Tài liệu: Nhóm theo chế độ mẫu hệ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một số xã hội nhấn mạnh mối quan hệ anh/em trai - em gái như một biện pháp khắc phục tính không ổn định của gia-đình-do-hôn-nhân
Nhóm theo chế độ mẫu hệ

Nội dung

Nhóm theo chế độ mẫu hệ

Một số xã hội nhấn mạnh mối quan hệ anh/em trai - em gái như một biện pháp khắc phục tính không ổn định của gia-đình-do-hôn-nhân. Kết quả là một đơn vị xã hội có thể được gọi là nhóm theo chế độ mẫu hệ, gồm một phụ nữ, anh hay em trai và các con của người phụ nữ này[1].

Như thế, với người Dobu thuộc chủng Melanesia, gia đình do hôn nhân là một hộ gia đình, nghĩa là, các thành viên trong hộ gia đình ấy sống với nhau: Sau khi lấy vợ, người đàn ông không trở về nhà của chị/em gái nữa, kết quá là susu, hay nhóm theo dòng mẹ không có căn bản của một hộ gia đình. Tuy nhiên, con cái không thể ăn những gì trồng trọt trên ruộng đất của người cha, tất cả các ngư cụ, kể cả canô, được dùng chung, và chỉ những thành viên của nhóm theo dòng mẹ mới được quyền thừa kế. Kết quả, susu thì có một căn bản kinh tế, còn gia-đình-do-hôn-nhân thì không được như vậy. Sự an toàn về tình cảm chỉ có thể tìm thấy trong susu, và không có trong gia-đình-do-hôn-nhân. Người Dobu tin rằng tất cả những người Dobu khác ngoài những thành viên trong susu của họ đều là những kẻ thù bí ẩn. Người chồng và người vợ, do cả hai đến từ những susu khác nhau, là thù địch của nhau trong hôn nhân, và trong suốt thời gian sống của họ sau đó. Mỗi người đều tin rằng kẻ khác đang tìm cách hủy diệt mình bằng phép thuật tà đạo Susu thừa kế các thi hài và đầu lâu của các thành viên của mình. Susu ban cho từng cá nhân tên tuổi và vị thế xã hội bằng các từ ngữ danh xưng chỉ mối quan hệ họ hàng. Các quả phụ, những người góa vợ và con các của kẻ đã qua đời không bao giờ được phép đặt chân vào làng của người phối ngẫu đã chết, hoặc của người cha hay mẹ đã quá cố của mình, nhưng các thân nhân của susu có người chết thì được phép đi vào làng của người phối ngẫu hay của con cái còn sống.

Sự phân biệt và mối quan hệ bà con qua lại của gia đình do hôn nhân và nhóm theo chế độ mẫu hệ cũng được bộc lộ rất ấn tượng trong cộng đồng người Zuni ở New Mexico, như Benedict viết dưới đây:

Đối với các phụ nữ trong hộ gia đình, bà ngoại và các chị em gái của bà, các con gái và cháu gái đều thuộc trong hộ gia đình, và lúa bắp cất giữ trong đó là của họ. Bất kể các cuộc hôn nhân như thế nào, những người phụ nữ trong hộ gia đình đều vẫn ở lại nhà mình suốt đời. Họ tạo nên một mặt trận vững vàng. Họ chăm sóc và nuôi nấng những vật thiêng liêng thuộc về họ. Họ cùng nhau giữ kín những điều bí mật. Chồng họ chỉ là những người dưng, và chỉ có các anh hay em trai của họ, nay lấy vợ về sống trong các ngôi nhà ở những thị tộc khác, mới là những người luôn gắn bó với mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong hộ gia đình của họ. Chính những người anh hay em trai đó sẽ lui về  hộ gia đình này mỗi khi có các cuộc lễ hiến tế các con vật thiêng trong nhà. Cũng chính là họ, chớ không phải cánh phụ nữ, biết rành nghi thức cúng tế thiêng liêng và lưu truyền nó mãi mãi. Người đàn ông phải luôn luôn trở về nhà mẹ khi trong gia đình có những sự việc quan trọng; khi người mẹ qua đời, ngôi nhà sẽ thuộc quyền cai quản của chị hoặc em gái, và nếu cuộc hôn nhân của anh ta đổ vỡ, anh ta sẽ trở về lại ngôi nhà này.

Trong nhóm quan hệ huyết thống này, bắt nguồn từ quyền sở hữu ngôi nhà, hợp nhất trong việc chăm sóc các vật thiêng liêng, là một nhóm quan trọng của người Zuni. Nhóm có chung những mối quan tâm thường trực và quan trọng. Nhưng hình thức này không phải là một nhóm có chức năng kinh tế. Mỗi người con trai hay mỗi người anh em trai đã có vợ đều phải làm lụng cho lúa bắp đầy bồ nhà vợ. Chỉ khi nào nhà mẹ hay nhà chị em gái thiếu lao động nam thì anh ta sẽ chăm nom các ruộng bắp cho họ hàng nhà mình. Nhóm kinh tế là một hộ gia đình trong đó ông bà ngoại, và vợ chồng các con gái của ông bà ngoại cùng sống với nhau. Những người chồng này được coi như là một nhóm có chức năng kinh tế, dù về mặt nghi thức họ chỉ l[2]à những người dưng.

Nhóm theo chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại, bởi vì nó tạo ra một số thuận lợi nhất định mà loại hình gia-đình-do-hôn-nhân không đáp ứng được. Thế nhưng hình thức gia-đình-do-hôn-nhân được ưa thích hơn nhóm theo chế độ mẫu hệ. Hình thức gia-đình-do-hôn-nhân phổ biến khắp nơi, còn nhóm theo chế độ mẫu hệ thì không được vậy.

Trong nhóm theo chế độ mẫu hệ có điều gì khiếm khuyết hoặc có thể bác bỏ hay không? Câu trả lời có thể tìm thấy trong sự cấm kỵ loạn luân. Căn bản của nhóm theo dòng mẹ là sự ràng buộc anh em giữa các anh em trai và các chị em gái. Thế nhưng, tất cả các xã hội đều thấy cần cấm kỵ các quan hệ tình dục giữa anh em trai và chị em gái, và luôn luôn thể hiện mối lo âu về hậu quả của các quan hệ loạn luân. Nhóm theo chế độ mẫu hệ khuyến khích những ràng buộc về tình cảm và chức năng giữa những người mà không bao giờ được phép quan hệ với nhau về mặt tình dục. Đó là một điều hết sức nguy hiểm cho nên nhiều xã hội quyết không để xảy ra khả năng tồn tại một cơ hội như thế. Ví dụ, với người Dobu, anh hay em trai không được bước vào nhà của chị hay em gái. Một điểm bất lợi nữa của nhóm theo chế độ mẫu hệ là sự chia cắt tính gắn bó giữa nhóm này và gia-đình-do-hôn-nhân có thể dẫn đến những xung đột về cá nhân và văn hóa không dễ giải quyết. Meyer Fortes[3] nhận thấy: "Người Ashanti bàn cãi về chuyện này mãi không dứt, đặc biệt nhấn mạnh những sự gắn bó đầy mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Với một phụ nữ, mâu thuẫn này làm nảy sinh ra những khó khăn cần phải giải quyết, chẳng hạn như, giữa việc phải gắn bó với người mẹ và nghĩa vụ của cô ta đối với chồng".

Trong một hệ thống xã hội mà trong đó nhóm theo chế độ mẫu hệ là đơn vị chức năng quan trọng, thì người phụ nữ có ít chị em gái và có nhiều anh em trai dễ trở thành người giàu có hơn so với một phụ nữ chỉ có một anh hay em trai nhưng có vài chị em gái, vì như Malinowski đã viết về những người trên đảo Trobriand: “... một cô gái càng có nhiều anh em trai thì càng sung sướng, càng có nhiều chị em gái thì của cải càng ít đi”[4]

Mỗi cá nhân được sinh ra trong một gia đình do hôn nhân và, bằng hôn nhân, tạo nên một gia đình hôn nhân thứ cấp. Chất lượng của gia đình do hôn nhân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các qui luật về sinh cư của cô dâu và chú rể, có thể là làm dâu ở nhà chồng, làm rể ở nhà vợ, ở nhà cậu, ở cả hai bên nhà chồng và nhà vợ, hoặc ra riêng.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2585-02-633540595805751250/Gia-dinh/Nhom-theo-che-do-mau-he.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận