“VỀ CHUYỂN ĐỘNG QUAY CỦA CÁC THIÊN CẦU”
Dường như công việc đã xong, giả thiết mới về cấu tạo thế giới đã sẵn sàng, chỉ còn một việc là công bố nó. Khoảng năm 1515 xuất hiện tác phẩm viết tay của Côpecnic “Nhận xét nhỏ về các giả thuyết liên quan đến chuyển động của các thiên thể”. Thật ra, ở đây ông không đưa ra những chứng cứ toán học mà chỉ nhận xét rằng “những chứng cứ dành cho một tác phẩm to lớn hơn”. Đó là tác phẩm “Về chuyển động quay của các thiên cầu” gồm sáu tập chiếm mất hơn 20 năm lao động miệt mài của ông. Nhà thiên văn cho rằng việc nghiên cứu các giả thuyết cần được đưa về những con số và hơn thế nữa, đến những bảng số để bằng những số liệu mà ta thu được, có thể đối chiếu với những chuyển động thực tế của các thiên thể.
Ở phần đầu cuốn sách Côpecnic noi theo Ptôlêmê đã trình bày luận điểm cơ bản của các phép tính góc trên mặt phẳng và chủ yếu là trên mặt cầu liên quan tới lượng giác cầu ở đây với vai trò một nhà toán học và một người tính toán kiệt xuất, ông đã đóng góp cho lĩnh vực khoa học này rất nhiều. Côpecnic đưa ra một bảng sin (tuy chưa dùng thuật ngữ này) với các bước bằng l0 phút góc. Song, đó chỉ là một khâu trích trong những bảng lớn hơn và chính xác hơn mà ông đã dùng để tính toán. Một bước của các bảng sin lớn này là 1 phút góc, còn độ chính xác là bảy chữ số thập phân. Để có các bảng này Côpecnic đã phải tính 324000 trị số. Phần này của tác phẩm và các bảng chi tiết sau này được xuất bản thành quyển sách riêng.
Cuốn sách “Về chuyển động quay” bao gồm những mô tả các dụng cụ thiên văn và một danh mục sao (định tinh) mới và chính xác hơn của Ptôlêmê. Trong cuốn sách này ông đã phân tích chuyển động biểu kiến của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh.
Vì chỉ áp dụng các chuyển động tròn đều nên ông phải tốn nhiều công sức để tìm kiếm sự tương quan thích hợp các kích thước của hệ thống, nhờ đó có thể mô tả chuyển động của các thiên thể quan sát được. Sau tất cả những cố gắng, hệ thống nhật tâm của ông có độ chính xác nhiều hơn không bao nhiêu so với hệ thống của Ptôlêmê. Chỉ có Keple và Niutơn sau này mới có thể làm cho hệ thống đó chính xác hơn.