Tài liệu: Praha

Tài liệu
Praha

Nội dung

PRAHA

 

Năm 1597 Crixtian IV lên ngôi vua Đan Mạch. Coi thiên văn học chỉ là trò dông dài, tốn tiền, nhà vua đã ngừng cấp kinh phí cho đài thiên văn của Brahê. Ngày 29 tháng tư, nhà thiên văn học cùng gia đình và các cộng sự vĩnh viễn rời khỏi đảo Hven. Trên tàu chất đầy các dụng cụ, thiết bị in sách vở, và chủ yếu là các nhật ký quan sát vô giá. Vị vua mới đã nói cho Brahê hiểu rằng, nhà vua không muốn nhìn thấy Brahê trên đất Đan Mạch. Brahê cùng với những người thân cận dừng lại không lâu ở chỗ bạn bè gần Hambuốc. Ở đấy ông đã cho xuất bản quyển sách nổi tiếng “Cơ học của thiên văn học đổi mới”, trong đó mô tả tỉ mỉ các dụng cụ do ông chế tạo.

Phađây Haiec, người mà Brahê đã làm quen tại lễ đăng quang của hoàng đế Ruđônpho II, đã thuyết phục vị Hoàng đế này đón nhận nhà thiên văn học. Vào mùa xuân năm sau lời đề nghị đã được chấp thuận và Brahê đã lên đường đi Praha, thời đó là kinh đô của đế quốc La Mã thần thánh. Đó là thời kỳ khó khăn đối với nhà bác học. Đã quen được quan tâm, chú ý và ủng hộ dưới thời Vua Phriđrich, bây giờ ông buộc phải va chạm với các quan chức, những người có thái độ đối xử với nhà bác học không tốt hơn vua Crixtian của Đan Mạch. Đầu tiên Brahê cố gắng thu xếp nơi ăn chốn ở tại lâu đài Bênatêc ở ngoại ô Praha, sau đó đài thiên văn của ông được chuyển đến Gơrat (khu thành) của Praha.

 


Tháng hai năm 1600 đã diễn ra một cuộc gặp mặt đáng ghi nhớ giữa Tychô Brahê và Iôhan Keple. Brahê biết Keple qua cuốn sách “Bí mật vũ trụ học mô tả”, viết về việc tìm kiếm sự hài hoà toán học trong cấu tạo của hệ Mặt Trời. Nội dung cuốn sách không hấp dẫn Brahê, nhưng trong đó ông cảm thấy toát lên một tài năng toán học và trí thông minh linh lợi của tác giả. Keple ngày ấy 27 tuổi, giảng dạy tại một trường trung học ở Gratxơ (Graz), nơi những người theo đạo Tin Lành bị xua đuổi, khiến Keple đang đi tìm một nơi làm việc mới. Năm 1600, Brahê đã nhận Keple làm trợ lý cho mình và giao cho Keple công việc chỉnh lý các số liệu quan trắc sao Hoả. Ít lâu sau, do Keple là một con người có tính khí cáu bẳn và đa cảm giữa họ đã xảy ra một cuộc tranh cãi nặng nề. Sau khi trút lên đầu nhà bác học già nua mọi lời trách móc vô lý, Keple đi khỏi Bênatec đến Praha. Tại đấy khi cơn nóng giân đã dịu bớt, Keple đã gửi cho Brahê một bức thư ăn năn hối hận. Và ở đây Tychô Brahê đã tỏ ra sáng suốt và biết kiềm chế. Nhà bác học lừng danh nhất châu Âu lại là một nhà quý tộc kiêu hãnh và rất tự trọng đã hoàn toàn tha thứ cho một thầy giáo trẻ, tứ cố vô thân. Brahê đã tự mình lên đường sang Praha giảng hoà với Keple. Từ đó trong quan hệ của họ không còn điều gì phải ưu phiền nữa. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai nhà khoa học vĩ đại kéo dài không được bao lâu.

Ngày 24- 10- 1601, sau một trận ốm không kéo dài, Tychô Brahê qua đời. Hoàng đế đã cho tổ chức lễ mai táng ông rất trọng thể. Keple được nhận tước vị Nhà toán học số một của hoàng đế. Ông bỏ ra nhiều năm để chỉnh lý các số liệu quan trắc thiên văn của Brahê (một phần nào đó cũng là di huấn của Brahê). Kết quả là Keple đã khám phá ra các định luật chuyển động của các hành tinh. Sau này, Niutơn đã áp dụng các định luật của Keple để chứng minh tính đúng đắn của định luật vạn vật hấp dẫn. Các cuộc quan trắc thiên văn của Brahê có vẻ như là những trò giải trí hão huyền đối với những người cùng thời trong giới quan lại, đã trở thành nền tảng để xây dựng học thuyết hiện đại về sự hấp dẫn vũ trụ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/369-02-633325519885556250/Tycho-Brahe/Praha.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận