Tài liệu: Chức năng của gia đình

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

M. J. Levy và L. A. Fallers đã đề xuất rằng chức năng của gia đình có thể được phân ra thành bốn nhóm; (1) tình dục, (2) sinh sản, (3) kinh tế, và (4) giáo dục
Chức năng của gia đình

Nội dung

Chức năng của gia đình

M. J. Levy và L. A. Fallers đã đề xuất rằng chức năng của gia đình có thể được phân ra thành bốn nhóm; (1) tình dục, (2) sinh sản, (3) kinh tế, và (4) giáo dục[1]. Nói rõ hơn, chức năng của gia đình có thể được phát biểu như sau: (1) Sự định chế hóa việc kết đôi và định hướng các sinh hoạt tình dục, từ đó tạo nên người cha hợp pháp cho các con cái do người vợ sinh ra, và người mẹ hợp pháp cho những đứa con của người cha, mỗi người là ''phần độc quyền'' trong sinh hoạt tình dục của người kia. (2) Nuôi nấng và giáo dục con cái trong một không khí thân mật, chuẩn bị cho chúng nhận lấy những địa vị thừa kế hợp pháp của cha mẹ và bà con trong họ hàng thân thích. (3) Sự tổ chức phân công lao động bổ sung giữa vợ chồng, phân định những quyền hạn cụ thể cho mỗi người trong lao động của người khác và trong của cải, tài sản mà họ có thể tạo được một mình hay với sự hợp sức chung. (4) Sự liên kết của chồng hay vợ và con cái trong phạm vi hệ thống rộng lớn hơn của dòng họ thân tộc: Việc thiết lập các mối quan hệ trong thế hệ con cháu và thân tộc[2]. Những chức năng này được hình thức gia đình thể hiện ở khắp nơi như một đơn vị xã hội. Có thể có những mô thức khác, nhưng chúng phụ thuộc vào loại hình gia đình. Và trên tất cả, những mô thức này không phổ quát như hình thức gia đình (xem phấn thảo luận về những nhóm theo dòng mẹ, trang 470 - 472).

Trong nhiều xã hội, con người có thể thỏa mãn nhu cầu tình dục trước hôn nhân một cách hợp pháp; trong những trường hợp như vậy, nếu chức năng của gia đình chỉ là sự thỏa mãn về tình dục không thôi, thì không có lý do để buộc cá nhân phải nhận trách nhiệm về hôn nhân.

Chăm sóc con cái là điều chính yếu được quan tâm. Chúng ta đã đề cập nhiều đến vấn đề: các xã hội sơ khai rất lơ là, không xem trọng bổn phận làm cha về mặt sinh học. Nhưng có một điều được mọi xã hội coi là cực kỳ quan trọng, là phải có một người hoặc một nhóm nam giới trưởng thành nào đó chịu trách nhiệm có những hoạt động cần thiết để giúp những mầm non được sống, lớn lên và được học hỏi. Phải có một tình trạng làm cha về mặt pháp lý cho hợp qui tắc trong việc hoán chuyển các vị thế từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Những khác biệt giới tính giữa nam và nữ cũng cần có một sự hợp tác trong phân công lao động mới giúp gia tăng được hiệu quả và kỹ năng trong công việc phải làm để đáp ứng các yêu cầu nuôi nấng và chăm sóc sự phát triển của con cái. Dĩ nhiên là phụ nữ phải chịu phần sinh đẻ. Công việc nuôi con làm cho người phụ nữ phải bận bịu, trong khi người đàn ông chuyển dịch tự do hơn. Khả năng di động cao cộng với sức mạnh giúp người đàn ông trở thành những tay thợ săn có hiệu quả hơn. Nhiều kỹ năng được cả hai giới thực hiện tốt, nhưng đo việc gì càng thực hành nhiều thì càng thành thạo, mỗi giới tính có thể phát triển những kỹ năng rất cao nếu họ tập trung vào những nhiệm vụ nhất định, và nhờ giới kia thực hiện các kỹ năng liên quan các nhiệm vụ nhất định khác; nhờ cách sắp xếp như thế, vợ chồng và con cái có thể đạt được những thành quả lớn hơn. Các chức năng cơ bản của gia đình có thể được thể hiện với nhiều mức độ hiệu quả khác nhau từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác, và các chi tiết trong phương cách mà các gia đình thể hiện các chức năng này từ những nền văn hóa khác nhau, tạo ra các nhân cách cá nhân khác nhau nơi trẻ con và người trưởng thành, như đã được đề cập trong Chương 4. Từ quan điểm này, ta có thể thấy được điều rõ ràng nhất là không gì có thể thay thế được các chức năng phát triển con cái cũng như gia đình. Các nhà nhân chủng học đặc biệt quan tâm đến những mối quan hệ văn hóa trong sự hình thành nhân cách bằng cách quan sát trực tiếp các xã hội sơ khai, đều đồng ý rằng các dữ liệu nhân chủng học đã cung cấp ý nghĩa phổ quát cho các kết luận rút ra từ những nghiên cứu mới đây về trẻ con trong gia đình và trong các định chế văn hóa. Margaret Mead đã tóm lược lại như sau:

Người ta đã chứng minh một cách hiệu quả rằng, nếu được nuôi dạy trong những định chế thiếu vắng tình cảm con người thì dù được chăm sóc tốt con trẻ vẫn không thể phát triển, và việc tách rời đứa trẻ khỏi người mẹ - nhất là trong những giai đoạn đặc biệt - có những ảnh hưởng rất tai hại đến đứa trẻ. Sự chậm phát triển, không có khả năng học nói, tính lãnh đạm, hay gây gổ, và cái chết, tất cả xuất hiện ở những đứa trẻ sống trong các cơ sở từ thiện thiếu vắng vai trò của người mẹ mà không có gì thay thế được[3].

Có thể có một sự thay thế cho người mẹ, hay một người thay cho mẹ, nếu mối quan hệ là riêng tư trong vòng thân mật của gia đình, miễn là đáp ứng được tình cảm trực tiếp cho đứa trẻ. Nuôi nấng bao gồm nhiều điều khác nữa chứ không đơn thuần chỉ là việc cho con bú sữa mẹ. Trong nhiều trường hợp, người- mẹ-thay-thế có thể thay cho người mẹ hoặc người cha sinh học, như trong hôn nhân nối dây về phía đàng mẹ và nối dây về phía đàng cha, hoặc có thể là người thay thế cho cả hai bên ít nhiều thực hiện vai trò của cả cha lẫn mẹ. Một đứa trẻ người Navaho có thể được những người chị em của mẹ (các dì) trong thị tộc chăm sóc và nuôi dưỡng, và nó sẽ gọi họ bằng mẹ trong hệ thống danh xưng họ hàng của người Navaho; họ cũng gọi nó là con ngay từ thuở ban đầu. Gia đình không nhất thiết là một gia đình hạt nhân (nuclear family), nhỏ, cách ly trong một đơn vị cư trú tách biệt; có thể là như thế, nhưng gia đình cũng có thể tồn tại như một tế bào của một cấu trúc gia đình rộng lớn hơn.

Như thế, mặc dù loại hình gia đình hạt nhân xuất hiện trong tất cả các xã hội, nó chỉ là một hình thức đơn lẻ của đơn vị gia đình, chỉ chiếm một phần tư của toàn thể số gia đình đang tồn tại. Trong khoảng một nửa số xã hội trên thế giới, gia đình hạt nhân thường được bao bọc trong một loại đại gia đình, một nhóm thân tộc rộng lớn bao gồm nhiều hơn một cặp vợ chồng và con cái của họ.[4]




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2585-02-633540591476063750/Gia-dinh/Chuc-nang-cua-gia-dinh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận