Sự ly dị và hình thức tiêu hôn
Mặc dù những người trong dòng tộc có mong muốn duy trì sự liên kết hôn nhân, nhưng các cuộc hôn nhân của con người thời sơ khai rất dễ đổ vỡ. Sự lãng mạn và khao khát của cá nhân có lẽ không giữ một vai trò quan trọng nào trong việc chọn lựa người bạn đời đầu tiên như chúng ta làm hiện nay, nhưng họ được phép thay đổi bạn tình sau khi cưới. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những cuộc hôn nhân của người sơ khai kéo dài được đến trọn đời.
Hobhouse, Wheeler, và Ginsberg nhận thấy trong 271 bộ lạc được họ nghiên cứu chỉ có 4 bộ lạc cấm ly dị; 24 phần trăm số bộ lạ cho phép ly dị trong một số trường hợp đặc biệt; 72 phần trăm cho phép với điều kiện có sự thỏa thuận của hai bên căn cứ trên sự không tương hợp hay do ý thích nhất thời. Các mẫu nghiên cứu có thể không được thống kê đầy đủ. Dù vậy, kết quả ghi nhận như trên có thể là không quá xa thực tế.
Ngoài những sự thu xếp về kinh tế có thể rất rắc rối khi của sính lễ là quá cao, chuyện ly dị của con người sơ khai không đối diện nhiều vấn đề phức tạp khó khăn như trong xã hội Tây phương hiện nay. Lý do đầu tiên là mặc dù nghi lễ tôn giáo có tham dự vào hình thức hôn lễ, nhưng hôn lễ không hề là một sự việc mang tính tôn giáo. Thêm vào đó, vấn đề sắp xếp và chăm sóc con cái cũng được giải quyết dễ dàng hơn. Thông thường, con cái theo về người mẹ. Như chúng ta đã nhận thấy, đối với con người sơ khai việc làm cha về mặt xã hội có ý nghĩa hơn là làm cha về mặt sinh học.
Với những tư liệu đang có, chúng ta không có được bao nhiêu bằng chứng cho thấy khi người mẹ tái hôn thì lũ con cái sẽ khó khăn như thế nào trong sự biến đổi tình cảm. Nếu người mẹ không tái hôn ngay thì cô ta cùng đàn con dễ dàng thu xếp ổn định giữa những bà con thân thích của mình, vì cộng đồng bộ lạc không lớn, cô ta không lúc nào phải xa cách với người thân. Nếu bị một bộ lạc khác bắt, có thể là cô ta buộc phái tái hôn ngay lập tức. Một người đàn bà trưởng thành mà không có chồng là điều mà tất cả mọi con người sơ khai không nghĩ tới.
Sự phổ biến của thói tục cướp/trộm vợ là một dữ kiện quan trọng khác chưa được giải quyết. Trong nhiều xã hội mà, sự cạnh tranh về tình dục trong nam giới là một phương tiện để đạt được những vị thế xã hội, thì không có một nhà nào, một gia đình nào là an toàn. Người Eskimo có thể hợp tác về mặt hoạt động kinh tế, nhưng họ tranh nhau bằng bạo lực để giành đàn bà. Cướp vợ của kẻ khác và mang đi xa chứng tỏ kẻ bắt cóc là người tài giỏi hơn kẻ bị mất vợ. Tuy vậy, sự rủi ro là rất lớn, vì người chồng mất vợ có thể tìm cách hạ sát là cướp vợ mình. Một kẻ sắp cướp vợ người khác thường rắp tâm giết người chồng trước rồi mới cướp người vợ sau.
Vào những năm 1920, Knud Rasmussen đến thăm một ngôi làng củ người Musk Ox Eskimo ở Canada. Ông nhận thấy mỗi người đàn ông trưởng thành ở đây đều có dính líu không nhiều thì ít vào những vụ giết người mà chung qui là để cướp vợ.
Những tập tục đặc biệt như việc cướp vợ tuy được cho là hợp lệ trong cộng đồng người da đỏ Crow, nhưng cũng có thể gây ra tình trạng tan vỡ gia đình. Đây là một trường hợp cụ thể về sự cạnh tranh giữa hai khối liên minh quân sự là nhóm những Con cáo và nhóm những Cây Gậy đầu tròn. Mỗi mùa xuân nhóm này hoặc nhóm kia được quyền bắt một người vợ của một thành viên trong nhóm đối phương, miễn là người phụ nữ ấy trước đó đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân với người bắt cóc Người chồng không được kháng cự vụ bắt cóc và không được đòi lại vợ. Chiến thắng của nhóm bắt cóc là điều tối thượng, không thể đảo ngược.
Người Cheyenne và người trong các bộ lạc ở vùng Bình Nguyên coi việc vất bỏ vợ tại một buổi nhảy múa đặc biệt là một công trạng hiển hách có tính nghi lễ. Một chiến binh người Cheyenne tung một cây gậy bên trên một đám khán giả nam giới, nếu gậy rớt trúng ai thì người đó phải lấy cô vợ của anh ta, dù chỉ trong một ngày.
Cho đến gần đây, các nhà nhân chủng học còn cho rằng trong vấn đề ly dị, đàn ông có được nhiều lợi thế hơn cánh phụ nữ. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hóa của Murdock đã bác bỏ kết luận này. Trong bốn mươi nền văn hóa được chọn một cách khách quan từ khắp nơi trên thế giới trong cuộc khảo sát của Murdock, thì ba phần tư trong số đó không có sự dị biệt căn bản nào về quyền của đàn ông và phụ nữ trong việc chấm dứt một cuộc hôn nhân không ưng ý. Chỉ có sáu nền văn hóa, nếu đúng là như thế, quyền hạn thiên về người đàn ông. Thế nhưng mặt khác, có bốn nền văn hóa cho phép phụ nữ có quyền cao hơn khi đòi hỏi ly dị. Về quyền được ly dị, Murdock kết luận rằng: “Chuyện một phụ nữ thổ dân bị kềm kẹp hoàn toàn là một chuyện huyền thoại, tưởng tượng”. Con cháu của những người theo chế độ mẫu hệ cùng với cư dân thuộc lãnh thổ của họ hàng bên mẹ, làm cho người mẹ rất có quyền lực. Ở các nơi con người theo chế độ mẫu hệ như người Hopi và Zuni, phụ nữ là người chủ sở hữu nhà cửa; một phụ nữ có thể ly dị đức ông chồng chỉ giản dị bằng cách vất đồ đạc của ông ta ra khỏi cửa. Bất cứ một đấng mày râu nào về nhà mà thấy đồ đạc của mình xếp đống ngoài cửa thì mặc nhiên phải hiểu điều đó nghĩa là gì - đã đến lúc phải trở về nhà với mẹ thôi.
Các nguyên nhân và những nền tảng của việc ly dị có lẽ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng có thể minh họa cho phần gút lại của chương này với một danh sách những điều mà người Ifugao và Luzon xem là nền tảng của sự ly dị.
1. Một điềm xấu từ túi mật của con vật hiến tế tại bất kỳ một trong bốn bữa tiệc của hôn lễ.
2. Một điềm xấu từ túi mật tại bất kỳ một trong ba buổi lễ gạo chính thức của bất kỳ một trong hai gia đình hai bên trong suốt năm đầu tiên, sau khi hoàn tất các nghi lễ hôn nhân.
3. Sự vô sinh.
4. Con cái theo nhau chết.
5. Thường xuyên tỏ ra bất lực trong sinh hoạt tình dục.
6. Không muốn thực hiện sự giao hợp.
7. Thiếu chăm sóc trong khi đau ốm, “không biết tỏ ra yêu thương”.
8. Bị người bên kia mắng nhiếc, chửi rủa.
9. Giảm bớt phần ruộng đất đã thỏa thuận trong hôn ước.
10. Bán ruộng lúa không có lý do thích đáng, và không được sự đồng ý của người hôn phối.
11. Liên tục từ chối yêu cầu của cha vợ đòi giao đủ số ruộng đất ghi trong hôn ước khi đôi vợ chồng đã đủ trưởng thành.
12. Chịu đựng nợ nần vô lý.