VŨ TRỤ TRONG THẦN THOẠI HY LẠP CỔ XƯA
Có thể viết được quan niệm về thế giới của người Hy Lạp ở thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, nếu dựa vào trường ca “Theogony” (Về nguồn gốc các vị thần) của nhà thơ Hexiôt, sinh trưởng ở Thebơ (Bêôti). Kể về sự ra đời của thế giới ông mở đầu câu chuyện:
Trước khi vũ trụ sinh ra
Hồng hoang ngự trị; Ghêa ngục tròn
Chở che tất cả vào lòng
Ghêa, Thần Đất sinh chồng: Trời cao.
Uranut- thần trời sao
Bao la trùm khắp đất này từ xưa.
Bầu trời dựa vào mặt đất phẳng lì thế còn chính mặt đất thì bám vào đâu? Không vào đâu cả. Hóa ra dưới mặt đất là một khoảng không gian trống rỗng - vương quốc Tacta (âm phủ) sau trở thành nhà ngục nhốt các thần khổng lồ Titan nổi loạn bị các vị thần đánh bại.
Chúng bị ném xuống âm ti đâu còn thấy bầu trời.
Ngục Tacta tăm tối mịt mù khơi.
Một chiếc đe đồng, ném từ trên trời xuống đất
Phải mất chín ngày đêm mới xuống tới đất này
Còn một chiếc đe đồng từ mặt đất
Rơi xuống âm ti, cũng mất chín đêm ngày
Trong quan niệm của người cổ Hy Lạp Vũ Trụ được mặt đất cắt ngang thành hai phần: một phần sáng láng và một phần tăm tối. Phần trên sáng là bầu trời và phần dưới là Erebot, bóng đêm dưới mặt đất ngự trị, nơi này ở phía trên Âm phủ. Người ta cho rằng thần Mặt Trời cũng không bao giờ ngó đến nơi đó. Ban ngày thần cưỡi chiếc xe rực lửa dạo khắp bầu trời và đêm đến thần bơi trên một chiếc chén vàng theo đại dương bao quanh Trái Đất trở lại nơi sẽ mọc lên. Dĩ nhiên mô tả thế giới như vậy là không phù hợp lắm việc giải thích về chuyển động của các thiên thể, nhưng suy cho cùng, nó cũng không nhằm mục đích đó.