Tài liệu: Gia đình do hôn nhân

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mọi cá nhân được sinh ra hợp pháp và không bị mồ côi, và cuối cùng có vợ có chồng, là thành viên của gia-đình-do-hôn-nhân sơ cấp (primary conjugal-natal family),
Gia đình do hôn nhân

Nội dung

Gia đình do hôn nhân

Mọi cá nhân được sinh ra hợp pháp và không bị mồ côi, và cuối cùng có vợ có chồng, là thành viên của gia-đình-do-hôn-nhân sơ cấp (primary conjugal-natal family), và của gia-đình-do-hôn-nhân thứ cấp (secondary conjugal-natal family): gia đình sơ cấp là gia đình của người cha sinh ra mình, và gia đình thứ cấp là gia đình mà trong đó mình sống với người phối ngẫu (vợ hay chồng). Trong gia đình thứ nhất mình là một người con, trong gia đình thứ hai mình là một người cha hay mẹ. Nhìn từ bên ngoài, cả hai gia đình giống nhau về hình thức và chức năng. Tuy nhiên, vị thế của một cá nhân cụ thể trong hai gia đình là rất khác nhau, và vai trò của người đó trong mỗi gia đình cũng hoàn toàn không giống nhau.

Conjugal family of Ego: Gia đình hôn nhân của chính bản thân

Conjugal family of Ego’s parents: Gia đình hôn nhân của bản thân của cha mẹ.

Natal family of Ego: Gia đình sinh trưởng của bản thân.

Natal family of Ego’s offspring: Gia đình sinh trưởng của bản thân của con cái.

Gia-đình-do-hôn-nhân được giới hạn cả trong phạm vi thành viên và trong thời gian tồn tại. Nó có thể chỉ bao gồm một đôi vợ chồng và số con cái mà họ có thể sinh ra, và không thể tồn tại lâu hơn khoảng thời gian của hai thế hệ: thế hệ của cha mẹ đã lập nên gia đình, và thế hệ đàn con do họ sinh ra. Mỗi gia-đình-do-hôn-nhân dần dà tiêu vong, khi các thành viên trong gia đình chết dần đi, và gia đình đó không còn tồn tại nữa. Gia-đình-do-hôn-nhân là một đơn vị xã hội không liên tục. Mỗi gia đình loại này được sinh ra rồi chết đi trong khoảng thời gian một thế kỷ.

Đây là kết quả của sự cấm kỵ loạn luân phổ biến, bởi vì nếu cha mẹ có thể kết hôn với con cái, và anh chị em có thể lấy nhau thì gia-đình-do-hôn-nhân sẽ kéo dài vĩnh viễn qua sự thay thế nội bộ khi những thành viên nguyên thủy qua đời. Tuy nhiên, tính liên tục vĩnh cửu của gia-đình-do-hôn-nhân bị chấm dứt bởi tính ổn định tạm thời. Gia đình cá nhân phải tự hy sinh sự tồn tại của mình như một thực thể cho lợi ích duy trì sự ổn định của toàn xã hội, vì đây là điều quan trọng có tính nền tảng hơn.

Cho dù chúng ta có yêu thích gia-đình-do-hôn-nhân như một đơn vị xã hội đến bao nhiêu đi nữa, thì hình thức này cũng không phù hợp một cách lý tưởng với những mục đích về mặt chức năng của chính nó. Trước hết, gia-đình-do-hôn-nhân rất không ổn định. Thường xuyên xảy ra khả năng ly dị, và khi sự ly dị không được chấp nhận thì những xáo trộn nảy sinh từ sự bất hòa giữa cha và mẹ dễ dàng phá hủy sự đoàn kết yêu thương, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho một gia đình tồn tại. Nếu mục đích chính của hôn nhân là ràng buộc người cha sinh học của các đứa con với trách nhiệm về mặt kinh tế và xã hội là phải nuôi nấng chu cấp cho chúng, khả năng của người cha để thực hiện chức năng xã hội căn bản này sẽ bị suy yếu đi khi ông ta đã ly dị người mẹ. Đúng là trong các xã hội sơ khai, sự đổ vỡ của một gia-đình-do-hôn-nhân là không quá nghiêm trọng, vì người mẹ được đặt trong sự bảo vệ chắc chắn của đại gia đình, và vì sự tái hôn thường dễ dàng hơn đối với chúng ta ngay nay. Dù vậy, sự mỏng manh dễ đổ vỡ của một gia-đình-do-hôn-nhân rõ ràng là một khiếm khuyết (trong định chế hôn nhân của nhân loại - ND).

Cũng vậy, gia-đình-do-hôn-nhân là một sự kết hợp tạm thời. Nó bắt đầu với sự liên hiệp của hai người kết hôn với nhau, và kết thúc với sự tan tác phân tán của con cái. Và rồi, khi một người kết hôn lại, lập một gia đình mới, thì sự gắn bó của người đó với con cái cũng bị chia cắt. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng ta biết những sự căng thẳng có thể là kết quả từ chỗ lôi kéo sự gắn bó về phía những người chồng hay những người vợ, dường như để chống lại những người cha hay những người mẹ của chúng ta. Tính không ổn định và đời sống ngắn ngủi của gia-đình-do-hôn-nhân cũng giới hạn sự hữu ích của nó như một phương tiện thừa kế tài sản hay các đặc quyền đặc lợi.

Chế độ một vợ một chồng và cấu trúc gia đình

Gia-đình-do-hôn-nhân độ lập chỉ có thể thành hiện thực nếu cuộc hôn nhân là một chồng một vợ, nhưng chế độ một chồng một vợ là một hình thức hôn nhân chỉ được một số ít xã hội loài người chấp nhận (1 trong mỗi 4 xã hội - 25%).[1]

Thông thường là người ta cho phép chế độ đa thê, nhất là trong tình trạng nam giới ở vị thế nắm giữ quyền lực và lãnh đạo xã hội. Do vậy, điều quan trọng là cần phân biệt xem trong một nền văn hóa, điều được cho phép và điều xảy ra phổ biến trong thực tế có thể là những điều khác hẳn nhau. Bởi vậy, người ta thường xem các xã hội mà nền văn hóa ở đó cho phép đàn ông được cưới nhiều vợ là xã hội có chế độ đa thê: tuy nhiên, không phải chỉ có vài người trong bất kỳ xã hội nào đó lấy nhiều vợ mà cho rằng đó là một xã hội đa thê, bởi vì luôn luôn hiện hữu một số yếu tố hạn chế sự đa hôn.

Trước hết, có một sự cân bằng tương đối về tỷ lệ giới tính. Số người nam và người nữ được sinh ra gần tương đương nhau. Trừ phi có một vài yếu tố chọn lọc nào đó thiên vị giới tính bên này chống lại giới tính bên kia, hầu như con số người nam và người nữ trưởng thành có thể kết hôn là luôn luôn ngang với nhau. Trong trường hợp này, bất kỳ khi nào có một người đàn ông có hai vợ, thì một người đàn ông khác trong cùng bộ lạc có khả năng sẽ không có vợ nào. Rất có thể là những người không lấy được vợ cùng tụ tập lại với nhau để cùng chia sẻ chung một người vợ, nhưng kiểu hình đa phu như thế này là rất hiếm hoi.

Nếu tập quán ở rể được áp dụng, người đàn ông phải ở trong gia đình bên vợ, thì hiển nhiên là anh ta không thể cùng lúc sống với tất cả các bà vợ của mình, trừ phi các người vợ đó vốn là các chị em ruột. Tập quán ở rể, như vậy, không đồng hành hay khuyến khích hình thức nhiều vợ của chế độ đa thê. Ngoài ra, thái độ của những người bên nhà vợ cũng sẽ không khuyến khích anh ta cưới thêm các phụ nữ từ những dòng họ khác, nhất là nếu đó là một xã hội theo chế độ mẫu hệ và vị thế của người vợ trong dòng họ là ở thế mạnh. Hôn nhân là một liên minh giữa các dòng họ, và một chàng rể mà có lắm liên minh kiểu quai chèo, phải luân phiên ở rể nhiều chỗ, tất nhiên là không được ưa thích bằng người chỉ gắn bó với chỉ một gia đình.[2]

Chúng ta không có được nhiều số liệu thống kê chính xác, nhưng tất cả các báo cáo cho thấy tình trạng đàn ông nhiều vợ chỉ phổ biến trong hầu hết các xã hội cho phép chế độ đa thê. Trái với quan niệm của các nhà nhân chủng học thế kỷ mười chín, chế độ một chồng một vợ dứt khoát không phải là sản phẩm tất yếu của hàng loạt cuộc cách mạng, nhằm loại bỏ tình trạng lang chạ hỗn tạp thời sơ khai thành chế độ đa thê văn minh. Những cư dân sống trong tình trạng man dại trên đảo Andaman và người Semang trong những khu rừng Malaysia tự giới hạn trong nếp sống một chồng một vợ, những người Semang tái hôn liên tục vẫn trong tình trạng một chồng một vợ, theo kiểu các diễn viên điện ảnh Holywood. Người Inca trong giai cấp bình dân bị cấm lấy nhiều hơn một người vợ, nhưng một đấng phu quân có thể nhận thêm một người thiếp do một vị cai trị bề trên ban tặng cho công lao phục vụ trung thành của anh ta. Những trường hợp một chồng một vợ của người Iroquois ở New York, người Hopi, với người Zuni theo chế độ mẫu hệ và tập quán ở rể cho thấy rằng trong những trường hợp này, chế độ một chồng một vợ có tương quan với tục cư trú nhà vợ, và với lãnh vực kinh tế. Chế độ một chồng một vợ phổ biến trong tất cả các xã hội người Pueblo miền Tây Nam, nhưng trong xã hội người Pueblo miền Đông của New Mexico, nơi quyền lực ngự trị của nữ giới không còn mạnh, thì khó kết luận được chuyện một chồng một vợ này là do phong tục tập quán lâu đời của người Pueblo hay do chịu ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo. Trong xã hội người Hopi và Zuni, các cuộc hôn nhân một chồng một vợ rất dễ đổ vỡ. Tuy nhiên, trong xã hội người Pueblo Keresan, người ta triệt để tuân theo các huấn điều Công giáo chống lại việc ly dị. Trong những xã hội này thường xảy ra những quan hệ vụng trộm ngoài hôn nhân.

Chế độ một chồng một vợ không tương quan với bất cứ một giai đoạn hay trình độ văn hóa nào. Dù vậy, sự vắng mặt của chế độ này trong cộng đồng những người du mục hầu hết theo chế độ phụ hệ là một điều đáng lưu ý.

Nơi cư trú

Một-gia-đình-do-hôn-nhân hầu như luôn luôn có một “mái nhà” hay “mái gia đình”. Do những tình cảm đậm đà trong quan hệ gia đình, cho nên một “mái gia đình” chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một “ngôi nhà”. Một ngôi nhà lâu ngày không người ở thì vẫn là một ngôi nhà, nhưng ở đó từng có thời là một “mái gia đình”. Chúng ta thường say sưa hát ngợi ca về ''mái gia đình êm đềm hạnh phúc'', nhưng vì những lý do khá rõ ràng và không tưởng tượng nổi, chúng ta có thể đã từng phải trào dâng những nỗi niềm cảm xúc vì tiếng hát xúc động xuất phát từ tâm tư tình cảm về một ngôi nhà êm đềm hạnh phúc nào đó.

Các qui luật ngoại hôn đòi hỏi rằng người chồng và người vợ phải luôn luôn đến từ các gia-đình-do-hôn-nhân khác nhau, và từ các hộ gia đình riêng biệt. Với hôn nhân, yêu cầu đầu tiên phải được đáp ứng là: “Chúng ta sẽ sống ở đâu?”. Trong hầu hết các xã hội, vấn đề này thường đã được giải quyết trước nên không cần phải tranh cãi hay cho phép cá nhân có được nhiều chọn lựa theo ý muốn. Theo tập quán của bộ lạc, có thể là đôi tân hôn sẽ sống bên nhà chồng. Sống bên nhà chồng đồng nghĩa với "làm dâu'' (tiếng La-tinh: Viri = male-đàn ông, chồng, locus : place-nơi ở). Thuật ngữ ''Virilocal'' đồng nghĩa với “patrilocal”, một thuật ngữ của ngành dân tộc học có nghĩa là “ở với cha”.

Mặt khác, tập quán của bộ lạc có thể cho đôi vợ chồng mới về sống bên nhà vợ, trong trường hợp này người ta gọi là "ở rể'' (tiếng La-tinh: Uxori = wife -vợ, locus = place - nơi ở). Vì người chồng sống bên nhà vợ, nên cũng gọi là "gởi rể''. Tương tự, thuật ngữ "Uxorilocal" đồng nghĩa với “Matrilocal” có nghĩa là “ở với mẹ”.

Một số ít bộ lạc, vì chẳng có bao nhiêu tài sản cố định và tổ chức xã hội cũng lỏng lẻo cho nên họ để đôi vợ chồng mới tự quyết định hoặc ở nhà vợ hay về ở bên nhà chồng. Tập quán này được gọi là cư trú song phương, (Tiếng La-tinh bilocal - bi: hai, local: nơi ở)

Một số ít xã hội có khuynh hướng theo chế độ mẫu hệ lại muốn đôi tân hôn cư trú tại nhà của người cậu của chú rể. Trong trường hợp này, chúng ta có thuật ngữ avunculocal (ở nhà cậu, tiếng La- tinh: avunculus = cậu, locus = nơi ở).

Cuối cùng, một số hệ thống xã hội, chẳng hạn như của chúng ta, cho phép tân lang và tân giai nhân tìm lấy chỗ ở độc lập, không phải ưu tiên theo bên nào cả. Điều kiện này minh chứng khái niệm neolocal residence - nơi cư ngụ mới, tức ra riêng, không bị ràng buộc bởi một qui luật cư trú nào.

Do đó, có năm nguyên tắc căn bản về cư trú: (1) ở nhà chồng, (2) ở nhà vợ, (3) ở cả hai bên, (4) ở nhà cậu, và (5) ở nơi mới ngoài gia đình hai bên. Trong hầu hết các xã hội, chỉ một trong các qui luật đó được áp dụng phổ biến cho cuộc sống của một đôi vợ chồng mới, mặc dù một số xã hội có thể phối hợp hai hay nhiều hơn một qui luật. Tuy nhiên, trong những cộng đồng thổ dân da đỏ du cư của vùng Bình Nguyên, chiếc lều đầu tiên của một cặp vợ chồng được dựng lên ngay bên cạnh lều của cha mẹ cô dâu trong khoảng một năm. Sau đó, khi cuộc sống gia đình của họ ổn định, đôi vợ chồng trẻ có thể dời lều về phía gia đình cha mẹ chú rể. Trong những bộ lạc người Dobu, đôi vợ chồng mới sống trong cả hai làng phía bên nhà chồng và phía bên nhà vợ, luân phiên mỗi bên một năm. Và trong một số xã hội sơ khai phức tạp, chẳng hạn xã hội người Ashanti ở Ghana, nơi có qui luật chung là cư trú bên nhà chồng, nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp biến đổi qua lại giữa hình thức này với hình thức kia.[3]

Rõ ràng là tính chất của loại hình cư trú trong hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sự mở rộng của đơn vị gia đình. Nếu là cư trú bên vợ, thì người vợ hàng ngày giao tiếp với cha mẹ và các chị em gái của mình. Con cái của các chị em gái cùng lớn lên với nhau, còn con cái của các anh em trai thì không được như vậy. Các đức ông chồng là ''người dưng" trong nhà. Các chị em gái liên tục họp thành một khối. Cơ hội cho cánh phụ nữ lập nên một mặt trận vững chắc càng được củng cố, và vị trí của họ trong những vấn đề có mang tính xã hội càng mạnh thêm. Với tình trạng cư trú bên nhà chồng thì sự việc xảy ra theo chiều hướng ngược lại.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng của gia đình là loại hình hôn nhân căn cứ trên chế độ ngoại hôn trong phạm vi làng mạc hoặc chế độ nội giao. Nếu kết hôn trong phạm vi một nhóm địa phương hoặc một làng, các qui luật về hình thức cư trú cũng không còn nhiều tác dụng. Mặc dù là sống bên nhà chồng, nhưng thường là nhà của cha mẹ cô dâu chỉ cách đó vài mươi mét, sự gắn bó của cô với gia đình cha mẹ ruột không bị căng kéo nặng nề như khi nhà chồng cô ở một làng khác; đồng thời ảnh hưởng bên phía nhà chồng cũng không mạnh lắm.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2585-02-633540592695751250/Gia-dinh/Gia-dinh-do-hon-nhan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận