Gia đình đơn tuyến hỗn hợp
Việc lần theo dấu vết sự mở rộng của tục đa phu ra ngoài các giới hạn gần gũi của gia đình-do-hôn-nhân theo chế độ phụ hệ lại đưa chúng ta đến chỗ cần xem xét về “tình anh em”. Chúng ta hãy xem lại phương cách mà theo đó, quan niệm về gia đình có thể được mở rộng để kết hợp một nhóm những gia-đình-do-hôn-nhân có liên hệ mật thiết vào một nhóm người nắm giữ tài sản của cải chung. Những đơn vị như thế thưởng được gọi là hộ gia đình hỗn hợp hoặc hộ gia đình đơn tuyến hỗn hợp. Điểm khác biệt căn bản giữa hộ gia-đình-do-hôn-nhân hỗn hợp và hộ gia đình đơn tuyến hỗn hợp là ở chỗ gia đình do hôn nhân hỗn hợp chỉ gồm một người chồng cùng với vài người vợ (hay một người vợ cùng với vài người chồng, nếu là đa phu), trong khi một hộ gia đình đơn tuyến hỗn hợp gồm vài anh em trai (hay vài chị em gái) cùng sống chung trong một gia đình mà mỗi người có người phối ngẫu riêng cùng với con cái riêng.
Gia đình chung của người Tanala
Sự mô tả của Linton về một hộ gia đình chung theo chế độ phụ hệ của người Tanala ở Madagascar cho chúng ta thấy một ví dụ khá điển hình. Một hộ gia đình chung của người Tanala bắt đầu với một gia đình-do-hô n-nhân. Khi những đứa con trai trong gia đình lớn lên và có vợ, chúng làm nhà mới sát bên nhà cha mẹ chúng. Người cha, chủ của gia đình chung, chỉ đạo tất cả mọi hoạt động liên quan đến việc làm đất và gieo trồng trên loại nương rẫy trồng lúa, chăm sóc đàn gia súc của gia đình, và những việc đại loại như thế. Tất cả thu nhập của các thành viên nam trong hộ gia đình chung đều giao hết vào tay người cha, để từ đó đầu tư vào gia súc và chi tiêu vào việc sính lễ cũng như cho các đứa con trai có thể cần có chút đỉnh tiền. Chừng nào người cha còn sống, con cái ít có cơ hội tích lũy riêng cho mình được chút gì. Hộ gia đình chung là một tổ làm ăn tập thể và là một đơn vị hợp tác trong giao tiếp với những thành viên khác ngoài xã hội.
Chừng nào người cha, người đã xây dựng nên tổ hợp gia đình chung này, còn sống, thì tất cả các con trai của ông đều sống chung trong hộ gia đình, và việc người gia trưởng điều khiển hàng chục người, hoặc nhiều hơn, con cháu sức vóc trai trẻ không có gì là lạ. Khi người gia trưởng qua đời, thì quá trình phân chia bắt đầu. Mặc dù vẫn tiếp tục sống và làm việc chung với nhau dưới sự điều khiển của người con trai trưởng - anh cả, các em không giao nộp thu nhập của họ vào sự quản lý chung nữa, trừ khi tự họ muốn vậy. Khi đến lượt con trai trưởng của người anh cả trưởng thành thay chỗ của cha thì gia đình chung bắt đầu tan vỡ. Thế hệ lãnh đạo thứ ba trong gia đình nhỏ tuổi hơn các người chú, và những người chú trở nên “khó bảo” không chịu sự lãnh đạo của đứa cháu. Hơn nữa, lúc này hộ gia đình có thể là đã trở nên quá lớn, đất đai không còn đủ chỗ ở. Sẽ có một hoặc nhiều ông chủ tách riêng ra để mỗi người lập nên một hộ gia đình chung mới ở nơi khác. Ý nghĩa chức năng về mặt kinh tế của hộ gia đình chung được biểu thị qua sự phân tích của Linton về sự tan vỡ của hộ gia đình chung, lại dẫn đến kết quả là sự xuất hiện của nền văn hóa lúa nước của bộ lại người Betsilio láng giềng.
Gia đình chung ở Balkan và châu Á
Trong cộng đồng những dân tộc sống bằng nghề làm vườn và chăn nuôi, hộ gia đình chung trở thành một thực thể hợp tác và sở hữu đất đai, sống chung trong một ngôi nhà hay trong những ngôi nhà sát cạnh nhau tạo thành một gia đình. Các dân tộc Ấn - Âu cổ xưa ưa thích loại hình sinh sống mà những dân tộc vùng Balkan gọi là zadruga, như vài năm trước đây Louis Adamic đã có đến thăm.
… Chúng tôi là khách trong một gia đình gồm sáu mươi tám thành viên. Đây là một trong những gia đình zadruga, hay gia đình tập thể, ở Serbia. Chúng tôi được gặp chừng bốn chục người trong số thành viên của gia đình, có cả stareshina, hay vị chủ gia đình, một vị gia trưởng bảy mươi tuổi, người cai quản tuyệt đối của tập thể này. Một gia đình khổng lồ với một ngôi nhà hai mươi phòng trên một dải đất rộng, và về mặt kinh tế, tất cả đều sống tự cấp tự túc. Mọi thành viên từ sáu tuổi trở lên đều phải làm việc. Sáu phụ nữ và thiếu nữ dưới sự điều khiển của một người vợ của stareshina, chỉ lo công việc nấu nướng cho cả gia đình. Tám phụ nữ khác chỉ lo kéo sợi, dệt và may vá thêu thùa. Năm người nam, vừa người lớn vừa trẻ con lo chăn dê, cừu, trâu bò, và ngựa. Một người làm thợ đóng giầy cho cả nhà. Và. v.v… Trong nhà gồm có mười một gia đình sống chung. Tất cả những người chồng của các gia đình nhỏ đều là các em, các con, hoặc cháu nội của người gia trưởng. Vợ của họ được cưới từ các làng lân cận
Ở Ấn Độ và Pakistan, gia đình chung được tổ chức theo chế độ phụ hệ, ở Pakistan hình thức này được gọi là kumbah, và là một hình thức chủ chốt, ngay cả trong những khu định cư đô thị. Trong những đô thị lớn như thủ đô Karachi, một gia đình chung chiếm riêng một tòa nhà năm hay sáu tầng, cha mẹ ở tầng trệt, và các đứa con trai cùng gia đình mỗi người sống ở các tầng trên tùy theo thứ bậc anh em - người em út đương nhiên phải leo cầu thang mệt nghỉ. Nếu theo một khuynh hướng bảo thủ cứng ngắc, thì cho dù các người con đều có nghề nghiệp chuyên môn cao và vững chắc cũng đều giao hết lương bổng cho người cha hay mẹ quán lý cho toàn bộ gia đình.
Nếu được tổ chức theo chế độ mẫu hệ, hộ gia đình chung được tổ chức dưới quyền cai quản của người mẹ, như hộ gia đình chung của người Iroquois, hình thức nơi ăn chốn ở của họ đã được mô tả ở Chương 16.
Hộ gia đình mẫu hệ của đẳng cấp Nyar. Loại hộ gia đình chung theo mẫu hệ như hộ gia đình chung đẳng cấp Nyar nổi tiếng của người Kerala, vùng bờ biển Malabar miền Nam Ấn Độ, từ lâu đã là điều thú vị, lôi cuốn sự quan tâm của các nhà nhân chủng học.
Nyar được xem là giai cấp thống trị của xã hội bản xứ trước khi người Hindu tràn đến đây. Ngày nay họ họp thành đẳng cấp thứ ba trong một xã hội phân chia đẳng cấp phức tạp. Trên họ là hoàng gia, giàu có và quyền lực, có thể vốn xuất thân từ đẳng cấp. Nyar từ lâu về trước. Dưới hoàng gia (nhưng ở trên Nyar rất xa về uy thế) là đẳng cấp Nambudiri Brahmans, hay đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn mà các gia đình thiêng liêng của họ được tổ chức theo chế độ phụ hệ trên một căn bản nghiêm nhặt với quyền thừa kế thuộc về người con trai trưởng. Đẳng cấp Nyar là đẳng cấp khép kín của các địa chủ và giới quân nhân chuyên nghiệp, và trái với đẳng cấp Bà-la-môn, đẳng cấp này được tổ chức chặt chẽ theo chế độ mẫu hệ và ở rể. Hộ gia đình, gọi là taravad, là một tổ chức chung, sinh sống dưới cùng một mái nhà. Người phụ nữ lớn tuổi nhất giữ chức gia trưởng, nhưng nhà cửa, đất đai, và tài sản chung thì nằm dưới sự quản lý của người anh hay em trai lớn tuổi nhất của bà ta, thay mặt toàn nhóm. Tất cả thành viên nam, (anh em trai, con trai và các cháu trai của bà) đều hợp sức duy trì taravad, và được taravad nuôi nấng. Chỉ có con cháu của các phụ nữ của taravad mới được ở lại trong taravad. Những thành viên nam lấy vợ từ các taravad khác thì không có nghĩa vụ gì về mặt luật pháp đối với các bà "vợ'' hoặc con cái của họ.
Trong những hình thức cực đoan, việc hôn nhân của các thành viên trong taravad thường chỉ là sự tuân thủ về mặt nghi thức các tục lệ Hindu. Nếu một hôn lễ đã được tiến hành thì không bao lâu sau đó người ta có thể làm thủ tục pháp lý để ly dị, cho dù đôi cặp liên quan vẫn tiếp tục ăn ở với nhau như vợ chồng. Vì không giống hầu hết các hộ gia đình chung ở nơi khác, những người đàn ông đẳng cấp Nyar có thể không cùng sống trong hộ gia đình chung của vợ. Cặp vợ chồng chỉ thăm viếng nhau thôi, và lũ con cái kết quả của những lần thăm viếng này là người thuộc taravad của người mẹ.
Cả nam giới và nữ giới có thể đồng thời có nhiều vợ hay chồng, vì chuyện lấy nhau không dính dáng đến một nghĩa vụ chính thức nào cả. Những đứa con trai thứ trong đẳng cấp Bà-la-môn có thể có thể quan hệ tình dục với phụ nữ thuộc đẳng cấp Nyar, nhưng họ vẫn là người ngoài taravad, và con cái của họ thì vẫn cứ dứt khoát thuộc về taravad.
Dưới sự thay đổi của các điều kiện về kinh tế và xã hội, hình thức hộ gia đình chung tổ chức theo chế độ mẫu hệ đã dần dần tan rã, trong khi đó xu hướng chế độ phụ hệ lại tăng lên mạnh mẽ.