Phát minh
Phát minh là gì? Phát minh khác với phát hiện như thế nào? Những câu hỏi này không chỉ quan trọng về mặt lý thuyết dùng trong các mục đích phân tích, mà còn rất có ý nghĩa thực tế trong việc thực thi luật pháp về lãnh vực sở hữu trí tuệ - bằng phát minh, sáng chế hiện nay, theo đó một phát minh có thể được cấp bằng sáng chế trong khi một phát hiện thì không.
Ví dụ, theo quan điểm của một tòa phúc thẩm cấp quận tại Mỹ, một bằng sáng chế có giá trị về phương pháp chiếu bức xạ vào thực phẩm bằng cách đem phơi thực phẩm dưới ánh sáng tia cực tím, là không có hiệu lực bởi vì đó chỉ là một phương pháp hóa lý đã có từ khi sự sống mới bắt đầu. Một sự khác biệt đã được vạch ra giữa việc phát minh ra bóng đèn phát tia cực tím với việc phát hiện rằng những vật chất hữu cơ khi phơi ra dưới tia cực tím sẽ được tăng thêm Vitamin. Nghĩa là tùy thuộc vào những giới hạn về mặt pháp lý nào đó, phát minh này được cấp bằng sáng chế còn phát minh kia thì không.
Một phát hiện là hành động đưa vào nhận thức chung của nhân loại hoặc cộng đồng một sự vật đã tồn tại nhưng trước đó chưa được nhận thức. Các vitamin và các vết đen trên mặt trời đã được phát hiện chứ không phải được phát minh. Một phát minh là một sự thay đổi hoặc là một sự tổng hợp các chất, các điều kiện, hoặc các tập tục đã có từ trước nhằm tạo ra một hình thái vật chất mới hoặc một hành động mới. Do vậy, chúng ta phải chú ý phân biệt giữa những khuôn mẫu hành động mới đã được chuyển dịch thành hình thức cụ thể (những phát minh về vật chất) và những phát minh chỉ tồn tại trong lãnh vực những khuôn mẫu hành động phi vật chất. Các nhà triết học đôi khi gọi những phát minh sau là những phát minh xã hội hoặc những phát minh đạo đức.
Để minh họa đầy đủ hơn sự khác biệt giữa phát hiện và phát minh, có thể lấy thí dụ về chín mươi hai nguyên tố đầu tiên, từ hydrogen đến uranium, đã được phát hiện bằng những phương pháp nhận thức khoa học. Nhưng những nguyên tố mới được chuyển biến từ uranium, ví dụ nguyên tố neptunium và plutonium, được tạo ra từ 1940, là những nguyên tố thật sự được phát minh. Những nguyên tố này không có trong thiên nhiên; chúng được tạo ra do trí thông minh của con người trong việc phát triển những kỹ thuật tách các hạt nơtron ra khỏi các hạt nhân cơ bản của chúng và kết hợp chúng với các hạt nhân cơ bản khác mà không tạo ra sự phân hạch. Do vậy, các kết hợp mới giữa các hạt proton, nơtron và các hạt điện tử đã tạo ra những nguyên tố mới.
Phát minh một sự vật nào đó đòi hỏi một hành vi trí tuệ kèm theo, nghĩa là cần phải có hai hay nhiều sự vật đang tồn tại bị phá vỡ thành nhiều phần và nếu sự vật đó, hoặc một số những phần này được sửa đổi, hoặc được thay thế hay được tái kết hợp để hình thành một cấu trúc mới. Homer Barnett, một nhà nhân chủng học đã dành nhiều tâm huyết hơn ai hết để suy nghĩ và nghiên cứu vấn đề cách tân mang tính văn hóa trong thời đại của chúng ta, đã sử dụng phát minh về sản xuất khí đốt như là một ví dụ điển hình về quá trình này:
Vô số người đều biết rằng hơi thoát ra từ những khe hở ở những lớp trên của trái đất là rất dễ phát cháy. Vào khoảng năm 1684, John Clayton đã kiểm chứng các báo cáo về hiện tượng này ở Lancashire và sau đó tự mình tiến hành sản xuất khí đốt. Suy đoán là phải có một sự liên quan giữa khí đốt, hơi nóng của trái đất và lớp than trầm tích trong các mỏ lân cận, ông đã đun nóng than trong một bình cổ cong... như là một vật thay thế cho lớp vỏ trái đất... Rồi, bước thứ hai, ông giữ hơi gas thoát ra... trong một cái bong bóng... trước kia đã được dùng cho nhiều... [mục đích khác], thay vì để hơi thoát ra ngoài không khí... ông dùng một đinh ghim chọc thủng quả bóng, mang ngọn nến đến gần lỗ thủng, và như vậy tiền thân của đèn khí và mỏ đèn khí đã ra đời.
Việc phát minh theo ý chí tự nguyện trong trường hợp này là một quá trình thay thế và tái kết hợp đầy sáng tạo và hợp lý. Sự phát minh này tượng trưng cho mức độ biến đổi văn hoá tế nhị nhất. Một quá trình như thế là đặc điểm riêng biệt của những xã hội phức tạp với nền văn hoá có xu hướng thay đổi năng động. Ngay cả trong số những quốc gia có nền văn minh cao, những nhà phát minh năng động, đầy tham vọng vẫn là con số tương đối hiếm hoi trong các thành phần dân chúng.
Trong nền văn hoá của chúng ta, phát minh được đánh giá cao và được tưởng thưởng trọng hậu, nên những người có tham vọng và trí tuệ luôn khao khát phấn đấu để tìm ra những mối tương quan mới mẻ như là những giải pháp để giải quyết các vấn đề. Trong quá trình phát minh tự ý, nhà phát minh nhận ra một nhu cầu hoặc nghĩ rằng mình đã thấy được sự khiếm khuyết về một số hình thái hoặc chức năng nào đó. Nhà phát minh đặt ra vấn đề cần giải quyết trên cơ sở của nhu cầu đã được phát hiện này, và từ điểm đó cố gắng tìm ra một giải pháp hợp lý dưới hình thức một phát minh có thể thực hiện được.
Sự kế cận ngẫu nhiên và phát minh
Trong thế giới nguyên thủy, việc tự ý sáng tạo thật sự hiếm khi xảy. Việc chắp vá có ý thức theo cấu trúc hội hoặc theo tình trạng sử dụng vật dụng đồ nghề không phải là kiểu cách của thời đó. Hầu hết những phát minh thời nguyên thủy đều có tính ngẫu nhiên. Những phát minh thời đó là kết quả của điều mà Greeman đã gọi là sự ngẫu nhiên kế cận.
Sự vận hành của nguyên tắc ngẫu nhiên kế cận trên mức độ thô thiển nhất có thể được minh chứng bằng những hoạt động của Sultan, một trong những con khỉ nổi tiếng của Köhler Sultan được trao một vấn đề - làm thế nào để lấy được quả chuối. Nó cũng được giao cho hai que tre rỗng, que nào cũng không đủ dài để có thể chạm đến quả chuối. Tuy nhiên chúng đã được tạo dáng và kết cấu là que này có thể gắn vừa vặn vào que kia, làm thành một que đủ dài để thực hiện được yêu cầu. Phải có một phát minh, và phương tiện thì đã có sẵn. Sultan đã ''vắt óc khỉ'' tìm cách giải quyết, nhưng điều tốt nhất nó có thể nghĩ ra là dùng que này đẩy que kia về phía quả chuối. Không lấy được quả chuối, cuối cùng, giống như nhiều nhà phát minh nản chí khác, Sultan bỏ cuộc. Những cố gắng phát minh theo ý chí của nó hoàn toàn thất bại. Nó buông que ra và hướng sự chú ý đến những hoạt động ít gây chán nản hơn.
Khi đi quanh chuồng tìm trò giải trí, một lần nữa Sultan lại chú ý đến các que tre. Nó nhặt que lên và bắt đầu nghịch ngợm như thế, hoàn toàn không quan tâm đến quả chuối đã bị quên lãng kia. Đột nhiên nhận thấy mình đang cầm đầu que này sát với lầu que kia. Nó đẩy que này vào que kia. Nhìn kìa, nó đã làm được rồi? Sự ngẫu nhiên kế cận đã tạo ra một loạt các mối liên hệ mới, một sự kết hợp hài hòa đã tạo ra một phát minh. Vào thời điểm quan trọng này, sự thông minh của Sultan tương đương như một cơ hội ngẫu nhiên. Nó chỉ có thể nhận ra một mối quan hệ hữu ích khi thấy được điều đó. Ngay lập tức, nó đi lại chấn song, sử dụng cái đồ nghề mới mẻ của mình và nuốt quả chuối.
Chúng ta thật sự biết rất ít các bước chính xác của hầu hết các phát minh nguyên thủy đã trở thành hiện thực như thế nào. Một loạt kết quả khảo cổ, chẳng hạn như những công trình nghiên cứu về thời tiền sử của Cựu Lục Địa và của vùng Tây Nam cho thấy hình thái bên ngoài của các bước phát triển tuần tự, trong đó nhiều vật dụng do con người làm ra phải phát triển qua hàng thế hệ thời gian. Một phương pháp kém thuyết phục, phương pháp mà các nhà khảo cổ thời trước đều ưa thích, là tái thiết lập các bước sáng tạo bằng sự suy luận kết nối. Đây là một thú tiêu khiển hấp dẫn nhất, nhưng thường thì kết quả cũng chỉ là câu chuyện “chỉ có vậy thôi”, hơn là sự phân tích được dẫn chứng khách quan đáng được quan tâm về mặt khoa học.
Việc phát minh ra lều tipi (lều hình chóp nón của thổ dân da đỏ - ND) của thổ dân da đỏ Cheyenne cũng theo trình tự ngẫu nhiên này. Grinnell đã ghi nhận lại sự việc này như sau:
Túp lều đầu tiên có hình dáng hiện đại, được cho là do một người nghĩ ra khi đang cầm một chiếc lá dương lớn, và hoàn toàn ngẫu nhiên, người ấy bẻ cong chiếc lá thành hình chóp nón - nghĩa là, hình của túp lều được sử dụng ngày nay. Khi nhìn chiếc lá, người ấy chợt lóe ra ý nghĩ rằng một nơi trú ẩn như vậy sẽ tốt hơn những nơi họ đang trú ẩn. Người ấy nói điều đó với những người khác, rồi mọi người đã làm những túp lều có dạng chiếc lá và đã sử dụng chúng từ đó đến nay.
Mặc dầu hoàn toàn không chắc rằng một người thổ dân da đỏ Cheyenne nào đó đã phát minh ra túp lều hình chóp nón theo cách thức như thế, câu chuyện đã minh họa một cách hoàn hảo sự vận hành theo nguyên tắc kế cận. Phát minh của Sultan là kết quả việc đặt kế cận hai vật - những chiếc que; phát minh về túp lều được cho là của một người Cheyenne là kết quả việc đặt kề nhau hai hình ảnh trong ý tưởng, hình chóp nón được hình thành từ chiếc lá và căn nhà tiềm năng. Hai thành tựu này cùng minh họa cho định nghĩa cuối cùng của Greenman về sự kế cận:
Sáng tạo ra một ứng dụng mới là kết quả của việc thiết lập một mối quan hệ không gian gần gũi giữa hai hay nhiều vật, hoặc lập nên một mối liên hệ thời gian giữa những hình ảnh của hai hay nhiều vật trong tâm tưởng, bằng những phương cách tự nhiên hay nhân tạo mà không hề biết trước kết quả đã có loại lều này từ lâu, cho nên rõ ràng đây là sự vay mượn ý tưởng của người Cheyenne.
Vì vậy về lãnh vực kỹ thuật, tạo ra một loại tạo tác mới - kết quả của sự kế cận, đặt liền bên nhau - là phản ứng của trí óc đối với một tác nhân kích thích trong môi trường. Bởi lẽ chủ yếu thì, “sự phát triển tiến lên của những hình thái kỹ thuật đã phải dựa vào những việc kế cận ngẫu nhiên như vậy”.
Đương nhiên là sự kế cận ngẫu nhiên vẫn có thể dẫn đến những sai lầm trong phát minh xen lẫn giữa những sáng tạo có ích lợi. Gánh nặng những nguyên tắc lỗi thời, những cấm kỵ vô nghĩa và những tín điều sai lạc, mà con người phải mang nặng hàng bao nhiêu năm có thể là kết quả của việc kết hợp sai lầm những hình ảnh kế cận nhau.
Hơn nữa, sự kế cận đơn thuần không đương nhiên tự động tạo ra một phát minh. Việc sử dụng, ý nghĩa và chức năng của những tạo tác hoặc hình thái xã hội đặc biệt có thể bị cản trở không được chấp nhận như là những hình thức mới, những áp dụng mới, những ý nghĩa mới hoặc những chức năng mới, được xem như là có liên hệ kết nối với những ý tưởng sáng tạo mới nào đó. Sự phản đối những phát minh mới cũng là điều thường tình xảy ra, và những nhà phát minh không phải luôn luôn là những anh hùng. Các dữ liệu nhân chủng học kết hợp với dữ kiện lịch sử cho thấy rằng dòng chảy của các phát minh hiểm khi gián đoạn. Những công cụ phức tạp và những thói quen phát triển dần là kết quả đóng góp của nhiều người trong một khoảng thời gian dài đáng kể. Câu chuyện không thực tế sau đây xuất phát từ một sự tưởng tượng phóng túng, tuy không phải là một ví dụ nói về phát minh thời sơ khai nhưng cũng đáng lưu ý:
Một anh chàng ăn lông ở lỗ hẳn phải có ảo tưởng nào đó để bắt đầu cái tiến trình này [làm quen với việc dùng ngô]! Bạn có thể hình dung ra hình ảnh chàng thợ săn thời xa xưa khi anh ta ngồi ở miệng hang trú ẩn của mình sau buổi đi săn không thành công? Bụng đói đã kích thích đầu óc anh ta và anh ta bắt đầu lập luận, đây chính là quá trình phân biệt giữa anh ta với con vật anh ta đi săn. Trước mặt anh ta là một con chim đang mổ hạt. Những hạt giống kia không chỉ có liên quan sâu xa đến người thợ săn mà còn với con chim! Làm sao để có thể có nhiều hạt bắp hơn? Có thể bằng cách lựa ra những hạt lớn nhất và ngon nhất, rồi gieo trồng các hạt đó năm sau anh ta có thể đã có được một loại cây lớn hơn cho hạt lớn hơn. Quá trình, như vậy, đã bất đầu.
Đại đa số các xã hội loài người có thể khẳng định một cách tương đối sự tin cậy vào chỉ một số ít các phát minh. Nhiều sự kiện chứng minh rằng việc bồi đắp dần dần diễn ra qua sự vay mượn, và điều này dẫn dắt chúng ta đến việc xem xét về sự truyền bá.