Tài liệu: Ngôi đền Xtônhengiơ vĩ đại

Tài liệu
Ngôi đền Xtônhengiơ vĩ đại

Nội dung

NGÔI ĐỀN XTÔNHENGIƠ VĨ ĐẠI

 

Không một công trình hùng vĩ cổ xưa nào lại thu hút được nhiều sự chú ý như ngôi đền nổi tiếng và huyền bí Xtônhengiơ (Stonehenge). Công bằng mà nói nó xứng đáng được gọi là một trong những đài kỷ niệm đầu tiên của trí tuệ con người.

Vậy ngôi đền dựng ở vùng đồng bằng Xonxbơri (Salisury) miền Nam nước Anh đó như thế nào? 30 cột đá bào nhẵn, mỗi cột nặng khoảng 26 tấn, chôn sâu xuống đất và vươn thẳng đứng với độ cao khoảng 5m bề ngang 2m với các phiến đá đặt ngang phía trên tạo một vòng “cột”, có đường kính 29,5m. Bên trong vòng cột đá có 5 nhóm ba phiến một có dạng một chiếc “cổng đá” hẹp, cả nhóm xếp thành hình móng ngựa bao quanh trụ đá thờ ở trung tâm. Ngôi đền có ba vòng đồng tâm là các hõm rắc đầy đá phấn bao quanh, còn ở hướng đông Bắc của đền có một “đường hành lang” đánh dấu bởi các thành luỹ, cuối đường là một cột đá cao sáu mét nặng khoảng 35 tấn - được gọi là Cột Đá Gót.

Thời trung cổ người ta cho rằng đền Xtônhengiơ (tiếng Anh cổ: Stan Hengues nghĩa là “Đền đá treo”) do một vị vua của người Brit, một bộ lạc Xentơ cổ dựng lên để kỷ niệm về trận chiến với người Xăcxông. Theo truyền thuyết, thầy phù thủy tài ba Merlin của người Brit đã dựng ngôi đền trong vòng một đêm. Huyền thoại về nguồn gốc Xentơ của ngôi đền Xtônhengiơ tồn tại lâu đến mức đáng ngạc nhiên.

Vua Giêmxơ (1566- 1625) khi đến thăm đền Xtônhengiơ đã ngạc nhiên về tầm vóc của phế tích và ra lệnh cho kiến trúc sư Inigo Giônxơ vẽ sơ đồ ngôi đền và tìm hiểu là ai đã xây dựng ngôi đền và bằng cách nào. Giônxơ đã xem xét tỉ mỉ đền Xtônhengiơ và đi đến kết luận là các vị thầy tu dòng Đruit của người Xentơ không đủ khả năng xây dựng một công trình như vậy.

Vào nửa cuối thế kỷ XVII người ta đã tiến hành khảo sát một cách khoa học ngôi đền Xtônhengiơ. Nhà sử học - khảo cổ học Giôn Ôbri (John Aubrey) đã thực hiện cuộc khảo sát. Ông cho rằng, trước đây Xtônhengiơ vốn là một công trình kỳ vĩ hơn nhiều.

Ông bắt đầu đào bới đất xung quanh vòng cột đá và phát hiện là có những hố sâu kỳ lạ đầy đá phấn đập nhỏ nằm dưới lớp đất. Chúng được sắp xếp cách nhau đều đặn và tổng số là 56 hố. Các hố này sau đó vì thế được gọi là các “hõm Ôbri”, chúng đóng vai trò lớn trong việc xác định chức năng của ngôi đền. Nhà sử học thế kỷ XVIII Uyliam Xtiucơli đưa ra giả thuyết là Xtônhengiơ có một mối liên hệ nào đó với Mặt Trời. Ông lưu ý rằng đường trục chính của toàn bộ ngôi đền chỉ hướng Đông Bắc là hướng Mặt Trời mọc vào những ngày dài nhất trong năm - ngày hạ chí. 30 năm sau giả thuyết của Xtiucơli được tiến sĩ Giôn Xmit phát triển thêm. Ông đã đo đạc cẩn thận tất cả các phiến đá và đi tới kết luận là Xtônhengiơ không chỉ là đền thờ Mặt Trời mà còn là bảng lịch. Ông nhận xét rằng, ví dụ, con số trụ đá trong một vòng là 30, bằng số ngày trong một tháng Mặt Trăng và nếu đem nó nhân với 12, tức là số tháng, sẽ được 360, phù hợp với số ngày trong năm Mặt Trời thời cổ đại.

Các nhà bác học ngày nay đều nhất trí là Xtônhengiơ được xây dựng vào khoảng những năm 1900-1600 trước Công nguyên tức là muộn hơn các kim tự tháp Ai Cập chừng 1000 năm. Còn nữa nó được xây làm ba giai đoạn. Nó được đặt nền móng ban đầu vào cuối đại đồ đá. Lúc đó người ta đào các đường hào vòng tròn với hai lũy đất và đạt các cột gỗ “làm mốc ngắm” với các trụ đá thẳng đứng, những trụ này không còn lưu được đến ngày hôm nay và lúc đó các hõm Ôbri” cũng đã được đào. Có tất cả 56 hõm xếp thành vòng tròn dọc theo lũy phía trong. Phía cuối “đường hành lang” cách cổng vào vòng trong độ 30m người ta dựng một Cột Đá Gót rất lớn. Theo kết quả quan sát vào ngày hạ chí thì Mặt Trời mọc chính ngay phía trên cột đá này. Không có thứ gì của ngôi đền Xtônhengiơ đầu tiên còn lưu lại đến ngày nay ngoài Cột Đá Gót cùng dấu tích các hõm và rãnh đào.

Việc xây dựng ngôi đền Xtônhengiơ lần thứ hai là vào khoảng năm 1750 trước Công nguyên. Khi đó các trụ đá lớn (mê-ga-lit) đầu tiên được dựng lên. Khoảng trăm năm sau đó, ngôi đền Xtônhengiơ lại được xây dựng lần thứ ba. Quanh khu trung tâm người ta xây thành hình móng ngựa cả 5 cái “cổng” - gồm 3 tấm đá một, cao chừng 6 - 7 m mỗi, cổng gồm hai tấm đá thẳng đứng phía trên là tấm thứ ba đặt nằm ngang. Chúng được bao quanh bởi một vòng tròn. Cột đá gồm 30 cột thẳng đứng và phía trên đặt các phiến đá nằm ngang. Đền Xtônhengiơ xây lần thứ ba này cũng định vị theo hướng Đông Bắc hướng về phía Cột Đá Gót, vật duy nhất vẫn như trước đây đóng vai trò chủ chốt trong công trình xây dựng đồ sộ này. Công trình được hoàn tất vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên.

Công dụng và “cơ cấu” của đền Xtônhengiơ nói chung bắt đầu được phát hiện nhờ vào các quan trắc thiên văn tiến hành ở ngay ngôi đền và việc phân tích các phương hướng mà các “máy ngắm” bằng đá hướng tới. Hóa ra đền Xtônhengiơ là một đài thiên văn khổng lồ được dựng nên để quan sát chuyển động của Mặt Trời và Mặt Trăng. Nhờ có nó mà người ta đã giải quyết được một nhiệm vụ quan trọng: xác định được ngày hạ chí khi Mặt Trời mọc ở hướng Đông Bắc gần điểm chính Bắc nhất. Từ đó có thể tính toán thời gian cho cả một năm cho đến khi Mặt Trời lại mọc lên đúng phía trên Cột Đá Gót đánh dấu sự kết thúc chu trình một năm. Chắc chắn là thời điểm đó sẽ được đánh dấu bởi các nghi lễ long trọng.

Tất nhiên, sự quan sát chuyển động của Mặt Trời không phải là mục đích duy nhất mà những cư dân cổ đại đã dựng lên một công trình to lớn đến thế. Để nhìn thấy Mặt Trời mọc phía trên Cột Đá Gót vào ngày hạ chí chỉ cần dựng cột đá ấy và xác định một điểm cố định trên cánh đồng để từ đó tiến hành quan sát. Các cột đá còn lại thì để làm gì?

Các nhà bác học lưu ý tới cấu trúc của các nhóm ba tấm. Các cột đứng ở đó được đặt rất sát nhau, cách nhau có 30 cm. Như vậy khi ta nhìn qua khe, tầm nhìn tất nhiên sẽ bị hẹp đi rất nhiều, hơn nữa lần nào “tia mắt” đi qua cổng đá đều rơi vào một ô trống nhất định của vòng cột bên ngoài. Như các nghiên cứu chỉ rõ, qua ô trống của một trong những cổng đá có thể quan sát cảnh Mặt Trời mọc trong ngày đông chí. Hai cổng đá khác dùng để quan sát Mặt Trời lặn trong ngày hạ chí và đông chí.

Hai cổng đá còn lại dùng để quan sát Mặt Trời. Các ô trống tương ứng ở vòng cột ngoài làm cho việc quan sát chính xác và hoàn chỉnh hơn. Mặt Trăng di chuyển theo các chòm sao hoàng đạo trên Bạch đạo, lúc thì cao hơn lúc thì thấp hơn Hoàng đạo khoảng 50. Hiện tượng đó được gọi là “trăng cao và trăng thấp”. Các điểm Mặt Trăng lặn lệch so với Hoàng đạo, ở cách xa nhất về hướng Bắc hoặc Nam có thể quan sát được bằng cách nhìn qua một cổng dài nhưng lại qua các ô vòm khác nhau của hàng cột ngoài.

Trong những ngày Mặt Trăng cắt Hoàng đạo có thể diễn ra hiện tượng nhật thực hoặc nguyệt thực. Đền Xtônhengiơ được dựng nên để báo trước “hiện tượng nguy hiểm” đó. Nó không chỉ là đài thiên văn - bảng lịch. Theo giả thuyết của Giêrơn Hôkinxơ, nó còn được sử dụng như một “máy tính” để theo dõi sự đến gần hoàng đạo của Mặt Trăng và thông báo trước về hiện tuợng nhật thực hay nguyệt thực.

Hôkinxơ chỉ ra rằng vào thiên kỷ thứ II trước Công nguyên hiện tượng nguyệt thực và nhật thực diễn ra khi Mặt Trăng mùa đông mọc lên ngay trên Cột Đá Gót. Ngoài ra nguyệt thực có thể diễn ra cả vào mùa thu. Lần nào cũng vậy, điều đó được báo trước bởi sự kiện là điểm Mặt Trăng mọc trùng với một cột đá xác định ở vòng cột ngoài. Khoảng thời gian để sau đó Mặt Trăng lại mọc vào đúng điểm đó là 18 năm. Qua 3 chu kỳ là gần 56 năm. Nhưng 56 lại chính là số “hõm Ôbri”. Có là chính các hõm này phục vụ cho việc đó; sử dụng các hõm, có thể thông báo trước về các thời điểm nguy hiểm khi Mặt Trăng và Mặt Trời lại gần nhau. Và chỉ cần sau một số ngày nhất định lại chuyển hòn đá theo vòng tròn từ hõm này sang hõm bên cạnh.

Theo ý của Hôkinxơ, những người xây nên đền Xtônhengiơ chỉ cần sử dụng sáu hòn đá dịch chuyển là có thể đoán trước không chỉ năm mà cả mùa sẽ diễn ra hiện tượng thiên thực.

Tên gọi của trụ đá chính của đền Xtônhengiơ cũng thật thú vị. “Cột Đá Gót” là do người ta tưởng rằng Ôbơri đặt cho nó, là bởi vì ông nhận thấy trên đó có một vết lõm giống như một vết gót chân người. Nhưng thực ra nhà bác học có lẽ chỉ ghi lại tên gọi cổ mà người dân địa phương thường gọi, tên gọi này được lưu truyền từ đời những người Brit cổ: họ gọi đó là tảng đá Mặt Trời” (từ tiếng Xentơ - haol là “Mặt Trời”, từ này có âm giống từ tiếng Anh heel là gót chân).

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/358-02-633323735401317500/Thien-van-hoc-thoi-to-tien-cua-chung-ta/Ng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận