Tài liệu: Arixtôt: Người bắt Trái đất ngừng quay

Tài liệu
Arixtôt: Người bắt Trái đất ngừng quay

Nội dung

ARIXTÔT: NGƯỜI BẮT TRÁI ĐẤT NGỪNG QUAY

 

Arixtôt (384 - 322 trước Công nguyên) là nhà bác học bách khoa vĩ đại sinh ở thành phố Xtaghia (xứ Thraxơ). Bố ông là bác sĩ của nhà vua Amint III xứ Maxêđoan. Năm 17 tuổi Arixtôt đến Aten theo học Platôn và làm việc ở học viện Acađêmia của Platôn 20 năm. Sau khi thầy Platôn mất, Arixtôt rời Aten. Năm 343 trước Công nguyên nhà vua Philip xứ Maxêđoan, người kế vị vua Amint III đã mời nhà triết học làm thầy dạy cho người con trai của mình là hoàng tử Alêcxanđrơ - vị thống soái vĩ đại trong tương lai.

Arixtôt sống ở Maxêđoan vài năm, sau đó trở về Aten mở trường học gọi là trường Like (tức Lixê theo âm La tinh) nằm ngay cạnh đền thờ thần Apôlô.

 Học sinh của Arixtôt thường được gọi là những người tiêu dao (nhàn du), có lẽ do họ thích vừa đi vừa học và tranh luận. Sau khi hoàng đế Alêcxanđrơ băng hà vào năm 323 trước Công nguyên, lòng căm thù đối với người xứ Maxêđoan xâm chiếm cả Hy Lạp đã nhằm cả vào Arixtôt. Ông buộc phải rời Aten quay trở về trang viên của mình trên đảo Ơbây và mất ở đó một năm sau. Nhưng những người dân thành Aten không phá hủy trường Lixê. Ngôi trường nổi tiếng này còn tồn tại sau đó một thời gian lâu nữa.

Arixtôt là nhà lôgic học và hệ thống hóa vĩ đại. Ông nghiên cứu nhiều ngành khoa học từ thơ ca và chính trị đến vật lý và sinh học. Ông phê phán người thầy của mình là Platôn và cố gắng không chỉ nghiên cứu những vấn đề chung mà còn phân tích những hiện tượng cụ thể. Quan niệm của ông về thế giới nhìn qua có vẻ không khác mấy với Platôn, nhưng về thực chất lại là đối lập. Arixtôt coi thế giới là vĩnh hằng và bất biến và tuân theo các quy luật vật lý. Nhưng vật lý của Arixtôt khác nhiều so với ngày nay và uy tín của ông trong ngành này vào thời Trung cổ đã có lúc kìm hãm những tiến bộ của vật lý học.

Lúc đầu nhà triết học đặt cơ sở cho ý tưởng của mình là trong Vũ Trụ có một điểm trung tâm nào đó mà do bản chất tự nhiên của mình các nguyên tố nặng như đất và nước đều hướng vào đó. Nếu như không có điểm trung tâm ấy thì các vật có lẽ sẽ cứ rơi mãi không ngừng. Chính vì các nguyên tố có khuynh hướng đi về phía tâm của thế giới mà Trái Đất có hình cầu. Các nguyên tố nhẹ như không khí và lửa thì ngược lại lại muốn thoát ly khỏi điểm trung tâm nhưng không thể vượt ra khỏi giới hạn của “vòm cầu phía dưới Mặt Trăng”. Sau vòm cầu này là bắt đầu thế giới của các thiên thể được cấu tạo từ một nguyên tố thứ năm, nguyên tố đặc biệt gọi là ête.

Chuyển động hướng tâm và ly tâm được Arixtôt coi là chuyển động tự nhiên. Tất cả các dạng chuyển động còn lại đều đòi hỏi phải có lực tác động vào và được gọi là “chuyển động cưỡng bức”. Cơ học Trái Đất của Arixtôt không biết đến chuyển động theo quán tính (Galilê là người phát hiện ra dạng chuyển động này). Để giải thích tại sao các thiên thể lại chuyển động, nhà triết học viện đến một loại động cơ (sức đẩy) ban đầu có tính chất thần thánh nào đó nằm ở phía ngoài ranh giới của thế giới. Còn về chuyển động của mũi tên được bắn đi hay hòn đá được ném đi thì phải giải thích ra sao? Rõ ràng là chúng vẫn bay ngay cả khi không còn lực tác động vào. Theo Arixtôt, một luồng xoáy của không khí đẩy chúng đi. Hòn đá rẽ không khí không khí trượt dọc theo hòn đá đang bay đập vào nó ở phía đằng sau và như vậy duy trì chuyển động bay đó. Cách giải thích vật lý lạ lùng này (theo quan điểm thời nay) không chấp nhận việc quay quanh trục của Trái Đất, mà sự quay này lẽ ra đã làm đơn giản đi rất nhiều cơ chế chuyển động của các thiên thể của Ơđôc và Arixtôt. Thay cho 55 vòm cầu lẽ ra có thể chỉ cần 41. Rồi Arixtác người xứ Xamôt, học trò của Arixtôt đã không chỉ công nhận sự quay của Trái Đất mà còn “đuổi” Trái Đất ra khỏi trung tâm của Vũ Trụ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/360-02-633324598016483329/Thien-van-hoc-co-Hy-Lap-va-La-Ma/Arixtot-N...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận