RƠNÊ ĐÊCAC, HAY LÀ Ý ĐỊNH ĐẦU TIÊN DUNG HÒA CÁC TƯ TƯỞNG CỦA GALILÊ VÀ KEPLE
Người đầu tiên bắt tay vào việc kết nối tư tưởng của một nhà vật lý lỗi lạc nhất nước Italia và một nhà thiên văn hàng đầu của nước Đức chính là nhà triết học kiệt xuất người Pháp, Rơne Đềcac. Đềcac đã chính xác hoá định luật quán tính của Galilê. Một vật không bị một lực nào tác động, sẽ chuyển động đều và thẳng, chứ không phải theo đường tròn. Galilê thì cho rằng cả con tàu đi vòng hành tinh của chúng ta lẫn Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất đều chuyển động đều theo quán tính mà không cần sự nỗ lực nào. Đềcac lại thấy rằng sự quay của các hành tinh là chuyển động có sự tham gia của lực và là chuyển động có gia tốc. Nhưng ông chưa thể tính được giá trị của gia tốc hướng tâm. Sau Keple, Đềcac đã cho rằng: các hành tinh xử sự như thể có lực hút của Mặt Trời. Mặt Trăng chuyển động như thể có trọng lực chi phối nó, giống như các vật thể rơi. Tuy nhiên, cùng với Galilê, Đềcac cũng không thừa nhận các “bản chất ẩn” mà không thể giải thích được bằng cơ học, kiểu như sự hấp dẫn tác động qua chân không. Để giải thích hiện tượng hút, ông đã tạo ra một cơ cấu Vũ Trụ trong đó mọi vật đều chuyển sang trạng thái chuyển động bằng các cú hích.
Thế giới của Đềcac chứa đầy vật chất vô hình vô cùng nhỏ. Do mất khả năng chuyển động không bị cản trở, tức là chuyển động đều, các dòng trong suốt của môi trường vật chất này đã tạo ra trong không gian các hệ luồng xoáy lớn nhỏ. Các luồng xoáy cuốn theo các phần tử lớn hơn, có thể nhìn thấy được của vật chất thông thường và tạo nên vòng tuần hoàn của các thiên thể. Chính các luồng xoáy này nặn ra các thiên thể và làm chúng quay theo quỹ đạo.
Còn Trái Đất ở trong một luồng xoáy nhỏ. Sự quay tròn có xu hướng kéo theo luồng xoáy trong suốt từ phía ngoài. Trong quá trình ấy các phần tử của luồng xoáy ép dồn các vật nhìn thấy được về phía Trái Đất, giống như luồng nước xoáy trong cốc nước dồn các mẩu bã chè vào tâm. Theo Đềcac, đó chính là sự hấp dẫn.
Hệ thống Đềcac là ý định đầu tiên bằng cơ học mô tả nguồn gốc hệ Mặt Trời mà không viện đến phép màu hoặc thần thánh, giải thích thuần tuý bằng khoa học các quy luật của hệ ấy, như việc các hành tinh quay theo một hướng và trong một mặt phẳng và chuyển động hoà hợp của chúng. Nó trở nên được ưa chuộng khác thường vì sự đơn giản và dễ hiểu. “Nhưng trong khoa học - Vônte nói - không nên cứ tin vào điều gì có vẻ rất dễ hiểu, cũng như vào điều gì không hiểu được”.
Chàng thanh niên Niutơn đã suy nghĩ về những tư tưởng của Đềcac. Anh đã chứng tỏ rằng luồng xoáy gần Trái Đất phải mất đi chuyển động của nó, rằng cột áp hùng hậu của nó sẽ tác động lên các vật Trái Đất không chỉ theo hướng từ trên xuống dưới (nó sẽ làm chúng dạt sang một bên không trùng với hướng này, tới tâm Trái Đất). Cái chính là những luồng xoáy của Đềcac không thể phù hợp với các định luật Keple: các hành tinh trong thế giới của các luồng xoáy không thể chuyển động bền vững theo các đường elip và tốc độ của chúng sẽ phải khác.
Niutơn đã lấy sao chổi làm ví dụ cho các thiên thể “lang thang” gần Mặt Trời theo bất kỳ hướng vào, kể cả hướng ngược lại với chuyển động của các hành tinh. Niutơn đã trả không gian về lại với sự đơn giản Đềcac đã xua đuổi. Thật là một tiểu thuyết viễn tưởng hết sức thông minh!” - Vônte đã nhận xét về Vũ Trụ của Đềcac sau khi ông đọc bản án kết liễu nó của nhà vật lý người Anh Niutơn”.