Con dâu và mẹ chồng
Nếu đôi bạn trẻ sống với gia đình nhà chồng, nguy cơ xung đột bao giờ cũng lớn. Do cách quản lý gia đình nên con dâu trẻ thường không ưng ý mẹ chồng. Cô vừa mới học cách cai quản gia đình cô dễ mắc sai sót. Và tất nhiên cô rất khó chịu khi bà mẹ chồng giàu kinh nghiệm chê bai. Trong những trường hợp như vậy, chồng không nên đứng ở vị trí trọng tài (vừa là chồng, vừa là con trai, nên càng không nên đóng vai trò đó), mà bao giờ cũng phải bênh vực vợ. Ngay cả trong trường hợp chồng thấy người đúng là mẹ, chứ không phải là vợ. Chồng phải giúp cho cô vợ trẻ tin ở bản thân cô, giúp cô khắc phục những khó khăn tạm thời, khiến cô bình tĩnh và thỏa mãn.
Không người con trai nào, dù tự lập nhất, lại tuyệt đối không phụ thuộc vào mẹ. Không bao giờ anh nói thẳng với bà những điều theo ý anh, sẽ khiến bà mếch lòng, hoặc để bà nghĩ rằng anh bênh vợ. Người con trai đứng về phía vợ rất cần gặp riêng mẹ để giải thích cho mẹ hiểu những nguyên cớ đã dẫn anh đến cách xử sự như vậy.
Nhưng cách xử sự hợp lý của người chồng vẫn chưa đủ để bảo đảm giải quyết được tất cả các vấn đề có thể xảy ra. Mọi chuyện phụ thuộc nhiều vào cô con dâu, mà tiếc thay, cô lại rất hay bất công với mẹ chồng. Con dâu trước hết dễ cho rằng mẹ chồng độc ác và lắm mồm, ngay cả khi sự thật không phải như vậy. Con dâu không thấy được mẹ chồng trước hết là người giàu kinh nghiệm và sáng suốt. Tất nhiên cũng có nhiều bà mẹ chồng khắt khe, ghen tỵ, nóng nảy, hay cáu bẳn. Các bà mẹ chồng thường mệt mỏi, bản tính đòi hỏi được quan tâm, mặc dù giống như tất cả những người có tuổi, bà lại không mềm mại lắm trong cách xử sự. Nếu người vợ trẻ đòi mẹ chồng phải thích ứng theo mình, vì tuy còn trẻ, nhưng cô có “mềm kiêu hãnh riêng” của cô, thì chẳng những cô sẽ không đạt được gì hết, mà cô còn tỏ rõ ra ngốc nghếch không thể tha thứ được. Con dâu thông minh bao giờ cũng tự thích ứng với mẹ chồng, trở thành đồng minh với bà, đôi khi thậm chí để chống lại chồng. Con đường dẫn tới trái tim mẹ chồng là con đường đi qua bản năng làm mẹ của bà. Đối với mẹ chồng, con dâu phải trở thành người con gái, quan tâm hơn và vâng lời hơn cả mẹ đẻ. Mẹ chồng nào cũng thích dạy dỗ và khuyên nhủ, bởi vậy tốt nhất con dâu không chờ, mà cô chủ động hỏi ý kiến mẹ chồng, nhờ bà giảng điều này điều nọ và làm bà hiểu rằng cô đánh giá việc chồng cô được giáo dục tốt. Bất kỳ bà mẹ nào cũng tự hào đã nuôi dạy được những đứa con giỏi giang. Đặc biệt các bà thường tự hào về con trai. Con dâu có thể nói như vậy với mẹ chồng ngay cả khi cô cho rằng bà quá chiều con trai làm con tim bà yếu đuối đi. Bạn nên nghĩ rằng bạn cũng sẽ thành mẹ, có thể bạn sẽ sinh con trai, và cũng chiều con trai như hàng triệu bà mẹ trước và sau bạn.
Cần phải học lấy sự khôn ngoan dựa trên tính bao dung. Bạn chỉ có thể bắt tay vào “cải tạo chồng khi mẹ chồng hoàn toàn đứng về phía bạn, khi chính bà yêu cầu con trai phải hoàn toàn nghe theo vợ. Con dâu không nên coi mẹ chồng là đối thủ: “cuộc đấu” như thế sẽ thất bại ngay từ khi chưa đấu. Tình yêu của người con trai đối với mẹ và tình yêu của người con trai với vợ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Sự ghen tức của hai người phụ nữ - con dâu và mẹ chồng không đem lại gì khác ngoài cảm giác bối rối và uất hận. Người chồng khốn khổ ở vào thế trên đe dưới búa. Ở đây, người nhân nhượng phải là con dâu. Chỉ có một lý do cũng đáng nhân nhượng, bà mẹ chẳng còn sống là bao, mà trong quá trình già đi và ít hứng thú đi, tình cảm yêu thương của bà đối với con trai có thể bùng lên với một sức mạnh mới. Bà sẽ hết sức đau khổ nếu bà nghĩ rằng “thằng bé” của đã bị một người đàn bà xa lạ chiếm mất và bà vĩnh viễn mất con. Bạn phải nói rõ cho bà biết rằng bạn không định cướp con trai của bà, ngược lại, bà còn được thêm bạn là con gái và bà sẽ có các cháu nối tiếp giòng dõi của bà nữa.
Những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống chung của hai thế hệ sẽ dễ giải quyết nếu không phải là con dâu, con rể, mà là con trai, con gái, nói chuyện với mẹ đẻ của mình. Các bậc cha mẹ hiểu con mình đẻ ra nhanh hơn, dễ chấp nhận và tha thứ những gì không bao giờ họ tha thứ cho con dâu hoặc con rể. Mặt khác, bậc cha mẹ cũng nên hiểu rằng họ không có quyền can thiệp vào cuộc sống riêng của đôi vợ chồng trẻ. Kiểu can thiệp như thế thì chính họ cũng không thích, hồi họ còn trẻ, muốn ở riêng với nhau, muốn làm một việc gì đó như riêng họ muốn.
Nếu đã xuất hiện một gia đình mới, thì sự đoàn kết phải trở thành điều kiện đầu tiên và chủ yếu để nó tồn tại được. Đoàn kết cả bên trong gia đình trẻ, cả trong quan hệ với bố mẹ. Không nên vì sự thanh thản của bên này mà làm ngơ bên kia. Không phủ nhận quyền của bố mẹ được tham gia vào niềm vui của đôi trẻ và được giải quyết các vấn đề của con cái. Trong mọi việc, phải có ý thức mức độ một cách hợp lý.
Các ông bố bà mẹ, nhất là khi đã nghỉ hưu, thường có một thứ mà các bạn trẻ luôn thiếu: đó là thời gian. Ông bà có thể dành cho các cháu số thời gian nhiều hơn so với bố mẹ chúng. Trong những gia đình bố mẹ giáo dục con cái một cách nghiêm khắc, sự mềm mại của ông bà sẽ không có hại gì, nên đừng “ngại” sự mềm mại ấy.
Nhưng nếu đôi vợ chồng trẻ trút hết trách nhiệm dạy dỗ con cái cho ông bà, đồng thời bà lại còn phải nội trợ, thì họ đã đánh giá quá cao sức lực của những người có tuổi. Đòi hỏi quá cao đối với cha mẹ đã không phù hợp với lứa tuổi, còn mau chóng nảy sinh cảm giác mệt mỏi, mà sự mệt mỏi lại khiến tâm trạng của “các cụ” thất thường, nói nhiều. Rốt cuộc bầu không khí trong nhà căng thẳng vì mọi người không hài lòng vì nhau, có khi đến cả đôi vợ chồng trẻ, cả những người có tuổi đều không chịu được. Những điều lúc đầu ông bố bà mẹ làm một cách vui sướng, bây giờ thành gánh nặng quá sức đối với họ, họ muốn thoát nhưng không thoát ra được. Một lần nữa chúng tôi xin nói rằng ngăn chặn các xung đột dễ hơn là sau này cố hàn gắn những gì đã vỡ.