ cuộc hôn nhân này có thể thừa kế tước vị từ ông ngoại của chúng.
Như được trình bày trong phần trao đổi của sính lễ, chúng ta đã biết những mối dây ràng buộc trong quan hệ họ hàng của người Nuer là chặt chẽ đến mức nào. Cũng quan trọng như thế là sự duy trì dòng dõi mà người Nuer thường nhờ vào tục mà họ gọi là kết hôn với hồn ma (ghost marriage) để kiếm con cái cho những người đàn ông hay con trai đã chết mà chưa có người thừa tự. Bởi vì một người có vị thế quan trọng trong cấu trúc dòng họ cần phải giữ cho tên của dòng họ luôn được “tươi tốt”. Thế thì, một trong những người “anh em” (từ một vị thế thân tộc kém quan trọng hơn) nhân danh người quá cố, hoặc theo như họ nói, ''nhân danh người anh hay em của ta", làm lễ thành hôn với một phụ nữ. Họ sống với nhau như mọi gia đình bình thường, chỉ trừ có điều chính anh ta không phải là chồng cô gái ấy. Những đứa con mà họ sinh ra là con cái của người quá cố trong dòng họ - tức là con của người cha ma (mà anh ta đã nhân danh khi cưới cô gái); chúng có quyền hưởng thừa tự và nhận lấy cái khoản tiền sính lễ và tiền bồi thường đền mạng chiếu theo địa vị của chúng trong dòng họ.
Người Nuer còn có một hình thức “lấy vợ”, khác với cách của người Dahomey. Một phụ nữ Nuer ngoài tuổi sinh nở đôi khi có thể dùng số gia súc thuộc về người chồng đã qua đời để, nhân danh chồng bà và chính bà, thực hiện một cuộc hôn nhân cho một người đàn ông và một phụ nữ khác. Con cái của cặp vợ chồng này sẽ là con cái của người chồng quá cố và của chính bà ta, và chúng có quyền hưởng thừa tự của bà theo danh phận đó.
Trong một hình thái khác của người Nuer, một bà lão mà dòng họ sắp tận tuyệt vì bà không có một thân nhân nào còn sống, có thể cưới một phụ nữ cho một người đàn ông nào đó trong dòng họ của bà đã chết, nếu bà có đủ số gia súc làm của sính lễ. Sau đó, bà mời một người đàn ông không có liên hệ họ hàng gì giao hợp với người "vợ của ma'' để có con cái nối dõi.
Bằng cách đẩy sự hư cấu đến tận cùng, người Nuer làm cho một phụ nữ không thể sinh sản trở thành có vị thế của một người đàn ông. Dù sao, chẳng lẽ bà ta không có quyền chứng minh bản thân mình thiếu các thuộc tính căn bản của một người đàn bà hay sao? Thế rồi, có những trường hợp ngoại lệ mà một người vợ có thể đứng ra làm một lễ cưới nhân danh mình. Nghĩa là, hôn lễ giữa một người đàn ông và một người đàn bà được cử hành mà người đàn ông là người thay thế hợp pháp cho người đàn bà không thể sinh nở đứng ra tổ chức lễ cưới đó. Con cái do hai người kia sinh ra sẽ mang họ của bà, là vì bà đang ở vị thế của một người đàn ông mà những đứa con họ sinh ra là do từ nơi bà mà có cho nên chúng là một nối kết gần gũi của dòng dõi của bà ta.
Giáo sư Paul Bohannan cho rằng những cuộc hôn nhân giả này chẳng hề được coi là hôn nhân, vì không một người đàn ông nào có được người vợ cho chính mình từ những vụ như thế. Đây đúng là trường hợp của người Kwakiutl và vài trường hợp theo tập tục của người Nuer, chú trọng vào việc chuyển các quyền về pháp lý và tài sản từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua sự sinh sản con cháu theo pháp lý. Trong những tình huống này, sự dàn xếp được xem như thể đó là một cuộc hôn nhân thực sự, và từ đó sinh ra các hệ quả pháp lý.