Gia đình do hôn nhân phối hợp
Trong những cuộc hôn nhân đa hôn, chúng ta đã phân biệt tục đa thê và tục đa phu. Đa hôn (polygamy) là kết hôn với nhiều người. Đa thê (polygyny) tức một người đàn ông có nhiều vợ. Còn đa phu (polyandry) là một phụ nữ có nhiều chồng. Vì vậy, đa thê là một loại hình gia đình trong đó người chồng cùng lúc có nhiều hơn một người vợ. Song hôn (bigamy) là một hình thức xã hội đặc biệt của đa hôn trong đó người chồng tự giới hạn mình chỉ có hai bà vợ, hoặc một bà vợ chỉ lấy cùng lúc hai ông chồng. Trong những xã hội mà ở đó cùng lúc có nhiều hơn một ông chồng hoặc nhiều hơn một bà vợ trong một gia đình thì gia-đình-do-hôn-nhân không còn mang tính độc lập nữa, mà là những mảnh rời của một gia-đình-do-hôn-nhân phối hợp, trong đó chứa đựng hai hay nhiều hơn những mảnh gia-đình-do-hôn-nhân.
Tục đa thê
Có một số động cơ xã hội cơ bản làm cho chế độ đa thê trở thành một định chế. Nếu một người đàn ông có đủ phương tiện hỗ trợ cuộc sống cho vài bà vợ thì ông ta có thể cho người ta thấy gia đình mình giàu có sung túc ra sao. Càng có nhiều phụ nữ thì chuyện may vá nấu nướng càng tốt hơn. Nếu những người phụ nữ này sản xuất nhiều mặt hàng thủ công để bán ra chợ thì của cải trong gia đình sẽ tăng lên. Khi những người da đỏ Blackfoot tìm được đầu ra béo bở cho loại hàng da thuộc trong ngành buôn bán da lông thú Canada, phụ nữ làm thợ thuộc da đã trở thành một thứ tài sản kinh tế đáng kể, và tình trạng đa thê phát triển đến mức chưa từng thấy so với trước đó ở vùng Đại Bình Nguyên. Của sính lễ tăng cao, và tuổi thành hôn cho các cô gái hạ xuống, trong khi tuổi lấy vợ của thanh niên thì tăng lên; những doanh nhân Blackfoot giàu có thu hút hết các phụ nữ về phần mình, khiến các thanh niên phải mất thêm nhiều thời gian mới tích lũy được đủ của cải để tậu được cho mình một cô vợ.
Chế độ đa thê cũng có tác dụng như một cơ chế cho sự cạnh tranh trong lãnh vực tình dục, khi có và giữ cho riêng mình vài bà vợ, đối đầu với tất cả những người chưa có vợ, là một nhiệm vụ nguy hiểm, như trong xã hội người Eskimo chẳng hạn.
Chúng ta có thể lấy làm lạ là có nhiều báo cáo lặp đi lặp lại rằng trong nhiều bộ lạc, những người phụ nữ không hề phản đối những đức lang quân của mình cưới thêm vợ. Thực tế này là chính xác, bởi vì những người vợ cưới thêm này thường chỉ giữ vai trò như là những đồng nghiệp lao động hoặc những người “vợ sai vặt” (chore wives), chẳng hạn như trong các cộng đồng người Comanche ở vùng Bình Nguyên. Người ta có thể muốn có một người vợ thứ để thực hiện một chức năng nhất định, hoặc như trường hợp những người Baganda châu Phi, người ta chọn một người vợ thứ trong thị tộc của bà nội người chồng. Người vợ thứ này có nhiệm vụ chăm sóc tóc tai và cắt móng tay móng chân cho đức ông chồng.
Ngược lại, có nhiều trường hợp được ghi nhận về những người phụ nữ sơ khai rất ghen tuông khi chồng mang về nhà một cô vợ mới. Một phụ nữ Cheyenne đã treo cổ tự tử khi người chồng bắt được một phụ nữ Pawnee mang về làm vợ. Nhưng bà ngoại của người phụ nữ này thì lại nói: "Con đó quả là điên mới đi thắt cổ chết vì cái chuyện nhỏ mọn đó”.
Hầu hết người sơ khai khẳng định rằng tình trạng đa thê là tốt nhất nếu các cô vợ là chị em ruột. Điều này về mặt tâm lý là có thể hiểu được, vì rằng các chị em thì quen với cách ứng xử của nhau hơn những người phụ nữ không quen biết; ngay từ nhỏ dưới cùng một mái gia đình họ đã có được sự gần bó tình cảm với nhau. Là đại diện của cùng một cuộc hôn nhân, những quyền lợi không có tính riêng tư của họ là giống nhau, là những điều mà những người phụ nữ không có quan hệ họ hàng thì không thể có được. Tục đa thê mà các bà vợ là chị em ruột được xem là hợp lệ trong đặc quyền nối dây về phía vợ. Một ông chồng không cần phải chờ vợ qua đời mới cưới được cô em gái của vợ. Trái lại, như với người Comanche, anh ta biết rằng nếu anh ta thực hiện tất các nghĩa vụ của người con rể thì sẽ được cha mẹ vợ thưởng cho cô em vợ khi nàng đủ tuổi thành hôn.
Ở những xã hội mà chế độ hôn nhân trao đổi thịnh hành thì tục nối dây với anh hay em trai của chồng cũng làm nảy sinh tình trạng đa thê với các chị em ruột, ví dụ, khi các anh em ruột kết hôn với các chị em ruột và một người chồng trong số này sẽ thừa kế vợ của người anh hay em trai mất đi.
Những cách sắp xếp trong gia đình được thực hiện như một sự điều chỉnh các nhu cầu của một gia đình nhiều vợ. Tập quán của người Angola có lẽ là tiêu biểu điển hình của những bộ lạc người Sudan châu Phi. Hambly kể chuyện một người chủ gia đình với mười một bà vợ, mỗi bà có một cái chòi riêng trong khu trang trại của ông ta. Người chồng có thói quen ngủ với mỗi bà vợ trong bốn hay năm hôm liên tục. Trong những bộ lạc người Jie, như ta đã biết (trang 333 - 335), mỗi bà vợ trong một đơn vị đa thê của một gia đình hỗn hợp đều có sân riêng vây bọc bằng hàng rào phân cách, và có chòi để ngủ. Nếu một người Comanche có dưới bốn bà vợ thì thường là họ ở chung trong một lều. Nếu có bốn vợ trở lên thì cần phải có ít nhất là hai lều cho cả gia đình.
Trong những gia đình hỗn hợp thường có một thứ tôn ti đẳng bậc rất rõ ràng giữa các bà vợ. Người vợ cưới đầu tiên được ở vị thế quyền hạn thứ nhất, cho dù về sau nàng có thể bị một người vợ khác thế chỗ do ý thích tình dục của chồng thì cứ vẫn giữ nguyên địa vị ưu tiên chính thức trong gia đình. Một lần nữa, người Comanche có sự phân biệt một cách dứt khoát, những người vợ thứ là những người "vợ sai vặt" phải làm mọi công việc nhà theo sự chỉ đạo của người vợ cả. Chẳng lấy làm lạ khi những bà vợ đầu tắt mặt tối của các vị tù tưởng thường muốn chồng cưới thêm người vợ giúp việc nhà khác. Việc này làm đỡ bớt gánh nặng công việc cho chính các bà.
Tục đa phu
Thông thường, chuyện vài ba người đàn ông lấy chung một người vợ thực ra thì cũng hiếm như chuyện năm bảy người đàn bà lấy chung một chồng. Người Tây Tạng và người Toda ở Ấn Độ là những người có tục đa phu rất nổi tiếng. Một liên hiệp nhiều chồng là bình thường, nhưng không nhất thiết là chung các anh em. Cũng có vài trường hợp đa thê, và thỉnh thoảng cũng có một ít gia đình một chồng một vợ. Trẻ con đã được hứa hôn ngay từ khi còn rất nhỏ, và cậu con trai phải mang lễ vật sang nhà gái hai lần mỗi năm trong suốt thời niên thiếu. Cậu phải dâng một con trâu để góp thêm chi phí trong tang lễ của các thành viên nhà gái. Ngay trước tuổi dậy thì, cô gái được một người đàn ông từ một thị tộc khác đến giúp phá trinh cho. Thế là cô đã sẵn sàng để lấy chồng. Ngay sau khi đến tuổi dậy thì, cô nhận được món của hồi môn và mang theo về nhà chồng. Mặc dù cô nàng được hứa hôn với chỉ một người nhưng được hiểu là nàng sẽ là vợ của tất cả anh em của chồng, ngay cả một đứa bé chưa sinh ra cũng có thể trở thành chồng nàng, như các ông anh, một khi cậu đủ tuổi. Tất cả các anh em sống chung với nhau và chia sẻ chung một người vợ mà không hề có xô xát, và theo chỗ chúng tôi được biết, không hề có sự ghen tuông. Khi người vợ có thai, một trong mấy anh em sẽ tiến hành một nghi lễ “dâng cung” (chú ý: cung, cây cung, không phải “dâng cúng” - ND). Nghi thức này biến người anh lớn thành người cha pháp lý của đứa bé sắp ra đời và của hai đứa con sẽ sinh kế tiếp. Không cần bận tâm anh ta có phải là người cha sinh học của đứa bé hay không. Sau khi anh ta đã có phần con cái cho mình đỡ đầu, đến lượt người em trai kế sẽ làm lễ “dâng cung” để được làm cha lũ con tiếp theo, và cứ vậy mà tiếp tục. Việc không quan tâm yếu tố làm cha về mặt sinh học để thiết lập tư cách làm cha về mặt xã hội theo nghi lễ như thế này làm chúng ta nhớ đến đặc quyền nạp sính lễ để nhận con của người Sakalava đã đề cập trước đây (trang 431). Thỉnh thoảng, một phụ nữ Toda bỏ người chồng hợp pháp để đến sống với một người đàn ông khác mà không được sự chấp thuận chính thức của chồng, hoặc cô ta tự kiếm lấy một người “chồng nhỏ” và người chồng nhỏ này phải trả "tác quyền" cho người chồng hợp pháp. Có nghĩa là, trong bất kỳ trường hợp nào thì con cái do cô ta sinh ra cũng thuộc về người chồng đã thực hiện nghi thức "dâng cung tên"
Chế độ đa phu ở quận Darjeeling ở Ấn Độ giới hạn trong phạm vi những người em trai của người đã làm lễ cưới người vợ. Nếu người anh qua đời mà người vợ chồng không có con cái, em vợ có thể phá bỏ sự ràng buộc đa phu bằng cách trước hết buộc một sợi dây vào ngón tay út của thi thể người chồng số 1 đã chết, rồi quấn đầu kia sợi dây vào những ngón tay mình. Sau đó, cô nàng cắt đứt sợi dây ấy, tượng trưng cho việc phá bỏ sự ràng buộc hôn nhân.
Tục đa phu của người Tây Tạng và người Eskimo đã góp phấn vào việc tạo ra tập quán giết trẻ sơ sinh gái. Trong khi thực tế đúng là hai dân tộc trên giết trẻ sơ sinh gái, thì những con số thống kê của người Anh lại không cho thấy số thặng dư của nam giới ở Tây Tạng, và những cuộc điều tra dân số đáng tin cậy về xã hội Eskimo sơ khai lại cho thấy số nữ giới vượt cao hơn số nam giới trong hầu hết các cộng đồng người Eskimo, bất chấp tục lệ giết bỏ trẻ gái sơ sinh này.
Mặc dù hiếm, tục đa phu vẫn đang phổ biến (ít nhất là dưới một hình thức được cải biến) hơn chúng ta nghĩ, so với vài thập niên trước đây. Các báo cáo về một hình thức đa phu trong ít nhất hai bộ lạc tại Đông Phi, khiến chúng ta nghĩ rằng có thể còn có những bộ lạc khác có tục đa phu mà chúng ta chưa được biết. Với những người Banyanko]ạ và người Bahima, nơi mà sính lễ cưới xin rất cao, một người đàn ông nghèo có thể kêu gọi các em trai đóng góp gia súc giúp anh ta cưới vợ. Tất cả những người em có góp phấn gia súc đều lần lượt được sống với cô dâu cho đến khi cô vợ mang thai; bấy giờ cô sẽ sống với người "chồng" đã cưới cô. Bất kể ai là cha thật của đứa bé, nó vẫn là con cái theo pháp lý của người anh đã cưới cô gái.
Của cải và chế độ đa phu. Edmund Leach đã đề xuất rằng tục đa phu trong phạm vi anh em-huynh đệ là "liên quan mật thiết với tục thừa kế đất đai chỉ dành cho con trai, kết hợp với tục làm dâu và của hồi môn. Trong những trường hợp ở Nam Á, một phụ nữ lấy chồng có thể giao của hồi môn cho nhà chồng nhưng bù lại được nhận từ chồng những thứ của cải có thể di chuyển được. Các anh em trai của chồng có góp phần vào thanh toán món sính lễ cũng có quyền dự phần sinh hoạt tình dục như người chồng
Sự mở rộng của quan hệ anh em. Giả thuyết của Leach là phù hợp với các dữ liệu của khu vực Nam Á, nhưng lại không khớp với các dữ kiện ở Bắc Mỹ. Trong khi những yếu tố kinh tế có thể là vấn đề chủ yếu của tục đa phu trong một số xã hội, thì ở những nơi khác lại xuất hiện những động lực khác. Cả người Shoshone và người Eskimo đều có tục đa phu, nhưng cả hai xã hội đều không tỏ ra quan tâm đến lãnh vực của cải cho lắm. Đây là những xã hội song phương (bilateral societies), trong đó cánh đàn ông phụ thuộc vào anh em (và anh em họ) để được yên ổn và sống còn. Cách xưng hô trong quan hệ họ hàng của người Shoshone và người Comanche không có từ riêng chỉ “anh em rể” hay “chị em dâu”. Tất cả chị em và chị em họ của người vợ đều được gọi chung là chị/em (kw3h3). Một người phụ nữ gọi tất cả những người anh em và anh em họ của chồng bằng một từ kumaxp - có nghĩa là “chồng”. Bản chất của tục đa phu là xem trọng mối tương quan qua lại trong quan hệ ràng buộc tình anh em.
“Người ta yêu anh em mình. Người ta biết rằng nếu anh hay em chết thì không ai có thể thay thế cho người đó được cả. Người ta cho anh em mình mọi thứ có thể cho được”. Người ta giải thích như thế. Và sự việc là như thế. “Cho nên, thỉnh thoảng người ta trao vợ mình cho anh hay em như một món quà. Người vợ không thể tự ý tìm đến người anh em đó hay gặp gỡ lén lút, vì chồng nàng sẽ rất giận dữ”. Người ta cũng muốn rằng khi một người lên đường đi chinh chiến, thì người anh hay em trai nên đến ngủ với vợ anh ta.
Việc ghi nhận tính bình đẳng về tình dục này giữa các anh em trai nổi bật lên trong phong tục tập quán lạ lùng của người Shoshone và người Comanche, nơi mà người chồng bị thiệt thòi lại phải lịch sự gọi con người thông dâm với vợ mình và biến mình thành anh đàn ông bị cắm sừng - là anh em. Những người đàn ông cùng sinh hoạt tình dục với một người đàn bà thì đều là “anh em với nhau, cho dù họ không có họ hàng gì với nhau cả, và ngay cả khi người chồng kiện kẻ thông dâm ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, thì anh chàng mèo mả gà đồng này cũng cứ là người anh em”!
Thanh niên Comanche thường kết quan hệ anh em với một người "bạn nối khố” được chọn lựa gọi là haints. Họ thường cưới hai chị em và họ tự do cho nhau mượn vợ. Người Shoshone và người Comanche phải nhờ cậy vào những người "anh em” - anh em thật, hay được gọi là anh em - trong chiến tranh và trong luật pháp, trong tình yêu và trong việc chơi bời. Tục đa phu giữa các “huynh đệ” của họ biểu thị ý nghĩa vừa có tính cấu trúc vừa có tính chức năng của “tình huynh đệ” như một nguyên tắc cơ bản trong đời sống xã hội của họ.
Những thái độ không chỉ là kỳ quặc của người Comanche như thế hoàn toàn được xác nhận bởi những phát hiện của Murdock cho thấy rằng, gần hai phần ba các xã hội trong công trình Nghiên Cứu So Sánh Các Xã Hội của Trường Đại học Yale mà tư liệu vẫn còn lưu trữ, cho phép những cuộc giao hợp sau hôn nhân giữa một người với vợ của anh hay em của anh ta (cư trú bên nhà chồng), hoặc giữa một người và em gái của vợ anh ta (cư trú bên nhà vợ).
Tục đa phu của người Eskimo thì cũng cùng loại như của người Shoshone, chỉ ngoại trừ điều sau - cái người được gọi là “anh em” mà một người Eskimo thường trao vợ mình cho anh ta thì không sống chung một làng. Một người Eskimo nay đây mai đó cần có một người phụ nữ giúp hong khô da lông thú, và nhai (chew) da để giữ cho da được mềm mại, cùng nhiều thứ tiện nghi cần thiết khác trong cuộc sống ở vùng Bắc cực. Hầu hết đàn ông Eskimo đều có ít nhất một “người tình" tại mỗi làng anh ta đến, để làm vợ anh ta trên cơ sở yêu-thương-có-qua-có-lại.
Tục nhường vợ. Tập tục thời sơ khai rất phổ biến và có liên quan gần gũi với định chế đa phu - những người đàn ông nhường vợ mình cho một vài người đàn ông nào đó trong những cơ hội đặc biệt. Thông thường hơn hết, người chủ nhà cho rằng cách hay nhất để bày tỏ lòng hiếu khách là nhường vợ mình cho khách ngủ qua đêm. Một nhà buôn người da trắng trên vùng thượng nguồn sông Missouri thời trước, tên Jean Baptiste Trudeau, đã ghi lại: “Chuyện này là rất thật, những người chồng, người cha, hoặc người anh em luôn nài nỉ những người đàn ông da trắng đến thăm họ cứ tự nhiên ăn nằm với vợ, con gái, hoặc chị em gái của họ, đặc biệt là với những người khách trẻ trung và đẹp trai…”
Sở dĩ có tập tục nhường vợ là vì khi người khách chịu nhận lấy người phụ nữ trong suốt thời gian anh ta ở lại đó, anh ta được coi như con rể hoặc người anh em của người hiến vợ. Phương cách này đã giúp thiết lập nên một mạng lưới thương mại trong thế kỷ mười tám và đầu thế kỷ mười chín trên suốt các vùng Bình Nguyên thượng. Những nhà buôn người Pháp, Anh, và Mỹ củng cố các mối lợi làm ăn với nhiều bộ lạc da đỏ bằng cách trở thành "thân quyến" của những người sơ khai ấy qua sự chia sẻ tình dục với vợ con của họ.
Quan niệm hiếu khách tương tự như thế cũng được vơ số các nhà thám hiểm, du khách, và những người quan sát bình thường cũng như các nhà nhân chủng học nhận thấy ở tất cả mọi nơi trong thế giới người sơ khai. Như một tập tục đã được định chế hóa, tục nhường vợ có chức năng tương tự như sự kết nghĩa anh em, hoặc một giao kèo liên minh được thực hiện giữa hai người đàn ông bằng một nghi thức mỗi người uống máu của người kia. Giao kèo là một cách giúp đỡ lẫn nhau và được hỗ trợ bằng một thỏa thuận mạnh mẽ “Việc trao đổi chính thức người vợ cũng tương tự như hình thức trao đổi một cách thân mật điều cốt yếu riêng tư và “huyền bí” của mình. Dù sao, cũng cần xác định rõ ràng, tục nhường vợ trong các xã hội chỉ nhằm đề cao các nghĩa vụ thân thuộc và các đặc quyền của tình anh em, không phải là một hành động phi đạo đức trong bối cảnh của các xã hội đó. Đó là một cách mở rộng và củng cố những ràng buộc mang tính xã hội
Giả thuyết của Leach và những điều nói trên không tương thích, hoặc tương phản nhau. Một bên giải thích những tình huống cụ thể. Tục đa phu với các anh em ở Nam Á, và tục đa phu ở Bắc Mỹ giống nhau ở chỗ một nhóm anh em chung nhau một người vợ hoặc nhiều người vợ, trong khi con cái do người phụ nữ ấy sinh ra là người thừa kế hợp pháp của một người đàn ông nhất định. Mặc dù những lý do về mặt xã hội (về cấu trúc hay về chức năng) của các tục này trong hai trường hợp trên là rất dị biệt, những điều kiện không giống nhau cùng đưa đến kết quả tương tự nhau. Điều này gọi là sự hội tụ: những đường thẳng riêng biệt trong sự phát triển dẫn tới cùng một điểm.