Tài liệu: Gioocđanô Brunô

Tài liệu
Gioocđanô Brunô

Nội dung

GIOOCĐANÔ BRUNÔ

 

Brunô không phải nhà thiên văn học: ông không tiến hành các cuộc quan sát thiên thể và không tham gia các công việc tính toán. Nhưng dù sao ý nghĩa các công trình và tư tưởng của ông trong thiên văn học, cũng như trong tự nhiên học nói chung là rất lớn. Đúng vậy, toàn bộ lịch sử loài người sẽ trở nên nghèo nàn hơn nếu như không có số phận của con người này. Một nhà triết học, nhà tư tưởng, người tạo lập bức tranh vũ trụ quan mới rất đỗi táo bạo vào thời bấy giờ, người có quan điểm tư tưởng khác biệt và thậm chí là nổi loạn, trong sự nghiệp phục vụ chân lý, một người không biết đến sự khoan nhượng…

Philippô - tên do nhà thờ ban cho cậu bé trong lễ đặt tên thánh - sinh năm 1548 tại thị trấn Nôla gần Napôli, trong một gia đình quý tộc không mấy giàu có đang phục vụ trong quân đội. Suốt cuộc đời ông luôn tự cho mình là “người Nôla”, còn triết học của mình ông gọi là triết học “Nôla”, chính bằng cách đó ông đã làm cho thành phố nhỏ bé này trở nên nổi tiếng. Năm 17 tuổi Brunô trở thành tu sĩ của tu viện Công giáo thuộc dòng tu Đôminicanh (Đa Minh). Tại đây ông có một cái tên mới là Gioocđanô.

Tại tu viện, vị tu sĩ trẻ tuổi này đã nhận được một nền học vấn tốt. Gioocđanô được triệu đến La Mã để yết kiến Giáo hoàng Pie V. Tuy nhiên con đường công danh trong giáo hội không phải dành cho ông.

Bị quy tội tà đạo, chàng trai Gioocđanô 28 tuổi phải chạy trốn sang Giơnevơ (Thuỵ Sỹ). Các cuộc bôn ba đi khắp châu Âu kéo dài nhiều năm của nhà bác học đã bắt đầu như vậy.

Ở Luân Đôn năm 1584, Brunô xuất bản bằng tiếng Italia (ngôn ngữ khoa học phổ thông được thừa nhận thời đó vẫn là tiếng Latinh), tác phẩm “Về sự vô tận, vũ trụ và các thế giới”, một công trình đã làm rạng danh ông trong nhiều thế kỷ. Theo tập quán thời đó, cuốn sách được viết dưới dạng đối thoại với một số người tham gia và trình bày các quan điểm khác nhau.

Gioocđanô Bruno kiên quyết lên tiếng bảo vệ học thuyết Côpecnic, cái điều mà tự bản thân nó đã là một hành động xấc xược, thế nhưng ông không dừng lại ở đó “Vũ trụ là vô tận” - ông nói. Vũ trụ không có và không thể có một trung tâm duy nhất nào cả. Côpecnic cũng như tất cả các nhà thiên văn trước đó đều nghĩ rằng Vũ Trụ bị bao bọc bởi cầu thể của các sao bất động”. Brunô đã đưa ra một tư tưởng cách mạng: các ngôi sao là những mặt trời khác ở cách xa chúng ta những khoảng cách lớn và khác nhau. Trên bầu trời là vô số các ngôi sao, các chòm sao, các mặt trời và các trái đất mà mọi người đều cảm nhận được; bằng trí tuệ chúng ta kết luận về số lượng vô tận của các thiên thể khác nữa. Như vậy, ngoài các thiên thể có thể nhìn thấy được, còn rất nhiều các vật thể vũ trụ mà chúng ta chưa biết. Các mặt trời - sao cũng có các hệ thống hành tinh quay xung quanh giống như hành tinh của chúng ta. Các hành tinh khác với các sao là không phải tự phát sáng, mà là do phản xạ ánh sáng chiếu vào chúng. Mặt Trời cũng như các hành tinh đều quay quanh trục của nó - chuyển động phổ quát là quy luật của Vũ Trụ. Trong hệ Mặt Trời ngoài sáu hành tinh chúng ta đã biết thì còn các hành tinh khác chúng ta không nhìn thấy được bằng mắt thường vì ở quá xa chúng ta.

Các thế giới - các hành tinh và các mặt trời - nằm trong sự biến đổi và phát triển vĩnh cửu, sinh ra và cũng chết đi. Cả bề mặt Trái Đất cũng thay đổi. Trong khoảng thời gian dài “biển cả biến thành lục địa, và lục địa biến thành biển cả”. Cuối cùng sự sống không chỉ tồn tại trên Trái Đất, nó có rải rác khắp Vũ Trụ, các hình thái của nó đa dạng, phong phú vô cùng, và điều kiện sống trên các hành tinh khác cũng nhiều màu vẻ. Cuộc sống trong Vũ Trụ chắc chắn sẽ nảy sinh cả trí tuệ. Tuy nhiên những sinh vật có trí tuệ của các hành tinh khác không nhất thiết phải giống con người - bởi vì Vũ Trụ vô tận. Trong đó có chỗ cho tất cả hình thái tồn tại.

Thời đó những tư tưởng này dường như là viển vông hoang tưởng. Chúng đã phá tan bức tranh thế giới vốn rất phổ biến và quen thuộc đối với những người đương thời.

Brunô khẳng định: nếu nghĩ Vũ Trụ là hữu hạn, khép kín có nghĩa là xúc phạm quyền lực vô biên của Chúa Trời - Đấng Sáng Tạo. Ngài có khả năng và phải tạo ra sự vô tận.

“Viện sĩ hàn lâm không có Viện Hàn lâm”, Brunô đã gọi mình như vậy. Ông cố gắng giảng dạy ở các trường đại học, và mặc dù thành công trên giảng đường ông vẫn phải rời bỏ hết chỗ này đến chỗ khác vì có nguy cơ bị truy nã từ phía các giới quyền thế. Tuy vậy ông vẫn tiếp tục viết và xuất bản những cuốn sách mới.

Năm 1592, Gioocđanô trở về tổ quốc. Ông dừng lại ở Vơnidơ (Venezia), tại nhà một người dân thành phố thuộc tầng lớp quý tộc tên là Giôvanni Môxenigô vì ông này đang nhờ Brunô dạy cho các môn khoa học. Môxenigô tin rằng vị khách bác học của mình có thể biến những hòn đá thành vàng bạc, nhưng khi nhà bác học không dạy ông ta “bí quyết” đó, ông ta đã tức giận và tố giác Brunô với Toà án Giáo hội. Khi biết tin Brunô bị bắt, Giáo hoàng La Mã Clement VII đã yêu cầu nước cộng hoà độc lập Vơnidơ giao Brunô cho mình. Chính quyền toà án Vơnidơ đã nhận xét tư cách đạo đức của người tù như sau: “Ông ta đã phạm một tội ác kinh khủng nhất liên quan đến tà giáo, nhưng đây là một trong những thiên tài kiệt xuất và hiếm hoi nhất mà ta có thể hình dung được. Ông ta có những hiểu biết phi thường và đã tạo lập ra một học thuyết tuyệt vời”. Tuy vậy, năm 1593 Brunô vẫn bị giao cho chính quyền của Giáo hội La Mã.

Brunô đã bị giam trong nhà tù của Toà án Giáo hội nhiều năm. Người ta yêu cầu ông từ bỏ học thuyết “tà giáo”. Trong các cuộc thẩm vấn ông đã tỏ ra dũng cảm hiếm thấy và đàng hoàng, công khai bảo vệ quan điểm của mình. “Tôi không trực tiếp dạy mọi người điều gì mâu thuẫn với Cơ đốc giáo, mặc dù bằng cách gián tiếp tôi phát biểu chống lại . . .” - tuyên bố một điều như vậy trước mặt dự thẩm viên của Toà án Giáo hội là một sự kiện chưa từng xảy ra.

Bản án tử hình Brunô được thi hành vào ngày 8-2-1600. “Có lẽ là các ngài khi tuyên án tôi còn run sợ hơn tôi khi nghe bản án! - bị cáo nói và bổ sung thêm - Gioocdano_Bruno nghĩa là bác bỏ được”. Ngày 17-2-1600 theo lệnh của Toà án Giáo hội, Brunô đã bị thiêu sống trên giàn lửa trên Quảng trường Hoa tại La Mã.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/374-02-633325588937587500/Gioocdano-Bruno/Gioocdano-Bruno.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận