Sự tiến hoá văn hóa ngày nay
Tuy nhiên, thực tế đơn giản vẫn chứng tỏ rằng các nền văn hóa đã và đang phát triển theo những phương thức chung giống nhau. Những dữ liệu rút ra từ những nghiên cứu khảo cổ trên toàn thế giới chứng minh với bất cứ ai có đầu óc quan sát rằng - bất kỳ nơi nào khoa khảo cổ học địa phương có bất cứ khía cạnh nào thuộc về thời tiền sử, nền văn hóa của địa phương đó đã ''tiến hóa''. Nếu những dữ liệu ghi nhận được có đủ độ lùi thời gian cần thiết, sẽ cho thấy được kỹ thuật cũng như vật liệu giản đơn của những người chuyên săn bắt và hái lượm, những con người chẳng có mảnh sắt trong tay, không có cây trồng và cũng những có thú nuôi, không dệt may, không gốm sứ, không chữ viết, không cấu trúc nhà cửa cố định và cũng chẳng có những cao ốc công cộng - một nền văn hóa của những người dốt đặc cán mai cùng với một sự phát triển nghèo nàn ốm yếu. Một xã hội như vậy phải sụp đổ với sức ì của sự hoang dại, nền văn hóa của xã hội đó không có những loại thực vật được canh tác, những loài thú vật được chăn nuôi và cả chữ viết. Vì công nghệ và kỹ thuật tìm kiếm thực phẩm bị hạn chế, nên xã hội sơ khai cũng bị giới hạn cả về số lượng dân cư và sự thiết lập chu đáo các thiết chế xã hội. Trong các cấp độ khảo cổ sau này, cây trồng và thú vật chăn nuôi mới xuất hiện, nơi ăn chốn ở lâu dài được đề cập, việc dệt may và đồ gốm sứ thủ công mới trở thành khuynh hướng cho đến tận ngày nay, những khuôn mẫu định canh định cư biểu thị một sự gia tăng về qui mô dân số. Mọi điều đều chỉ ra một mức độ nào đó của sự cách tân trong nền văn hóa. Các dân tộc đã được phân loại là man dã là những dân tộc mà trong nền văn hóa của họ đã có cây trồng, thú vật chăn nuôi, nhà cửa vườn tược hoặc những xóm làng định cư - nhưng chữ viết, các thành phố, và các trung tâm với những đền đài dành cho các dịp lễ nghi thì vẫn chưa có. Các cấp độ khảo cổ cao nhất khám phá tất cả những sự vật trên và nhiều điều khác nữa. Những cấp độ này nghiên cứu những gì còn lại của các nền văn minh: nền văn hóa xã hội bao gồm từ nông nghiệp cho đến thành thị; những ngành nghề thủ công đủ loại khác nhau, kể cả ngành luyện kim; dinh thự, đền đài, lễ nghi, và cơ cấu chính quyền; chừ viết; và gần như là một bản kiểm kê của hằng hà vô số những hạng mục thứ yếu khác. Các nền văn hóa văn minh vừa có thể hoặc không thể “đạo đức” hơn các nền văn hóa sơ khai và man dã. Trong ngành nhân chủng học, chữ “văn minh” chỉ hàm ý một cấp độ phức tạp của nền văn hóa mặc dù khi so sánh với những xã hội sơ khai, các nền văn minh cho thấy có nhiều dị biệt về tính cách trong những đặc điểm đạo đức, những vấn đề này sẽ được bàn tiếp trong chương 36. Về phương điện đạo đức, các nhà nhân chủng học luôn dè dặt khi phải phán đoán về những dị biệt giữa điều tốt và xấu/đúng và sai/thiện và ác.
Thế giới sơ khai và thế giới chưn phát minh ra chữ viết. Hầu hết các mốc trọng đại của những kinh nghiệm nhân loại đều xảy ra trong suốt thời kỳ này. Dữ liệu khảo cổ, chẳng hạn như một mẫu vật cũ về sự phát triển văn hóa của kỷ nguyên tiền sử là một mẫu vật trước thời kỳ của những dữ liệu được ghi chép bằng chữ. Do đó, chỉ bằng sự suy luận chúng ta mới có thể nhận ra rằng những khuôn mẫu của một nền văn hóa xã hội cũng buộc phải biểu lộ một số quy tắc nào đó để phát triển. Trách nhiệm của các công trình nghiên cứu về sự tiến hóa là, nếu có thể, phải xác định được nội dung của những khuôn mẫu đó.
Khoảng năm 1945, sự dao động của những người phái Boas chống lại thuyết tiến hóa đã hoàn toàn chấm dứt, và một nhãn quan mới về thuyết tiến hóa văn hóa đã trở thành hiện thực. Kể từ đó, hai loại thuyết tân tiến hóa đã hòa quyện với nhau.
Sự tiến hóa đặc trưng
Việc tinh lọc tư tường của thuyết tiến hóa văn hóa được Marshall Sahlins đề cập năm 1960, và ông gọi đó là sự tiến hóa đặc trưng, “sự phát triển lịch sử của những hình thái văn hóa riêng biệt... sự biến đổi chủng loại qua quá trình hấp thu...”. Trong quá trình tiến hóa đặc trưng, mối quan tâm được đặt vào hàng loạt những biến đổi liên tục trong lịch sử văn hóa của những xã hội riêng biệt; những hạn như, những gì xảy ra trong sự phát triển văn hóa Mỹ giữa năm 1776 và năm 1965? Những thay đổi này có những ý nghĩa tiêu biểu nào để đáp ứng tương xứng những tiềm năng của lục địa Bắc Mỹ và những ưu thế của mình Hoặc là bằng cách đặc biệt nào các nền văn hóa thổ dân Pueblo biến đổi và các tiến từ năm 100 trước Công nguyên đến năm 1850? Thuyết tiến hóa đặc trưng rõ ràng - còn hơn cả lịch sử vì mối chú tâm của nó không chỉ là niên đại của những sự kiện, mà còn muốn biết những nền văn hóa biến đổi như thế nào. Đây thực sự là lịch sử văn hóa hoặc sự tái tạo lịch sử theo kiểu của những người phái Boas, dưới một cái tên mới trong một khung sườn lý thuyết đáng để suy nghĩ về những thời kỳ tiến hóa.
Thuyết tiến hóa đa trực hệ
Như đã được Giáo sư Julian Steward khai triển, lý thuyết tiến hóa đa trực hệ khảo sát những sự song hành trong tiến trình tiến hóa đặc trưng. Thuyết này ít nhất không nhằm vào giai đoạn hiện tại để phát triển một tập hợp toàn diện các nguyên tắc tiến hóa và bao biện cho sự phát triển văn hóa từ những thời đại tiền sử xa xưa nhất cho đến ngày nay. Đúng hơn, thuyết này bó hẹp những phạm vi của mình một cách thận trọng, để chỉ nhắm vào những sự phát triển song hành trong những lãnh vực văn hóa của những xã hội riêng biệt nào đó. Lý thuyết này có nhiệm vụ xác định có hay không chuỗi sự kiện đồng nhất của sự biến đổi văn hóa xảy ra theo cùng một trình tự trong những nền văn hóa tách biệt, không phụ thuộc lẫn nhau. Khi những chuỗi sự kiện như vậy – dù chỉ dường như giống nhau - được xác định thì lúc đó thuyết này mới quay ra tìm kiếm những nguyên nhân làm phát sinh các chuỗi sự kiện đó:
Thuyết tiến hóa đa trực hệ cơ bản là một phương pháp luận đặt nền tảng trên sự giả định rằng những quy tắc có ý nghĩa trong sự biến đối văn hóa có xảy ra, và thuyết này đặt trọng tâm vào việc xác định những quy luật văn hóa. Thuyết này cũng không tránh khỏi cái công việc tái tạo lại lịch sử, nhưng lại không cho rằng những dữ liệu lịch sử có thể phân loại thành những giai đoạn chung của nhân loại.
Những nghiên cứu thuộc thuyết tiến hóa đa trực hệ đặt mục tiêu khảo sát toàn bộ nền văn hóa trong từng chi tiết để có thể thấy được hình thái xã hội đặc thù nào, trên thực tế, thể hiện ở những cấp độ khác nhau, có nghĩa là mức độ của tính phức tạp và của sự hòa nhập xã hội. Thuyết này cũng cho rằng dù rất dị biệt trong chi tiết, nhưng vẫn đảm bảo khả năng xảy ra trên những mặt tổng quát giới hạn đối với những chiều hướng của sự biến đổi thuộc tiến trình tiến hóa.
Thuyết tiến hóa tổng quan
Thuyết tiến hóa tổng quan khác với thuyết tiến hóa đa trực hệ chủ yếu ở chính cấp độ trình bày diễn giải của mình. Lý thuyết này cố gắng thiết lập những khuynh hướng tiến hóa cho nền văn hóa trên tầm mức tổng quan, hơn là những nền văn hóa bị giới hạn bởi những dạng loại so sánh như lý thuyết tiến hóa đa trực hệ đã thực hiện. Hậu quả là hình thức của lý thuyết này đã bành trướng trên phạm vi rộng lớn hơn. Chúng là kiểu trình bày diễn giải mà V. Gordon Childe, Leslie White, Robert Redfield, Elman Service cùng với nhiều người khác đã áp dụng một cách có hệ thống, hay đưa vào công thức những biến đổi lớn lao trong văn hóa đi cùng với sự phát triển từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới, rồi thời đại đồ sắt - thời đại của những nền tảng công nghệ. Thuyết tiến hóa tổng quan không cho rằng có thể nhận thức mọi nền văn hóa phát triển một cách chính xác, bằng cách so sánh những chi tiết trong khuôn mẫu văn hóa với những cấp độ phát triển công nghệ, nhưng lại thừa nhận những xu hướng phổ biến còn đọng lại dấu vết trong dòng chảy liên tục của các hình thái văn hóa là có thể chứng minh được.
Nghiên cứu sự tiến hóa tổng quát của văn hóa chính là khảo sát những quá trình diễn biến, mà theo đó xã hội loài người đã cập vào với những khuôn mẫu hành vi nhất định nào đó để hoàn thành những chức năng nhiệm vụ riêng biệt nào đó. Khi bàn về: ''Thực tế về sự tiến hóa xã hội" Maclver đã nói: "Mối quan tâm chính yếu của phương pháp tiến hóa không phải là sự cách tân từ hình thái đặc trưng này sang hình thái đặc trưng khác mà là sự hòa quyện từ tình trạng đa dạng của nhiều hình thái đặc trưng thành những hình thái ít đặc trưng hơn.
Quá trình chuyển biến cũng như sự cách tân văn hóa trong một xã hội riêng biệt không phải là sự tiến hóa văn hóa tổng quan, vì vậy cần phải tham khảo nhiều hình thức khác, nhau khi nghiên cứu. Việc thất bại, không nhanh chóng nắm bắt được nguyên tắc này đã đưa đến sự hiểu nhầm giữa những người theo thuyết tiến hóa văn hóa và những nhà phê bình. Như Lowie đã trình bày, Morgan đã tái tạo một lãnh vực chưa từng được biết đến của những xã hội thời cổ đại dưới dạng phương thức tiến hóa tổng quan của ông ta. Những phân tích của Morgan về các kiểu nhà ở của thổ dân châu Mỹ là hoàn toàn sai lạc, không có giá trị bởi ông ta đã có sẵn một định kiến về sự sắp xếp theo hệ thống của sự tiến hóa có tính thị tộc và gia đình; đặc biệt Morgan đã quy kết chế độ thị tộc của người Ojibwa từ mẫu hệ thành phụ hệ, chẳng hạn như vậy, bởi vì, theo hệ thống sắp xếp của Morgan, sự việc là phải như vậy - phải theo đường hướng đó.
Và Lowie đã chỉ ra rằng Tylor cũng phạm sai lầm tương tự như vậy dù ở mức độ ít thô thiển hơn Morgan. Bởi vậy, rất nhiều lần, những người theo thuyết tiến hóa văn hóa sớm sủa nhất đã xem sự tiến hóa văn hóa đặc trưng với sự tiến hóa văn hóa tổng quan là một và cùng là một loại. Điều này quả là một sai lầm khủng khiếp.
Một việc mà thuyết tiến hóa với tư cách là một phương tiện làm việc không thực hiện và không thể thực hiện là xác định một ranh giới của sự phát triển riêng biệt và chi tiết mà tất cả mọi chủng loài và mọi xã hội buộc phải bước qua. Cá voi và chó, cả hai đều là động vật có vú mỗi loại là sản phẩm kết quả của một quá trình tiến hóa khác nhau, nhưng cái lịch sử phát sinh chủng loài của cả hai lại hoàn toàn không khác nhau, và loài này không thể chuyển hóa thành loài kia. Những hạng mục văn hóa xã hội, lịch sử của bất kỳ xã hội riêng biệt nào cũng không tóm lược được sự tiến hóa văn hóa của xã hội đó. Không thể được, bởi vì sự tiến hóa bao gồm sự dị biệt của nền văn hóa thành một Toàn Thể và cả những định chế, những phong tục tập quán của nền văn hóa. Dù là trong quá khứ hay hiện tại, không một nền văn hóa nào có thể ôm đồm tất cả những khuôn mẫu của tất cả các nền văn hóa. Từ nhận định này, có thể kết luận rằng: lịch sử của một xã hội không thể tái tạo từ những khuôn mẫu thông thường của quá trình tiến hóa.
Không khó khăn gì để chứng minh rằng sự truyền bá cũng như những ngẫu nhiên của sự giao tiếp trong lịch sử giữa các dân tộc ở những cấp độ khác nhau và những hình thái văn hóa, đóng vai trò cột mốc trong bất kỳ hàng loạt quá trình phát triển văn hóa dành cho những nền văn hóa riêng biệt nào đó. Như đã trình bày ở chương trước, các nền văn hóa phát triển hầu hết đều thông qua việc thu nhận những đặc điểm, tiêu biểu được truyền bá. Dù một dân tộc cá biệt nào đó bị đặt vào một hình thái này hay hình thái kia của một đặc điểm thì điều này thường cũng chỉ đơn thuần là hậu quả của một sự ngẫu nhiên dúng nghĩa mà thôi. Người Cheyenne là những người săn bắt và hái lượm không theo chế độ thị tộc trong môi trường sống xưa kia của họ, vùng rừng rậm phía tây xứ Đại Hồ. Khi di chuyển về hướng Tây để sống giữa. những người tộc Arikara, họ đã học cách canh tác từ những người láng giềng định canh định cư kia và điều hiển nhiên là họ đã hấp thu những nguyên tắc sơ đẳng của chế độ thị tộc mẫu hệ. Và sau đó phải chăng tính cách di trú của họ đã đẫn dắt họ xuống phía Nam giữa những người nông dân Omahas theo chế độ thị tộc phụ hệ, và hoàn toàn có khả năng họ đã sao chép nghề nông nơi đây, cũng như lại hấp thu những nguyên tắc sơ đẳng của cách tổ chức thị tộc phụ hệ.
Lý thuyết tiến hóa tổng quan không cho rằng bất kỳ một nền văn hóa riêng biệt nào phải vượt qua toàn bộ trình tự của sự phát triển tiến hóa đã được thiết lập. Lý thuyết này cũng thừa nhận một cách trọn vẹn rằng, những bộ lạc còn sót lại của thời đồ đá ở tít phía trong những cao nguyên xứ New Guinea sẽ vượt qua những giai đoạn trung gian, để bước vào thời đại hiện đại trong vòng từ 2, đến 50 năm sắp đến. Điều này sẽ là thành quả đáng ghi nhớ của sự truyền bá cưỡng bức đến từ những chương trình hỗ trợ phát triển kỹ thuật.
Lý thuyết về sự tiến hóa tổng quan quy kết sự tiến hóa văn hóa như là mỗi thuộc tính của nhân loại. Và thuyết này cũng không đưa một kế hoạch chi tiết để buộc mỗi nền văn hóa phải tuân theo trong từng đặc điểm.
Lý thuyết năng lượng trong sự tiến hóa văn hóa
L.H. White đã nhấn mạnh rằng hậu quả quan trọng nhất trong sự tiến hóa văn hóa chính là sự gia tăng lũy tiến tổng số năng lượng đặt dưới sự điều khiển để sử dụng (sự khiển dụng - ND) của loài người.. Khả năng phát tiết năng lượng trung bình của một người đàn ông khỏe mạnh được phỏng định tương đương với lực dùng để nâng 50 cân Anh lên cao 1 bộ trong thời gian 1 giây (cân Anh, pound - 0,454 Kg, 50 cân Anh tương đương 22,7 Kg; bộ, foot = 30,48 cm ND). Gộp luôn trẻ con và những người lớn bệnh hoạn suy nhược để tính toán thì tổng số năng lượng hàng ngày cho mỗi đầu người trong những xã hội cổ xưa nhất tương đương 1/1.200 mã lực. Đối với một cộng đồng mang tính cục bộ và còn trong tình trạng rất sơ khai thì tổng số năng lượng tiêu tốn hàng ngày cho toàn cộng đồng không vượt qua con số 1/24 mã lực. Không thể làm được gì nhiều với số năng lượng ít ỏi như vậy. Khi con người bị hạn chế ở mức độ đó sự phát triển văn hóa cũng bị giới định theo. Tình trạng này ngự trị suốt Thời đồ đá cũ và là đặc trưng của mọi xã hộ trước khi có sự phát triển sự canh tác bằng cày cuốc và chăn nuôi súc vật.
Cuộc cách mạng vĩ đại của Thời đồ đá mới đã xảy ra cùng với sự thuần hóa các loài thảo mộc và súc vật. Việc thuần hóa các loài thực vật giúp tăng cường khả năng khiển dụng năng lượng mặt trời, loại năng lượng tích tụ trong thực vật. Việc thuần hóa các loài súc vật lại biến con người thành kẻ khai thác năng lực động vật. Càng có nhiều phương tiện hiệu quả càng giảm thiểu sự phung phí năng lượng, và những phương tiện mới cũng giúp cho những ứng dụng mới về năng lượng trở thành khả thi. Tất cả nền văn hóa đều bành trướng một cách nhanh chóng; cung cách sinh sống đã đổi thay từ người săn bắt đến người canh tác và chăn nuôi. Các định chế và phong tục tập quán cũ xưa sụp đổ và những phương cách mới mẻ phải được tuân theo. Những con người sơ khai trở thành những người bán khai.
Thời đại đồ đồng và đồ sắt thực ra chỉ là thời kỳ nối đài của Thời đồ đá mới, là thời đại đã hoàn thành nhiệm vụ với tiềm năng của mình trong cuộc cách mạng đô thị hóa. Đồ sắt đã thay thế đồ đá, sự hữu hiệu của các loại phương tiện đã tăng lên dẫn đến sự nhảy vọt trong sản xuất của các ngành canh tác và kỹ nghệ thủ công, dần dà bành trướng các nền văn hóa của cựu lục địa.
Cuộc cách mạng văn hóa kế tiếp được chào đón với việc khai thác và sử dụng hơi nước, sự phát minh động cơ đốt trong, việc sản xuất điện khí nhân tạo. Cùng với cuộc Cách mạng kỹ nghệ, chủ nghĩa phong kiến đã phải nhường bước cho chủ nghĩa tư bản. Việc tái tổ chức xã hội và nền văn hóa làm đảo lộn từ gốc đến ngọn mọi vấn đề của thế giới đương đại. Những tác động của cách mạng này hiện vẫn còn đang quanh quẩn với chúng ta.
Năm 1945, cuộc chinh phục năng lượng kỳ diệu nhất trong mọi thời đại đã hoàn thành. Lý thuyết tương đối của Einstein về khối lượng và năng lượng (E = mc2) xác định rằng 1 ki-lô (2,2 cân Anh) vật chất, nếu biến thể toàn bộ thành năng lượng sẽ phóng thích 25 tỉ kilowatt-giờ năng lượng, tương đương 33 tỉ mã lực-giờ. Việc tách rời nguyên tử uranium được thực hiện lần đầu tiên năm 1945 chỉ làm biến thể 0,1% khối lượng nguyên tử uranium thành năng lượng. Như vậy, từ thời điểm này ba mươi ba tỉ mã lực-giờ năng lượng cũng đã có thể phóng thích từ một ki-lô uranium. Và đây chỉ là bước khởi đầu, không chỉ với sự hiệu quả tăng lên của những kỹ thuật trích ly nguyên tử đã được cải tiến, chúng ta đồng thời cũng đã biết được cách phóng thích năng lượng từ việc tổng hợp nguyên tử hydrogen.
Mỗi phương pháp chế ngự năng lượng mới tự nó là một thành tựu văn hóa. Khi đã được hợp nhất vào nền văn hóa, phương pháp này đồng thời cũng gây ra vô số những tác động phản hồi (hệ quả) - tạo ra một phản ứng dây chuyền cho những phát triển văn hóa mới. Mọi đột phá quan trọng để điều khiển năng lượng thường kéo theo sau bước chân của mình những cuộc cách mạng lớn lao về văn hóa và xã hội.
Thời đại nguyên tử đang lơ lửng trên đầu chúng ta. Những biên giới liên hành tinh bao la và kỳ diệu đang mở ra. Trên khắp thế giới - sự bất ổn, xáo trộn, bất đồng và những triệu chứng phổ biến tràn lan của những đổi thay đang đến và những khuôn mẫu văn hóa mới. Tất cả đang tuôn trào. Tuy nhiên, trước khi tranh luận vấn đề này, chúng ta hãy đưa khái niệm về sự tiến hóa văn hóa để nghiên cứu về con người và văn hóa thời tiền sử, và đó chính là chủ đề của Phần 2.