Chế độ nô lệ trong xã hội sơ khai
Chúng ta đã đề cập đến chế độ nô lệ vài đôi lần trong khi bàn về các hệ trong xã hội. Chế độ nô lệ là một trong những định chế quan trọng của xã hội loài người và đồng thời là vấn đề mà các nhà nhân chủng học chưa nghiên cứu một cách đầy đủ.
Bản chất của chế độ nô lệ
Nền đạo lý dân chủ đương đại lên án chế độ nô lệ bằng những lời lẽ nặng nề và chúng ta giật mình kinh hoàng với loại ý tưởng về chế độ ấy. Giờ đây chúng ta khó mà quan niệm được sự phục dịch cưỡng bức như một khía cạnh nội hàm trong bất cứ một xã hội nào, vậy mà chế độ nô lệ đã là một phần quan trọng trong các nền văn hóa của con người trong một thời gian dài hơn cả thời gian mà nhiều nền văn minh đã tiêu tốn để nhổ tận gốc chế độ đó ra khỏi xã hội.
Chế độ nô lệ tự nó không phải là một khái niệm thuần túy. Trong thực tế, chế độ này có nhiều hình thái, từ chỗ là một sự hoàn toàn xóa bỏ phẩm giá của cả một hạng người bằng cách chối bỏ nhân tính của họ (coi nô lệ như đồ vật), cho đến việc bao gồm người nô lệ như là những thành viên được thu nhận vào gia đình và họ hàng của người chủ nô. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm là, chẳng có một người nô lệ nào hoan nghênh chế độ nô lệ cả. Làm nô lệ thì chẳng hưởng được lợi ích nào về mặt xã hội mà lại bị rất nhiều điều bất lợi. Thân phận người nô lệ tùy thuộc rất nhiều vào tập quán của bộ lạc, sử dụng họ như tôi tớ trong nhà hay như công nhân ngoài ruộng rẫy. Nếu phục dịch trong nhà thì quan hệ của nô lệ với chủ nhân không tránh khỏi trở nên thân mật, và người nô lệ còn hưởng được một số phúc lợi. Nếu nô lệ được sử dụng ngoài đồng ruộng thì lợi ích chính của chủ nhân trở thành sự bóc lột kinh tế sâu sắc, và nhất là khi số nô lệ đông đảo thì các mối quan hệ không còn tính cách tình cảm nữa và càng trở nên gay gắt.
Những người nô lệ có thể xuất thân cả từ bên trong hoặc bên ngoài của một xã hội. Hình thức nô lệ ở bên trong xã hội chỉ xảy ra trong những xã hội cổ sơ tiến bộ hơn, với những hoạt động gần với chế độ tư bản trong việc mượn và cho mượn. Người mượn có thể gán con trai hay con gái mình để bảo đảm cho món nợ. Vỡ nợ thì có nghĩa là phải phục dịch để trừ. Hoặc là, như trong trường hợp người Ashanti ở Ghana, một người có thể đem cầm cố đứa con trai của anh em mình để lấy một món tiền. Đứa trẻ ấy có thể làm lụng cho người chủ nợ cho đến khi món nợ được trả hết; công lao động của nó được coi như phần lãi của món tiền cho vay. Hình thức làm nô lệ để trừ nợ không làm phát sinh ra số lượng lớn các nô lệ, và thông thường tư thế của người nô lệ họ cũng không cực khổ gay gắt quá đáng. Nguồn nô lệ nội tại thứ hai là những tội nhân bị án khổ sai. Trường hợp này cũng chỉ thấy trong những nền văn hóa tiến bộ cao hơn, vì cần phải có một hệ thống luật pháp tập trung mạnh mẽ.
Tuy vậy, nguồn cung cấp nô lệ to lớn là chiến tranh và việc lạm dụng các nạn nhân bắt được trong chiến tranh. Những người nô lệ cùng sống trong bộ lạc nhưng không phải là người của bộ lạc. Vì không có tư cách công dân, cho nên nô lệ bị gạt ra bên ngoài tư cách pháp lý, và vị thế thấp kém của họ không thể đối chọi lại với các ông chủ nô về những khái niệm bình đẳng xã hội - chỉ dành riêng cho chính họ, chứ không phải cho những người nô lệ.
Tuy vậy, nguồn cung cấp nô lệ to lớn là chiến tranh và việc lạm dụng các nạn nhân bắt được trong chiến tranh. Những người nô lệ cùng sống trong bộ lạc nhưng không phải là người của bộ lạc. Vì không có tư cách công dân, cho nên nô lệ bị gạt ra bên ngoài tư cách pháp lý, và vị thế thấp kém của họ không thể đối chọi lại với các ông chủ nô về những khái niệm bình đẳng xã hội - chỉ dành riêng cho chính họ, chứ không phải cho những người nô lệ.
Sự xuất hiện của chế độ nô lệ
Gần một nửa các nền văn hóa của thế giới cổ xưa dung nạp chế độ nô lệ. Có đến một phần tư những dần tộc săn bắn hái lượm và có nền nông nghiệp sơ khai có nuôi nô lệ (Bảng 27- 3). Lời phát biểu của một người bình thường sau đây so với thực tế tàn nhẫn thật là cách xa một trời một vực: "Nhưng những người con của đấng Tạo Hóa không nô dịch hóa lẫn nhau''. Sự phân bố của chế độ nô lệ có liên quan đến lịch sử văn hóa. Bảng 27-4 cho thấy chế độ nô lệ ít phổ biến nhất là ở thổ dân da đỏ châu Mỹ và những nền văn hóa trên các đáo Thái Bình Dương (ít hơn một phần ba). Ở châu Phi cho đến phía nam sa mạc Sahara, chế độ nô lệ xuất hiện trong hơn hai phần ba các nền văn hóa (69 phần trăm). Chế độ nô lệ là một phát minh văn hóa có sự phân bố chịu ảnh hưởng ở một mức độ nhất định từ một nguồn lan truyền ít nhiều phổ biến ở châu Phi. Tính phát triển cao của văn hóa chăn nuôi và nông nghiệp có thể đã góp phần vào sự lan tràn của chế độ nô lệ ở châu Phi. Tuy nhiên, sự hiện diện của cả hai loại hình kinh tế sinh kế này ở một tần số cao trong vùng Âu - Á và trong các khu vực quanh Địa Trung Hải, lại hầu như không làm phát sinh nhiều lắm chế độ nô lệ ở những khu vực đó của thế giới. Trong tương lai, cuộc nghiên cứu các lãnh vực chức năng - cấu trúc của chế độ nô lệ có lẽ sẽ cho ta một câu trả lời về vấn đề nô lệ ở châu Phi; bây giờ thì chúng ta chưa có câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này.
Bảng 27 - 3: Tần số và phần trăm phân bố của các nền văn hóa có và không có chế độ nô lệ theo nền tảng sinh kế
| Có chế độ nô lệ | Không có chế độ nô lệ | |
Nền tảng sinh kế | Số nề văn hóa | Tỉ lệ phần trăm | Số nền văn hóa | Tỉ lệ phần trăm | Tổng số nền văn hóa |
Nông nghiệp cày cấy | 59 | 53 | 52 | 47 | 111 |
Chăn nuôi | 27 | 55 | 22 | 45 | 49 |
Nông nghiệp phát triển | 103 | 47 | 115 | 53 | 218 |
Nông nghiệp sơ khai | 6 | 20 | 25 | 80 | 31 |
Săn bắn và hái lượm | 27 | 27 | 74 | 73 | 101 |
Nguồn: A. D. Coult và R. W. Habenstein, "Các bảng biểu trong công trình Khảo Sát Dân Tộc Học Thế Giới của Murdock, trang 512.
Bảng 27 - 4: Tần số phân bố của các nền văn hóa có chế độ nô lệ, theo các khu vực địa lý chính yếu.
Khu vực địa lý | Số nền văn hóa mỗi khu vực | Số nên văn hóa có chế độ nô lệ | Tỉ lệ phầm trăm về chế độ nô lệ |
Châu Phi | 111 | 77 | 69 |
Vùng cung Địa Trung Hải | 73 | 38 | 52 |
Vùng Á - Âu | 78 | 42 | 53 |
Các quần đảo Thái Bình Dương | 98 | 30 | 30 |
Bắc Mỹ | 108 | 32 | 29 |
Nam Mỹ | 72 | 29 | 30 |
Tổng cộng | 540 | 248 | |
Nguồn: A. D. Coult và R. W. Habenstein, “Các bảng biểu trong công trình Khảo Sát Dân Tộc Học Thế Giới của Murdock”, trang 28.