THỜI ĐẠI LA MÃ
Vào những năm 264 trước Công nguyên những người La Mã đã chiếm miền Nam nước Italia, nơi có cả loạt thành phố của Hy Lạp như Tarentô, Crôtôn, v.v. . . vùng đất mà đã có thời được gọi là Đại Hy Lạp. Nửa thế kỷ sau đảo Xixilia, thuộc địa của Hy lạp khi trước, bao gồm cả thành phố Xiracudơ nổi tiếng cũng thần phục La Mã, và đến năm l46 trước Công nguyên thì ngay cả Hy Lạp cũng biến thành tỉnh Achai của đế quốc La Mã. Một trăm năm sau Giuliut Xêda đã sáp nhập Ai Cập với thành phố Alêcxanđria thủ đô của nền khoa học Hy Lạp thời đó, vào đế quốc La Mã.
Sau khi xâm chiếm xứ Hy Lạp, người La Mã không chèn ép nền văn minh của nó mà tiếp thu rất nhiều nền văn minh đó. Đối với những người La Mã có học, biết tiếng Hy Lạp là một điều bắt buộc. Họ thường đến học ở Hy Lạp. Rất nhiều những chính khách nổi tiếng ở La Mã, ví dụ như Tibêri, Grăc, Pompêi, Xixêrôn, Xêda đã học ở đấy. Dần dần hình thành một nền văn hóa Hy-La độc đáo mà nền văn học La tinh rực rỡ đã phát triển cùng với nó. Thành Rôma đã cung cấp cho thế giới các nhà thơ, các kịch tác gia, các nhà viết sử nổi tiếng, nhưng toán học và thiên văn học lại không lọt vào được cái thang độ các giá trị của nó.
Việc nghiên cứu các môn khoa học lý thuyết không được coi là công việc đáng kính như sáng tác văn học. Người ta xếp chúng ngang với nghề thủ công và cho đó là công việc không xứng đáng đối với một công dân tự do. Nhiều nhà chính trị La Mã như Nêrôn và Xêda là các nhà hoạt động văn học nổi tiếng. Nhà thông thái Plini Già đã viết một công trình to lớn: bộ “Lịch sử tự nhiên” mà trong đó ông đã tập hợp một khối lượng đồ sộ các kiến thức về khoa học tự nhiên nhưng lại không hề đả động tới khía cạnh toán học của thiên văn học.
Cũng không thể nói rằng người La Mã hoàn toàn không chú ý gì tới thiên văn học. Chẳng hạn viên tướng Xêda Giécmanic đã dịch bản trường ca thiên văn các hiện tượng tự nhiên của Aratôt từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh.
Nhà bác học Vitơruvơ trong sách luận giải “Bàn về kiến trúc” đã chú ý nhiều đến việc thống kê các loại đồng hồ Mặt Trời và vì thế phải đề cập tới sự chuyển động của các thiên thể. Ông lần lượt mô tả hai hệ thống thế giới: đầu tiên nhắc đến việc sao Thủy và sao Kim quay xung quanh Mặt Trời, sau đó ông lại vẽ ra hệ thống thuần tuý địa tâm trong đó những ngôi sao này lại xoay xung quanh Trái Đất. Bí ẩn hơn là việc ở đây ông lại như vô tình nhắc tới một cách khó hiểu và không ăn nhập gì tới các điều viết ở trên về “Quỹ đạo hình tròn của Trái Đất”. Điều này như là một cách gợi ý rằng ông đã biết đến giả thuyết của Arixtac. Rõ ràng con người hiểu nhiều biết rộng này không muốn đi sâu tìm hiểu những rắc rối của lý thuyết thiên văn.
Ở đế quốc La Mã có nhiều nhà thiên văn học xuất sắc làm việc nhưng bản thân người La Mã lại coi thường môn khoa học này. Khi Hoàng đế Giuliut Xêda cần cải tiến lịch ông đã mời nhà thiên văn Hy Lạp Xôdigien từ thành phố Alêcxanđria về làm việc.