Nguyên tắc phân cấp họ hàng
Nguyên tắc quan trọng đầu tiên phải nắm được trong khi nghiên cứu các hệ thống họ hàng là: không một hệ thống nào dành một từ riêng lẻ và khác biệt cho mỗi loại hoặc mỗi vị trí quan hệ họ hàng trong phả hệ. Tất cả các hệ thống đều đánh đồng, thu gọn lại, hoặc sáp nhập một số quan hệ nào đó của những vị trí khác trong phả hệ vào chung một hạng để gọi chung bằng một từ cụ thể. Ví dụ, người da đỏ Comanche gộp chung cha, cùng với anh em trai của cha (chú, bác) và chồng của chị em gái của mẹ (dượng) vào chung một hạng, gọi là ap’. Anh em trai của cha và chồng của chị em gái của mẹ (em hai hạng người này mà chúng ta gọi chung là “uncle”) là những người khác với cha mình, nhưng với người Comanche thì họ được gộp chung hoặc đánh đồng vào một danh xưng trong quan hệ họ hàng.
Những danh xưng họ hàng gộp chung này được gọi là từ phân cấp. Một danh xưng họ hàng áp dụng vào một vị thế cụ thể trong phả hệ và không dùng vào đâu khác thì gọi là từ xác định riêng biệt hoặc miêu tả. Chẳng hạn, chúng ta có khuynh hướng chỉ dùng từ “cha” và “mẹ” để chỉ các bậc thực sự sinh thành ra mình. Tuy nhiên, vì không một hệ thống nào gồm toàn là từ xác định riêng biệt hay gồm toàn là từ phân cấp, nên chúng ta cũng có những từ phân cấp như “cousin” (anh em họ), “uncle” (chú, bác, cậu, hoặc dượng), “aunt” (cô, dì, thím, mợ), “niece” (cháu họ gái), “nephew” (cháu họ trai), “grandfather” (ông nội hay ông ngoại), “grandmother” (bà nội hay bà ngoại), “grandson” (cháu nội hay cháu ngoại trai), và “granddaughter” (cháu nội hay cháu ngoại gái).
Việc chúng ta gắn bó với những từ xác định riêng biệt “cha” và “mẹ” là có ý nghĩa về mặt xã hội, vì thêm vào từ xác định riêng biệt “cha” và “mẹ”, chúng ta dùng những từ “con trai” và “con gái” chỉ để nói chúng là các con của chúng ta chớ không phải con của anh em hay chị em gái của mình.[1] Cũng như thế, chúng ta dùng các từ “brother” (anh hay em trai), và “sister” (chị hay em gái) để chỉ các anh chị em trong gia-đình-hôn-nhân sơ cấp của chúng ta (tức gia đình của thế hệ cha và mẹ). Các thân nhân khác cùng bậc với thế hệ chúng ta thì chúng ta gọi là “cousins” (các anh chị em họ). Như thế, các danh xưng của chúng ta nhấn mạnh ở chỗ không tính đến gia-đình-do-hôn-nhân sơ cấp; cách xưng hô này phân biệt các thân nhân xa một cách cứng ngắc. Điều này phản ánh ý nghĩa xã hội lớn lao của các thân nhân gần gũi của chúng ta trong gia-đình-do-hôn-nhân đối lại với các quan hệ bà con rộng lớn khác. Các thân nhân trực hệ đối với chúng ta là quan trọng hơn những người bà con bàng hệ.
Trong những xã hội sơ khai nhất, như chúng ta đã nhận thấy, những nhóm bà con mở rộng có những vai trò lớn hơn là trong trường hợp họ hàng của chúng ta. Vì vậy, việc gộp chung hay đánh đồng các thân nhân trên căn bản bàng hệ là điều dễ xảy ra trong những xã hội đó hơn.
Do những từ danh xưng họ hàng qui định các vị thế xã hội, bạn gọi một người nào đó là gì thì chính danh xưng đó xác định thái độ của bạn đối với người đó. Hơn nữa, tất cả những người được gọi bằng cùng một danh xưng thì nhận được cùng một loại thái độ cư xử, vì họ có cùng một vị thế trong các hệ thống của tổ chức xã hội.