Tài liệu: Các chức năng thứ cấp của nhóm họ hàng đơn tuyến

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cùng với những chức năng rộng rãi và phổ biến nói trên, các thị tộc có thêm các trách nhiệm trong việc duy trì nền văn hóa của mình
Các chức năng thứ cấp của nhóm họ hàng đơn tuyến

Nội dung

Các chức năng thứ cấp của nhóm họ hàng đơn tuyến

Cùng với những chức năng rộng rãi và phổ biến nói trên, các thị tộc có thêm các trách nhiệm trong việc duy trì nền văn hóa của mình. Cả bản chất của trách nhiệm và phương cách thực hiện chúng là khác nhau tùy theo mỗi nền văn hóa. Tuy vậy, nhìn chung, những chức năng thứ cấp này bao quát một phạm vi rộng hơn gồm các mục đích về luật pháp, nhà nước, kinh tế, tôn giáo, và các mục đích tượng trưng khác.

Các chức năng về luật pháp

Dòng họ hay thị tộc thường đại diện cho các cá nhân thành viên trong những vụ kiện tụng, và chịu trách nhiệm về những hành vi trái pháp luật của cá nhân đó. Chức năng này được thảo luận chi tiết trong Chương 30.

Các chức năng về nhà nước

Một chức năng mà thị tộc có thể thực hiện hay không thực hiện là chức năng về nhà nước hay luật pháp. Hai mươi thủ lãnh các thị tộc Aztec, được gọi là những người phát ngôn, họp thành một hội đồng bộ lạc. Hội đồng này kiểm soát những quyết định về chính trị thông thường, gây chiến và xác lập hòa bình, như một hội đồng tư pháp giải quyết các tranh chấp giữa các thị tộc với thành viên của các thị tộc khác. Những người phát ngôn của thị tộc này cũng hợp thành đại hội đồng quốc gia có tư cách về tư pháp, để xử các vụ tranh tụng quan trọng nhất và bầu ra quốc vương. Các thị tộc Aztec họp thành bốn bộ tộc, mỗi bộ tộc có một vị chánh tướng (captain- general) đứng đầu, đó là vị chỉ huy quân sự cao nhất và, cùng với chức vụ quân sự còn là thành viên của đại hội đồng quốc gia.

Nhiều bộ lạc đã tôn một thị tộc lên vị trí hoàng tộc, và vị thủ lãnh của bộ lạc phải xuất thân từ thị tộc này. Những cư dân trên đảo Trobriand ở Melanesia, đã thực hiện như thế. Ở Phi châu, người Dahomey và Ashanti là hai ví dụ cho những trường hợp khác.

Trong cộng đồng những người da đỏ ở châu Mỹ, người Winnebago ở bang Wisconsin giao các chức năng chính trị cho bảy trong số mười hai thị tộc của họ. Tù trưởng bộ lạc được bầu từ thị tộc Thunderbird. Thêm vào đó, thị tộc này thực hiện các chức năng quan trọng liên kết với việc bảo vệ hòa bình (các chức năng về chính quyền chủ yếu có tính dân sự). Thị tộc Chiến Binh, theo đúng nghĩa của danh xưng, chủ trì việc lãnh đạo chiến tranh; cảnh sát lo việc trong làng và việc săn bắn là người của thị tộc Gấu; người thông báo tin tức và người hầu cận của thủ lãnh luôn luôn được chọn từ thị tộc Trâu. Các thị tộc Sói, Hồn Nước, và Nai Sừng Tấm đảm nhận các nhiệm vụ chính trị ít quan trọng hơn. Hình thức phân công chính trị này không chỉ có nơi người Winnebago mà còn được thực hiện trong những bộ lạc được tổ chức cao hơn của người Sioux.[1]

Các chức năng kinh tế

Trong các bộ lạc gồm các thị tộc với văn hóa nông nghiệp, đất đai trồng trọt do các thị tộc sở hữu hoặc điều phối là điều gần như hiển nhiên. Mỗi thị tộc sở hữu phần đất riêng của mình. Các thủ lĩnh thị tộc nắm giữ sổ sách về đất đai và chỉ định quyền sử dụng đất. Mỗi chủ gia đình có quyền canh tác trên một phần đất (trừ khi anh ta bị mất tư cách thành viên của thị tộc vì từ chối kết hôn hoặc từ chối thực hiện các nghĩa vụ trong thị tộc, và như thế anh ta trở thành một lao động vô sản). Chừng nào một người còn đủ các tiêu chuẩn là một thành viên thị tộc, thì anh ta vẫn có quyền sử dụng miếng đất đó hoặc cho một người khác trong thị tộc thuê (nhưng không được cho người ngoài thị tộc thuê). Anh ta có thể để chúc thư chuyển nhượng miếng đất đó cho một người con cháu trong thị tộc (nhưng không được chuyển nó cho người ngoài thị tộc), vì quyền sử dụng chỉ dành cho người trong thị tộc thôi. Anh ta có cái quyền mà một luật sư sẽ gọi là quyền thụ hưởng hoa lợi trên miếng đất, nhưng không sở hữu riêng miếng đất đó. Ngay hiện nay, hệ thống sử dụng đất như thế này còn rất phổ biến ở khắp Indonesia, và cũng phổ biến ở châu Phi.

Thị tộc có thể sở hữu các thứ vật thể chung khác như đền miếu, nhà hội họp, và các lễ vật thiêng liêng (xem Chương 28).

Các chức năng tôn giáo và nghi lễ

Các thị tộc hoặc dòng họ có thể có riêng những đấng linh thiêng hoặc các thần thánh để điều khiển thế giới siêu nhiên theo các mục đích của họ, hoặc họ có thể sở hữu riêng các thứ khí cụ thờ phượng và lễ lạc nhất định để cầu xin cho sự an ổn của toàn xã hội.

Những người châu Phi thờ cúng tổ tiên đặt tổ chức thị tộc ở vị trí quan trọng đầu tiên. Các tiền bối của thị tộc đã qua đời được tôn làm các vị thần của thị tộc. Vị lãnh tụ của thị tộc thường là người thầy cả của thị tộc và là người trung gian liên lạc giữa người sống và linh hồn các bậc tổ tiên đã chết.

Trong các cộng đồng người Hopi và Zuni, việc tổ chức tế lễ là rất quan trọng, ăn sâu vào các hệ thống thị tộc; thị tộc nào cũng có những hoạt động lễ lạc cầu cho phúc lợi của cả làng. Các thị tộc Winnebago có nhiều khí cụ mang tính tôn giáo thiêng liêng sử dụng trong các hoạt động cúng tế. Đây là những thí dụ điển hình cho loại tình huống thứ hai.

Các chức năng vật tổ

Cuối cùng, các thị tộc có thể có những hội đoàn về vật tổ liên quan đến một cảm nhận tính đồng nhất với một loài thực vật, động vật hay một vật thể thiên nhiên khác. Mối quan hệ trong sự đồng nhất về tình cảm có thể mở rộng từ chỗ chỉ là một cảm giác họ hàng đến chỗ tôn kính và thờ phụng thật sự. Điều này có thể dẫn đến một sự đại diện tượng trưng của vật tổ trong các lễ hội của thị tộc.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2586-02-633540602847001250/Su-mo-rong-he-thong-ho-hang-ba-con-dong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận