ARATÔT, NHÀ THƠ CỔ HY LẠP ĐÃ MÔ TẢ BẦU TRỜI
CỦA THỜI ĐẠI MÌNH
Thật ngạc nhiên khi hãy còn các văn bản giữ lại được đến nay cho phép ta hiểu được những quan niệm về thiên văn học của những cư dân cổ xưa nhất của vùng lục địa Á-Âu, những người đã cư trú ở đây rất lâu trước thời của ngôi đền Xtônhengiơ. Đó là bản trường ca của nhà thơ cổ Hy Lạp tên là Aratôt “Các hiện tượng tự nhiên”.
Bản trường ca không dài viết bằng tiếng Hy Lạp này mang tính giáo huấn rõ rệt và rất nổi tiếng trong giai đoạn sau của thời cổ Hy-La. Tác giả của nó là Aratôt (khoảng 310 - 245 trước Công nguyên), đã phục vụ nhiều năm trong cung vua Gônat dòng họ Antigôn xứ Maxêđoan. Nhà vua đã ra lệnh cho ông truyền đạt lại bằng thơ nội dung các cuốn sách các hiện tượng tự nhiên” và “Tấm gương của thiên nhiên” của nhà bác học nổi tiếng Ơđôc xứ Cniđơ. Ơđôc là một nhà toán học, thiên văn học và địa lý học nổi tiếng sống trước đó một thế kỷ. Các tác phẩm của ông rất tiếc không còn giữ được cho đến thời nay.
Trong phần đầu của bản trường ca, Aratôt đã mô tả chung chung về các chòm sao, về vị trí của chúng trên bầu trời và các huyền thoại gắn với chúng.
Một trăm năm sau thời Aratôt nhà bác học Hippac đã viết cuốn sách bình giải về Aratôt và Ơđôc”. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của Hippac còn để lại cho chúng ta. Trong cuốn sách này ông đã phê bình cả Ơđôc, cả Aratôt về những sai sót khi mô tả bầu trời và cho rằng nguyên nhân là sự quan sát thiếu chính xác của Ơđôc.
Các nhà bác học thời nay đã đưa ra một kết luận đáng kinh ngạc: Trái với ý kiến của Hippac, bầu trời trong bản trường ca đó được mô tả rất chính xác. Chẳng qua đó không phải là bầu trời sao của thời Ơđôc mà là trước đó 1500 năm. Vấn đề là ở chỗ cực của Vũ Trụ dịch chuyển từ từ giữa các vì sao và vì vậy vị trí của đường xích đạo trời và đường chí tuyến của Trái Đất cũng thay đổi so với các vì sao. Thời điểm của các quan sát thiên văn như vậy đã hiện rõ trong trường ca. Xét về mọi khía cạnh, Ơđôc đã không mô tả các quan sát thiên văn của chính ông mà trong tác phẩm của mình, ông đã dẫn ra các dữ liệu từ các bản thảo thời xưa ghi chép lại những điều truyền miệng từ rất xưa mà may mắn ông có được.
Cả Ơđôc, lẫn Aratôt đều không biết được sự thay đổi ít nhận ra của vòm trời. Hiện tượng này mãi sau này mới do Hippac phát hiện ra. Trước đó vòm trời sao được coi là không đổi và Ơđốc chắc chắn không bao giờ có ý nghi ngờ về các dữ liệu mà ông thu thập được.
Vĩ độ nơi tiến hành quan sát các chòm sao được mô tả trong trường ca của Aratôt cũng là một điều bất ngờ. Có thể xác định được ranh giới các ngôi sao xa nhất về hướng Nam mà những người quan sát mô tả. Hóa ra các chòm sao này nằm trong vùng 36o vĩ tuyến Bắc. Vĩ tuyến này cắt ngang đảo Crêt và đảo Sip đi hơi chếch về hướng Nam Tiểu Á, bao lấy miền Bắc Iran, có nghĩa là nó đi qua phía Bắc Sume và Ai Cập, là những vùng văn minh nhất thời bấy giờ. Ngày nay rất khó xác định được trong kho tàng văn học của dân tộc nào còn lưu giữ những văn bản mô tả bầu trời sao đã có từ hàng ngàn năm trước, ai đã viết, ai đã giữ gìn chúng và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác cho tới khi chúng được dịch sang tiếng Hy Lạp và rơi vào tay các nhà bác học cổ Hy Lạp. Nhưng chắc chắn là những nhà quan sát thiên văn vô danh xa xưa đó đã nắm được bức tranh của thế giới, phù hợp với các cơ sở của thiên văn học hiện đại. Họ biết rất rõ ràng thiên cầu ôm Trái Đất vào lòng và nó quay quanh trục Vũ Trụ. Họ cũng biết đến vòng Hoàng đạo nằm nghiêng giữa các đường chí tuyến trời.