TRĂNG CHE SAO
Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất lại không có khí quyển. Do đó từ Trái Đất có thể phân biệt rõ các chi tiết tương đối nhỏ của bề mặt Mặt Trăng, cũng như biết thêm nhiều điều về các ngôi sao xa xôi.
Khi quay trên quỹ đạo của mình, Mặt Trăng thường ở giữa Trái Đất và một ngôi sao nào đó. Nếu điều này xảy ra không phải vào kỳ trăng tròn, thì có thể thấy ngôi sao đột nhiên biến mất sau vành đĩa tối của Mặt Trăng. Đây là hiện tượng Trăng che sao. Sau một lúc ngôi sao bị che khuất sẽ lại hiện ra. Trên đường Mặt Trăng đi qua không có nhiều sao sáng. Vì thế nhìn bằng mắt thường không thấy rõ hiện tượng này. Có thể quan sát bằng ống nhòm hoặc ống viễn vọng, nếu biết trước khi nào hiện tượng đó sẽ xảy ra.
Quan sát qua kính thiên văn hiện tượng Mặt Trăng che các sao yếu (hiện tượng này khá thường xuyên) và dùng đồng hồ có độ chính xác cao ghi tại thời điểm che phủ có thể giúp ta có số liệu chính xác hơn về chuyển động của vệ tinh tự nhiên của chúng ta, cũng như về chi tiết địa hình Mặt Trăng.
Dùng máy móc hiện đại có độ chính xác cao trong hiện tượng này có thể xác định được kích thước góc của các sao và phân giải các sao đôi "dính" khá chặt với nhau mà ta không thể phân tách bằng các phương pháp khác.
Người quan sát say mê nhìn thấy trên trời nhiều hiện tượng kỳ lạ. Ngoài các hiện tượng đã nêu trên đây, còn có các hiện tượng hiếm gặp như nhật thực, nguyệt thực, cũng như các sao chổi sáng. Ngày xưa chúng ta đã gieo rắc bao nhiêu kinh ngạc và sợ hãi. Không hiểu rõ nguyên nhân, con người đã cố lý giải bằng cách gắn với các sự kiện đời sống, như là các điềm báo. Thế là sinh ra thần thoại và mê tín. Nhưng càng tích lũy được kiến thức về tự nhiên, càng hoàn thiện các phương pháp quan sát và phân tích chúng, các hiện tượng khác thường không còn đáng sợ nữa. Hầu như tất cả các hiện tượng đó đều đã được giải thích và đều có chỗ trong bức tranh khoa học tổng quát về Vũ Trụ.