Tài liệu: Thời đại phục hưng trong thiên văn học Purbach và Regiômôntan

Tài liệu
Thời đại phục hưng trong thiên văn học Purbach và Regiômôntan

Nội dung

THỜI ĐẠI PHỤC HƯNG TRONG THIÊN VĂN HỌC: PURBACH VÀ REGIÔMÔNTAN

 

Vào thế kỷ thứ XV - XVI, chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Hy - La Cổ đại, ở châu Âu bắt đầu một thời kỳ hưng thịnh chưa từng có của văn học, hội họa, điêu khắc và khoa học. Những bóng ma của thời trung cổ chỉ còn lởn vởn trước những hình tượng sáng chói của nền văn minh Hy Lạp. Kỹ thuật in và nghệ thuật chạm khắc đã thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi các kiến thức thời Hy - La cổ đại đang được hồi sinh (đúng hơn đã có phần kiến thức mới của châu Âu). Lêônacđô đa Vinxi(tức Lêôna đờ Vanhxi), Raphaen, Đantê, Torquat Tatxô, Giôttô - đó là một số tên tuổi trong số những thiên tài của thời đại bấy giờ, một thời đại rất cần có những bậc vĩ nhân trong khoa học và đã sinh ra họ.

Các nhà thiên văn học châu Âu của thời Phục Hưng sẽ phải khám phá lại những gì của người Hy Lạp? Có thể nói không một chút phóng đại rằng chính thế giới cổ đại Hy Lạp đã đặt cơ sở cho phương pháp luận khoa học làm thay đổi tiến trình lịch sử loài người. Sự tự do tư tưởng và trí tuệ của các nhà bác học Hy Lạp cổ đại, việc kiểm nghiệm các giả thuyết tưởng tượng bằng lý thuyết hình học Ơclit, các cuộc tranh luận khoa học thường kết thúc bằng những bữa tiệc thân ái chứ không phải bằng việc đưa nhau ra toà - tất cả những sự việc đó phải rất lâu sau đó mới trở nên hiện thực đối với nền khoa học châu Âu.

Tuy nhiên, hồi đó những người châu Âu lại không nghĩ như vậy. Họ thấy rằng nhiệm vụ của mình là phải nắm được các thành tựu của nền khoa học Hy Lạp cổ đại. Việc trước mắt là phải bắt đầu từ cuốn “Almagest” độc nhất vô nhị mà tên gọi của nó đã có nghĩa là “Vĩ đại nhất”.

Các nhà khoa học thiên văn thời Phục Hưng châu Âu đã có bản dịch tiếng La Tinh cuốn “Almagest” từ bản dịch tiếng Arập. Tổng Latinh thời đó và cả sau này là ngôn ngữ thông dụng của khoa học châu Âu. Côpecnic, Keple, Niutơn và cả Lômônôxôp đều viết bằng ngôn ngữ này. Văn hoá Arập đã đóng một vai trò quan trọng trong nền văn minh của chúng ta, là mắt xích liên kết giữa Hy Lạp cổ đại và thời Phục hưng. Biruni ibn - Xina, ax – Xuphi, Ulugbêc, Khôredơmi không chỉ gìn giữ di sản khoa học cổ đại mờ còn phát huy bổ sung nó.

Tuy nhiên, đã không có được bản dịch chất lượng cuốn “Almagest” sang tiếng Latinh qua tiếng Arập. Bởi vì trong khi dịch một văn bản khoa học phức tạp thì điều cần thiết là người dịch không chỉ phải biết ngoại ngữ giỏi mà còn phải là một chuyên gia về chủ đề của bản dịch.

Do đó, vào đầu thế kỷ XV Đối với nền khoa học thiên văn châu Âu thì nhu cầu cấp bách là phải có được bản dịch của cuốn “Almagest” do một chuyên gia thiên văn thực hiện trực tiếp từ tiếng Hy Lạp cổ sang tiếng Latinh. Nhiệm vụ này đã được hai nhà thiên văn thực hiện với sự giúp đỡ của một Hồng y giáo chủ có học vấn.

lôhan Muylơ sinh năm 1436 tại Cônigxbec (Konigsberg), một thị trấn nhỏ ở Bayern (tức Bavaria) hồi đó. Từ họ của ông có thể suy ra rằng ông xuất thân từ một gia đình thợ xây. Khi còn đi học ông đã bộc lộ những năng khiếu đặc biệt và vào năm 11 tuổi ông đã trở thành sinh viên Trường Tổng hợp Laixich. Sau khi ở Laixich (Leipzig) được gần 3 năm, lôhan chuyển đến sống ở Viên, nơi người ta dạy môn toán tốt hơn ở Laixich.

 

 

Người thầy đầu tiên của ông ở đấy là Ghêoocgơ Purbach (1423 - 1461), nhà thiên văn học lỗi lạc thời bấy giờ và là một giảng viên xuất sắc. Ông nhận ra ngay trong cậu sinh viên trẻ tuổi này một con người tài năng. Purbach không chỉ là một vị giáo Sư mà còn là một người rèn cặp Muylơ. Ông mất khi còn khá trẻ, nhưng đã nhận được từ cậu học trò của mình một lời hứa là sẽ dịch trực tiếp cuốn “Almagest”. Chàng thanh niên Muylo xuất thân từ Konigxbec đã

 

 

 chọn cho mình một biệt danh là Rêgiômôntan (Regiomontanus = regio + montanus, tiếng Latinh có nghĩa là “Núi Vua” dịch nghĩa của từ tiếng Đức Konigsberg) và đã thực hiện một cách thành kính lời hứa với người thầy của mình.

Vị thạc sĩ trẻ tuổi lôhan sống ở Viên, quan sát Mặt Trăng và các hành tinh, soạn ra các cuốn lịch và xuất bản luận văn cổ về toán học. Song công việc chủ yếu vẫn là “Almagest”.

Năm 1453 người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Cônxtantinôpôn và đế chế Bidăngtin bị diệt vong. Một số người chạy loạn, để cứu những thứ có giá trị nhất mà họ có là những cuốn sách, họ đã chạy sang nước Italia. Ở châu Âu người ta cảm thấy có một hiểm hoạ đang lơ lửng trên đầu và họ đã tổ chức một cuộc thập tự chinh chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Người đóng vai trò quan trọng trong cuộc thập tự chinh này là một nhà chính trị của Giáo hội thời đó: Hồng y giáo chủ Vitxariôn, xuất thân là người Bidăngtin.

 

 

Là con trai của một gia đình bình dân, Vitxariôn năm 35 tuổi đã trở thành Tổng giám mục. Sau khi đã cố gắng liên kết nhà thờ Thiên Chúa giáo (Công giáo) với nhà thờ Chính Thống giáo nhưng thất bại, ông đã trở thành người sống lưu vong. Sau khi chuyển sang đạo Thiên Chúa, ông trở thành Hồng y giáo chủ. Vitxariôn dịch các tác phẩm của Thêôphraxtơ và Platôn, sưu tầm các cuốn sách của xứ sở Bidăngtin đãđược cất giấu, góp phần tác thành cuộc hôn nhân giữa Đại vương công Matxcơva Ivan III với Công chúa Bidăngtin là Dôia Palêôlôc. Toàn bộ sự việc này nằm trong mưu toan bất thành là lấy lại Cônxtantinôpôn từ tay những kẻ phản đạo. Chính với mục đích này mà mùa xuân 1461 ông đã xuất hiện ở Viên. Vitxariôn đã nhanh chóng làm quen với Purbach và Regiômôntan. Ông tặng họ một món quà vô giá, là bản tiếng Hy Lạp cuốn sách “Almagest” và đề nghị được cùng họ sang Italia để hoàn thiện tiếng Hy Lạp. Không ngờ Purbach lâm bệnh và mất, thế là chỉ còn học trò của ông đi Rôma (tức La Mã) trong đoàn hộ giá Hồng y giáo chủ.

Mùa thu năm 1461 Regiômôntan vĩnh viễn rời khỏi Viên. Chỉ đến năm 1496, tức 35 năm sau, bản dịch rút gọn cuốn “Almagest” dưới dạng giáo trình mới được ra mắt bạn đọc. Ở Rôma lôhan học tiếng Hy Lạp giúp Vitxariôn bổ sung sách cho thư viện soạn sách “Epitome” (tiếng Hy Lạp có nghĩa là: “Lược thuật”), tóm tắt các tác phẩm của Ptôlêmê và viết tác phẩm chính của mình nhan đề “Năm cuốn sách về các loại hình tam giác”. Trong số khách khứa của vị Hồng y giáo chủ có các nhà khai sáng Italia thậm chí có cả những người xuất thân từ Bidăngtin, trong đó có cả một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp tên là Ghêoocghi xứ Trêbidôn, là người dịch cuốn “Almagest” sang tiếng La tinh. Quyển sách dịch tồi đến nỗi Rêgiômôntan đã viết cả một cuốn sách để phê phán.

 

 

Hai năm sau Rêgiômôntan tháp tùng Vitxariôn đến Vơnidơ, tại đây Vitxariôn đã thuyết phục được nước Cộng hoà hùng mạnh này tuyên chiến với người Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đấy người ta cũng đâu hiểu rằng thế lực mới kia đã phong toả con đường tơ lụa lớn một con đường mang đến cho thành phố Vơnidơ những khoản thu nhập kỳ diệu. Regiômôntan đã tiếp xúc với những người Hy Lạp ở Vơnidơ mua sách ở chỗ họ cho thư viện của Hồng y giáo chủ. Sau này Vitxariôn đã hiến tặng thư viện này cho Vơnidơ.

Năm 1467 Rêgiômôntan đã ở Hunggari và tại đây ông lại giúp vị vua có học vấn Matiaso Korovin tập hợp sách cho thư viện. Tuy vậy, bốn năm sau ông lại phải rời khỏi Hunggari do tình hình loạn lạc mới bùng lên không thuận lợi cho hoạt động khoa học của Rêgiômôntan. Năm 1471 ông lên đường tới Nuyrơnbec (Đức).

 

 

Cuối thế kỷ thử XV và cả sau này Nuyrơnbec (Nurnberg) là một thành phố buôn bán phồn vinh. Giới thượng lưu của thành phố đã đỡ đầu khoa học và nghệ thuật (thí dụ họa sĩ tài năng Anbrêch Đuyrơ đã lớn lên ở đây). Tình hình chính trị ở đấy rất ổn định. Điều đó đã cho phép Rêgiômôntan nghĩ đến việc thực hiện những dự định của mình.

Các dự án này thì rất rộng lớn. Đầu tiên Rêgiômôntan muốn tổ chức chế tạo ra các dụng cụ thiên văn bằng kim loại, chuẩn xác hơn các dụng cụ bằng gỗ. Với những dụng cụ như vậy có thể tổ chức các cuộc quan trắc có hệ thống, thu nhận được những dữ liệu để xây dựng các lý thuyết thiên văn mới và hoàn chỉnh hơn. Rêgiômôntan cũng cần phải có một xưởng in để in các công trình của mình, cũng như các tác phẩm quan trọng nhất của các nhà thiên văn kinh điển. “Cần phải loại hết các lỗi in sai và các chữ viết nhầm trong các ấn phẩm - đó là kẻ thù của chân lý, vì chúng mà các tác phẩm ưu tú bị mất giá trị”; quả thực hồi đó có khá nhiều lỗi sai và chữ viết nhầm vì phải chép đi chép lại nhiều lần. Ông có ý định sẽ in 29 cuốn sách kinh điển. Việc đầu tiên là Rêgiômôntan xuất bản tập bài giảng của người thầy của mình là Purbach với nhan đề “Lý thuyết mới về các hành tinh”.

Trong kế hoạch phát triển thiên văn học Rêgiômôntan đã nhận thấy trưóc các công việc mà một trăm năm sau Tychô Brahê đã thực hiện khi thành lập đài thiên văn Uraniborg mà các cuộc quan trắc trong đó đã đưa đến việc phát minh ra các định luật của Keple.

Regiômôntan đã tận dụng sự ủng hộ của các quý tộc ở Nuyrơnbec: một người trong số các quý tộc này là Becnơhac Vanthơ (Bernhard Walther) đã trợ cấp cho các công việc khởi đầu của ông và tự mình thực hiện các cuộc quan trắc bằng dụng cụ mới. Bằng cách đó ông này đã được ghi vào lịch sử thiên văn học.

Năm 1474 Regiômôntan xuất bản tác phẩm “Ephemerides” nổi tiếng (xuất xứ từ ephemeros tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hàng ngày”, tức là lịch biểu thiên văn ghi vị trí của các ngôi sao cho từng ngày, từ năm 1475 đến hết năm 1506, bao gồm khoảng gần 300000 con số có nhiều chữ số. Những bảng biểu này đã được những người hoa tiêu của đoàn thám hiểm Côlông sử dụng.

Giáo hoàng đã mời Regiômôntan tham gia vào việc cải cách lịch. Mùa thu năm 1475 ông đến La Mã nhưng tháng sáu năm 1476 ông đột ngột qua đời. Có tin đồn rằng ông bị các con trai của Ghêoocghi xứ Trêbidôn đầu độc. Hai mươi năm sau cuốn sách “Epitome” của ông mới được xuân bản. Tên tuổi của các nhà bác học Purbach, Vitxariôn và Regiômôntan đã được lưu lại muôn đời trong tên gọi của các núi miệng phễu ở phía nhìn thấy được của Mặt Trăng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/373-02-633325397605087500/Thoi-dai-Phuc-Hung-trong-thien-van-hoc-Pur...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận