NHÀ THƠ VĨ ĐẠI NHẤT TRONG CÁC NHÀ THIÊN VĂN
Trái tim tôi
Luôn khát khao đi tìm kiến thức
Có bí ẩn nào trên đời
Mà tôi chưa được biết
Bảy hai năm đằng đẵng cuộc đời tôi
Suốt đêm ngày suy tư
Đến hôm nay, mới rõ
Tôi chưa biết được gì.
Ômarơ Khaiam (Omar Khayyam)
Ngày 18 tháng 5 năm 1048, năm mà Biruni mất thì nhà thơ lỗi lạc và là nhà bác học của thế giới Arập Ghiaxatđin Abu-al Phat ibn lbrahim Ômarơ Khaiam ra đời. Ông đã bắt đầu và kết thúc cuộc đời rất thọ của mình (ông mất sau năm 1122) tại thành phố Nisapua ở Ba Tư. Ông đã làm việc trong các trung tâm khoa học và văn hoá lớn nhất ở Trung Á: Bankhơ, Xamaccan, Ixphahan, Bukharơ, những nơi mà tên tuổi ông đã được biết đến như một nhà toán học vĩ đại. Các vua chúa phương Đông tranh nhau mời ông vào triều đình của mình. Quốc vương Bukhara, để tỏ lòng kính trọng cao nhất, đã mời ông ngồi lên ngai vàng bên cạnh mình để nói chuyện. Tại kinh đô Ixphahan của vương quốc Xenđơgiukit hùng mạnh (Iran), Khaiam cũng đã sống rất có hiệu quả 18 năm. Ông là người thân cận của quốc vương, song đã từ chối đảm nhận việc cai quản thành phố Nisapua quê hương ông.
Khaiam nói: “Tôi không muốn cai trị con người, ra lệnh hay cấm đoán, mà chỉ muốn hiến thân cho khoa học, cho con người”. Trưởng giáo đạo Hồi vùng Khôraxan, bậc học giả uyên bác nhất thế kỷ, người tinh thông lẽ phải, ông vua triết học phương Đông và phương Tây - đó là danh mục chứa đầy đủ các tước vị người ta đặt cho Ômarơ Khaiam khi ông đang ở đỉnh cao của vinh quang.
Trong toán học, Ômarơ Khaiam đã cho lời giải phương trình bậc ba dưới dạng hình học và sau khi nghiên cứu tác phẩm của Ơclit, ông đã đưa ra lý thuyết độc đáo về những đường song song. Ở Ixphahan quốc vương giao cho Ômarơ Khaiam điều hành một đài thiên văn lớn nhất hồi đó, nơi trong nhiều năm ông đã liên tục quan sát bầu trời. Kết quả tuyệt vời của các cuộc quan sát là sự ra đời của cuốn lịch mặt trời (dương lịch) mới do Ômarơ Khaiam biên soạn vào năm 1079 và 700 năm sau vẫn được Pie Laplaxơ cho là cuốn lịch chính xác nhất. Cơ sở của cuốn lịch đó là chu kỳ 33 năm đặt các năm nhuận: trong 33 năm đó thì có 8 năm nhuận (366 ngày). Năm bắt đầu từ tiết xuân phân tức là phù hợp với tiết trời và các công việc đồng áng. Các tháng mùa xuân và mùa hè của năm như thế kéo dài 31 ngày, tất cả các tháng của nửa năm còn lại có 30 ngày. Các năm bình thường thì tháng cuối cùng có 29 ngày. Sự sai lệch trong cuốn lịch của Ômarơ Khaiam được tích luỹ lại trong vòng 5 nghìn năm mới đạt tới một ngày đêm. Cuốn lịch đã được sử dụng một cách công hiệu ở Iran gần 1000 năm và chỉ bị thay thế vào năm 1976.
Chỉ có một vài công trình khoa học của Ômarơ Khaiam là còn lưu giữ được. Nhưng truyền thuyết còn nói rằng ông biết tiên đoán nhật thực và nguyệt thực. Ômarơ Khaiam nổi tiếng khắp thế giới là một nhà thơ vĩ đại, tác giả của những bài thơ tứ tuyệt ngắn mà thâm thuý. Trong những vần thơ đó ông hiện ra trước mắt chúng ta như một nhà triết học sâu sắc, một nhà văn vĩ đại, một con người yêu cuộc sống và có tinh thần độc lập, kiêu hãnh nhưng có một số phận đầy bi kịch. Một số bài thơ đã phản ánh lên những ý niệm của ông về thiên văn học và vũ trụ học.