ANACXIMANĐRƠ
Anacximanđrơ xứ Milet (khoảng từ năm 610 đến sau năm 517 trước Công nguyên) là học trò và là người có họ với Talet. Cũng như người thầy của mình, ông không chỉ nghiên cứu khoa học mà còn buôn bán và tham gia công việc xã hội. Những cuốn sách của ông “Bàn về tự nhiên” và “các khối cầu” không còn lưu lại được đến ngày nay, vì thế về nội dung của chúng, ta chỉ biết được qua lời kể của những người đã đọc chúng. Thế giới của Anacximanđrơ thật khác thường. Những vì tinh tú trên trời được nhà bác học coi không phải là các vật thể riêng rẽ mà là các ô cửa sổ nhỏ trên nền các lớp không trong suốt che phủ mọi ánh lửa phía bên kia. Theo suy nghĩ của ông Trái Đất có dạng một đoạn cột, đầu phía trên bằng phẳng hoặc tròn trịa, và con người sống ở đó. Nó treo lơ lửng ở trung tâm thế giới, không bám vào đâu cả. Không vòng xuyến hình ống khổng lồ đầy lửa bao quanh Trái Đất. Ở trong vòng xuyến gần nhất, nơi lửa không nhiều, có các lỗ thủng không lớn - đó là các hành tinh. Ở vòng xuyến thứ hai, lửa mạnh hơn chỉ có một lỗ thủng lớn - đó là Mặt Trăng.
Lỗ thủng này có thể bị che khuất một phần hay hoàn toàn (nhà triết học đã giải thích như vậy về sự thay đổi liên tiếp các pha Mặt Trăng và hiện tượng nguyệt thực). Lỗ thủng to nhất có kích thước gần bằng Trái Đất nằm ở vòng xuyến thứ ba xa nhất. Một ngọn lửa mạnh nhất, sáng nhất phụt ra ở đó - đó là Mặt Trời. Vũ Trụ của Anacximanđrơ như bị chụp vào trong một vòm cầu với vô vàn lỗ thủng, mà qua đó ta thấy các ánh lửa bao quanh toàn bộ khối cầu đó. Những lỗ thủng được gọi là “các ngôi sao đứng yên” (định tinh). Chúng không di động, tất nhiên là so với nhau. Đó chính là mô hình Vũ Trụ địa tâm đầu trên trong lịch sử thiên văn học với các đường quỹ đạo cứng nhắc của các thiên thể bao quanh Trái Đất giúp ta hiểu được chuyển động hình học của Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao. Anacximanđrơ đã cố gắng không chỉ mô tả thế giới một cách chính xác về mặt hình học mà còn cố hiểu nguồn gốc của nó. Nhà triết học coi apâyrôn – “cái vô giới hạn” là chất khởi đầu của tồn tại: một tự nhiên của cái vô giới hạn mà từ đó sính ra các vòm trời và các không gian Vũ Trụ ở trong các vòm đó”. Theo Anacximanđrơ, Vũ Trụ tự nó phát triển không có sự can thiệp của các vị thần trên đỉnh Ôlimpơ.
Nhà triết học hình dung sự nảy sinh của Vũ Trụ đại loại như sau: apâyrôn sinh ra các yếu tố đối kháng nhau “nóng” và “lạnh” mà vỏ vật chất của chúng là lửa và nước. Sự đối kháng giữa các yếu tố đó trong cơn lốc Vũ Trụ thuở hoang sơ đã dẫn tới sự xuất hiện và phân chia của các chất. Tại trung tâm của con lốc là “lạnh” - tức Trái Đất, bị bao bọc bởi nước và không khí, còn bên ngoài là lửa. Dưới tác động của lửa, lớp phía trên cùng của vỏ không khí biến thành một lớp vỏ rắn. Vòm cầu không khí rắn lại này bắt đầu bị căng ra bởi hơi nóng sôi sục của các đại dương trên Trái Đất. Lớp vỏ này không chịu nổi sức ép và bị phồng lên, “văng ra” theo một trích dẫn. Khi đó nó phải đẩy phần lớn khối lửa ra xa khỏi giới hạn thế giới chúng ta. Vòm cầu của các ngôi sao đứng yên đã sinh ra như vậy. Còn bản thân các ngôi sao chính là những lỗ rỗ của lớp vỏ bên ngoài.
Mắt xích cuối cùng của bức tranh vĩ đại này là sự xuất hiện của các sinh vật. Khi các đại dương sôi cạn đi, đất liền lộ ra, các sinh vật xuất hiện “từ làn nước nóng bỏng cùng lúc với mặt đất” vã “sinh ra trong làn hơi nước, bị quấn vào bên trong một lớp vỏ lầy nhầy” - có nghĩa là theo Anacximanđrơ, sự phát triển tự nhiên bao gồm không chỉ sự nảy sinh của thế giới mà còn sự tự sinh của sự sống.
Nhà triết học coi Vũ Trụ giống như một sinh vật sống. Khác với thời gian không bao giờ già đi, nó sinh ra, trưởng thành rồi già đi và tất nhiên sẽ chết để rồi lại sẽ sinh ra và từ thuở xa xưa mọi cái vẫn tuần hoàn như vậy, từng phát sinh, phát triển và tàn lụi. Anacximanđrơ đã để lại cho chúng ta một hệ thống Vũ Trụ đầu tiên - (mô hình Vũ Trụ), bức tranh toàn cảnh Vũ Trụ học đầu tiên của thế giới (tất cả bắt đầu từ đâu) và một giả thuyết đầu tiên về sự tiến hóa của Vũ Trụ mọi thứ phải trải qua chặng đường nào để có được như bây giờ).