HUYỀN THOẠI VỀ VŨ TRỤ TRONG BỘ KINH VÊĐA (VỆ ĐÀ)
Vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên người Arian - một trong các bộ lạc Ấn Âu từ phía Tây Bắc tràn xuống vùng Hinđuxtan. Họ mang đến Ấn Độ một nền văn hóa mới mà trong tương lai sẽ xác định diện mạo của đất nước này. Nền văn hóa Vêđa rất gần với văn hóa châu Âu.
Bộ kinh sách Vêđa (Vệ Đà) là một tượng đài văn học cổ xưa nhất ở Ấn Độ. Từ “Veđa” trong tiếng Xanxcrit (tiếng Phạn) có nghĩa là “tri thức thiêng liêng”. Đó là bốn bộ các bài tụng ca, và khấn nguyện các vị thần. Rigvêđa (Vêđa tụng ca) là bộ cổ nhất. Nó đã có tuổi hơn 3000 năm. Trong các bộ Vêđa đã phản ánh các quan niệm về Vũ Trụ của người Arian.
Trạng thái khởi đầu của thế giới là hỗn độn vô trật tự. “Lúc đó chưa có đất liền, cũng không có biển. Không có cả khoảng không, cả bầu trời... chưa có khác biệt ngày và đêm, tất cả là một dòng chảy hỗn độn không tách biệt. Chỉ có một khối duy nhất thở phập phồng không có hơi thoảng, ngoài ra không có gì khác”.
Nước xuất hiện đầu tiên. Nó sinh ra lửa. Hơi nóng có sức mạnh vô biên của nó đã sinh ra “Quả trứng của Trời Đất”. Từ đó bước ra Đấng Sáng tạo Pragiapoti (sau này trong thần thoại của đạo Hinđu nó được thay bằng thần Brahma). Nửa trên của Quả trứng là Bầu Trời - nửa dưới là mặt đất và giữa chúng Đấng Sáng tạo đã đưa khoảng không vào để phân cách Bầu Trời và mặt đất.
Theo một giả thuyết khác, thế giới sinh ra từ thân thể của con người nguyên tổ Purusa. Từ bộ não của ông Mặt Trăng được sinh ra, Mặt Trời thì từ đôi mắt, đầu của ông trở thành Bầu Trời, chân là mặt đất, còn từ tai của ông tạo nên các xứ sở của thế giới. Các vị thần bất tử đã sáng tạo ra thế giới bằng sự hy sinh lớn lao như vậy đấy.
Kinh Vêđa chia Vũ Trụ thành ba tầng, ba thế giới - Đất, Khoảng Không và Trời. Mỗi thế giới đến lượt mình lại gồm ba phần. Trong kinh Rigvêđa người ta hát tụng về việc đó như sau:
“Lửa, đất và cỏ cây - thế giới này gồm ba phần gió, không khí và chim chóc, thế giới kia cũng gồm ba phần Mặt Trời, Bầu Trời và các vì sao, thế giới nọ cũng chia ba”. Từ ngón chân của bàn chân trái thần Brahma tạo ra cô con gái. Tên của nàng là Virini - Đêm tối. Nữ thần Đêm có 50 người con gái. 27 cô được gả cho thần Xôma (thần Mặt Trăng) làm vợ và họ trở thành các chòm sao trên Hoàng đạo.
Thần Đacsa sinh ra từ ngón chân cái bên phải của thần Brahma. Cháu gọi Đacsa bằng ông là 12 anh em trai và là các vị thần vĩ đại nhất của thế giới. Trong số đó có các thần Varuma, Mitơra, Shaga, lnđơra và Vivaxơvat. Thần Vivaxơvat khi sinh ra không có tay chân, chỉ là một khối thịt tròn nhẵn trơn láng như một trái bóng. Các chủng thần khác ngắm nhìn người anh em của mình và nói: “Chúng ta sẽ sửa sang lại cho anh ấy và họ đã cắt gọt đi những chỗ thừa trên người thần Vivaxơvat để cuối cùng một vị thần có hình dáng giống con người được tạo ra - đó là thần Mặt Trời Xuria.
Người ta cho rằng thần Mặt Trời Xuria cai quản cả ba thế giới và bắt các chòm sao phải lánh mặt đi. Một trong những đoạn kinh nói về việc Mặt Trời ở dưới mặt đất như sau: “Mặt Trời tạo ra màn đêm ở chỗ chúng ta và đồng thời tạo ra ban ngày ở thế giới ẩn kia, rồi ngược lại”. Ở đây có thể thấy dư âm về truyền thuyết. “Quả trứng của Trời Đất” nơi mà Bầu Trời dưới dạng vỏ trứng “ôm lấy” mặt đất bằng phẳng treo lơ lửng ở giữa.
Kinh Vêđa đưa ra một quan niệm rõ ràng về Hoàng đạo: nó được gọi là con đường của thần Xuria. Kinh viết rằng: thần Varuna - vị thần của sông nước thượng giới và âm Phủ (giống như thần Uranut của người Hy Lạp, vị thần của Bầu Trời sao) đã tạo ra con đường bằng phẳng trên bầu trời cho Mặt Trời. Người Ấn Độ đã chia hoàng đạo ra thành 28 chòm sao - “những trạm nghỉ của Mặt Trăng” (Mặt Trăng đi hết một vòng Hoàng đạo hết 27,3 ngày đêm). Sau này số chòm sao giảm xuống còn 27.
Vị thần Mặt Trăng Xôma có 27 vợ nhưng ông chỉ yêu quý mỗi bà Rahini. “Ngươi phải yêu quý tất cả những đứa con gái của ta”. Thần Đacsa, chồng của nữ thần Đêm đã nói với vị thần kia như vậy. Nhưng thần Xôma không muốn rời khỏi nhà Rahini. Khi đó thần Đacsa, cha của các vị thần, đã giáng phép làm ông ta mang bệnh. Thần Xôma bắt đầu ho hắng, gầy sút và trên mặt đất, hoa cỏ trở nên héo úa, rồi nhiều súc vật cũng gầy đi. Khi đó các vị thần cầu xin cha của các vị thần tháo bỏ bùa phép cho thần Xôma. “Cứ để hắn đến với tất cả những đứa con gái của ta đã” - thần Đacsa nói. Và Xôma đi suốt Hoàng đạo, mỗi đêm đến một nhà. “Từ đó Mặt Trăng hiện ra vào những đêm sáng trời trong tháng và rời đi khi bầu trời đêm tối dần”.
Thần Xôma Mặt Trăng còn “cai quản” các hành tinh - và thần Buđha - sao Thủy là con trai của ông.