Tài liệu: Con đường trờii

Tài liệu
Con đường trờii

Nội dung

CON ĐƯỜNG TRỜI

 

Ngoài con đường mà Mặt Trời và Mặt Trăng vạch ra, bầu trời đêm còn được thắt một dải lụa mờ: dải Ngân Hà. Đối với những người sống ở các vĩ tuyến Nam nơi đã tồn tại cái nền văn minh cổ đại, các quần sao của dải Ngân Hà tạo ra một dải lụa sáng rộng tuyệt vời vắt ngang bầu trời.

Cái dải ánh sáng lấp lánh bạc trên bầu trời ấy trong hình dung của những người cổ đại là một con đường nào đấy. Những buổi chiều thu đại Ngân Hà trải ra như một con đường cao vời vợi vắt từ Bắc xuống Nam và con Thiên Nga trên trời sải cánh bay theo nó xuống hướng Nam, chỉ đường cho các bầy chim di trú. Đối với người Ugri - Phần Lan và người Xtavơ thì đó là Con đường của Những Cánh Chim. Với người Mônđôva đó là Con đường Nô lệ (ở vương quốc Crưm), với người Nga lại là Con đường Mamai (tên một ông vua Tácta đã tấn công cướp phá nước Nga vào thế kỷ 14), với người Hunggari và Rumani là Con đường Digan. Những người Ucraina gọi nó là Con đường Chở Muối - còn người Arập thì gọi là Con đường Rơm Vàng. Với người Trung Quốc và Việt Nam, đó là con sông Bạc (Ngân Hà).

Trong cả loạt những tên gọi dải Ngân Hà thường gắn với ý tưởng về nơi di trú của các linh hồn. Ở Ấn Độ cổ người ta gọi nó là “Đivatmôia” - Con đường Thánh Thần, còn ở Atxiri - là Dòng sông của Vực thẳm vĩ đại. Những người Norman giải thích dải Ngân Hà như là Con đường mòn của Thần linh hay là Con đường Ôđin - đưa vị thần tối cao Ôđin - vào lâu đài thượng giới Valgala. Trong một số truyện thần thoại cổ Hy Lạp dải Ngân Hà được coi là con đường của các vị thần hay là con đường mà các linh hồn người chết phải đi qua.

Sự phát triển của đạo Cơ đốc và đạo Hồi làm nảy sinh những tên gọi mới: Với người Cơ đốc giáo là Con đường của Môidơ; Đường của Chúa; Con đường của Giêxu, Con Đường Giêruxalem: Với người Hồi giáo là Con đường của những người hành hương (đường tới Mecca). Thần thoại Hy Lạp là khởi nguồn của tên gọi con đường Sữa, nhưng không liên quan gì tới đường sá cả: theo như thần thoại, Hêrăclơ, con của thần Dớt với một người đàn bà trần tục, sẽ chỉ trở thành bất tử khi bú được bầu sữa của Hêra - vợ của thần Dớt, người rất ghét Hêrăclơ. Khi Hêra đang ngủ, thần Hecmet ranh ma đặt cậu bé Hêrăclơ áp vào ngực của bà. Tỉnh dậy, Hêra hất cậu bé ra khiến dòng sữa thần diệu từ bầu ngực của bà phun ra tung toé và chảy dài trên bầu trời. Từ đó sinh ra Con đường Sữa (dải Ngân Hà). Hiện nay, trong nhiều ngôn ngữ châu Âu (ví dụ: tiếng Anh, Pháp, Nga...) đều gọi dải Ngân Hà là “Con đường Sữa”. Câu chuyện thần thoại liên quan đến cái tên gọi đó gợi lên một ý tưởng về sự sống và sự bất tử, vì vậy chắc là phải rất cổ xưa.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/358-02-633323728554286250/Thien-van-hoc-thoi-to-tien-cua-chung-ta/Co...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận