Tài liệu: Thiên văn học trên các bảng đất nung

Tài liệu
Thiên văn học trên các bảng đất nung

Nội dung

THIÊN VĂN HỌC TRÊN CÁC BẢNG ĐẤT NUNG

 

Mêxôpôtamia hay Lưỡng Hà là một vùng đất nằm ở Cận Đông trải dài theo bờ của hai con sông lớn chảy cạnh nhau: sông Tigrơ và sông Ơphơrat; trong suốt ba thế kỷ từ cuối thiên kỷ thứ IV đến thiên kỷ thứ I trước Công nguyên đây là trung tâm của một nền văn minh mà ảnh hưởng văn hóa của nó trải dài từ bờ Địa Trung Hải ở phía Tây đến sơn nguyên Iran ở phía Đông, và từ dãy Capcadơ ở phía Bắc xuống vịnh Pécxích ở phía Nam. Sự phát triển của thiên văn học chiếm vị trí đặc biệt trong vô vàn những thành tựu của nền văn minh này. Cũng như các môn khoa học cổ xưa, ngoại trừ thiên văn Hy Lạp độc đáo, thiên văn học ở đây chủ yếu mang tính thực dụng: nó nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu tôn giáo. Nhưng chính những số liệu quan trắc và các phưong pháp toán học mà các nhà toán học vùng Lưỡng Hà tích lũy được đã giúp Hippac và Ptôlêmê đặt cơ sở cho thiên văn học.

 

Ở thiên kỷ thứ III trước Công nguyên, vùng Lưỡng Hà là nơi người Sume sinh sống. Ngôn ngữ của họ không gần với bất kỳ một ngôn ngữ cổ xưa và hiện đại nào mà chúng ta đã biết. Người Sume ở vùng Nam Lưỡng Hà đã lập nên một vài nhà nước thành thị đóng vai trò trung tâm phát triển văn hóa. Quan trọng nhất trong số đó là các thành phố Urơ và Uruc nằm trên bờ sông Ơphơrat, còn Lagatsơ và Nippua ở vùng giữa hai con sông. Ở trung tâm các thành phố của người Sume có các đền thời thượng cổ dạng kim tự tháp bậc thang. Ở sân thường của kim tự tháp là một ngôi đền biệt tập có kích thước tương đối nhỏ. Những công trình kiến trúc này được gọi là di-ku-rát vượt lên trên các kiến trúc còn lại như thể hiện mối liên hệ giữa trời và đất, (di-ku-rat ở thành phố Nippua cũng mang tên như vậy). Tên gọi này khẳng định ý nghĩa thiên văn của những di-ku-rat.

Thành tựu văn hóa quan trọng nhất của người Sume là việc sáng tạo ra chữ viết. Vật liệu để viết là các bảng bằng đất sét dẻo, trên đó bằng các đầu que nhọn người ta ghi các ký hiệu hình nêm. Từ đấy mà xuất hiện tên gọi của hệ thống văn tự là văn tự hình nêm”. Các bằng đất ghi đầy chữ được nung lên, nhằm làm cho chúng được lưu lại hàng ngàn năm. Trên cơ sở văn tự hình nêm đó là cả một nền văn hiến được phát triển trong đó ta bắt gặp rất nhiều đoạn nói về thiên văn học.

Thiên văn học thời kỳ Sume dựa vào quan sát. Người Sume thần thánh hóa các vì tinh tú trên Bầu Trời (thần An - Bầu Trời, thần Utu - Mặt Trời, thần Nanna - Mặt Trăng, thần Inanna – sao Kim). Ngay từ đầu thiên kỷ thứ III trước Công nguyên người Sume đã biết rằng sao hôm và sao Mai chỉ là một tinh tú sao Kim. Cuối thiên kỷ đó, một văn bản trên đất sét đã ghi lại danh sách các chòm sao theo người Sume. Chúng được coi là các vị thần. Văn bản này chứng tỏ rằng, người Sume đã tách các hành tinh ra thành một nhóm tinh tú riêng. Họ gọi chúng là những con cừu hoang” để phân biệt với các vì sao không chuyển động (định tinh). Nhưng không rõ là họ đã biết được bao nhiêu hành tinh.

Miền Bắc vùng Hạ Lưỡng Hà từ xa xưa đã là nơi người Xêmít nhóm Đông (Do Thái cổ) sinh sống. Dần dần họ tham gia nhiều hơn vào công việc ở các thành thị Sume. Vào thế kỷ thứ XXIV trước Công nguyên, một người Xêmit nguồn gốc bình dân là Xargôn cổ đại đã lên nắm chính quyền ở một trong những khu vực đó sau một cuộc đảo chính. Ông đã dựng nên thành phố Accat, sau đó đã trở thành kinh đô của nhà nước cùng tên. Người Accat không phá hủy mà tiếp thu rồi phát triển nền văn hóa Sume, tiếp nhận cả hệ thống chữ viết hình nêm cho ngôn ngữ của mình. Dần dần ngôn ngữ Sume ở vùng Lương Hà không được sử dụng nữa mà được thay thể bằng ngôn ngữ Accat.

Vào đầu thiên kỷ thứ II trước Công nguyên ở vùng trung lưu sông Ơphơrát mọc lên thành phố Babilon mà trước kia chỉ là một thôn xóm vô danh. Dưới thời vua Hammurapi, thành phố này đạt đến mức cực thịnh của mình. Những văn bản chuyên về thiên văn đầu tiên mà chúng ta tìm được là thuộc thời kỳ này, được gọi là thời kỳ Babilon cổ. Nó chứa đựng những kết quả quan sát biểu kiến về sao Kim. Thỉnh thoảng ta cũng thấy được mục tiêu nghiên cứu thiên văn của họ. Trong một văn bản, chẳng hạn có ghi: nếu trong tháng nixanu vào ngày thứ hai của tháng, sao Kim mọc ở hướng Đông, trong nước sẽ thiếu thốn… Ba tháng liền ngôi sao không thấy xuất hiện trên bầu trời. Ngày mồng bảy tháng atđanu, sao Kim sẽ xuất hiện ở đằng Tây, và một vị quốc vương sẽ tỏ thái độ thù địch đối với một vị khác”. Thần Mặt Trời (Samasơ) và thần Mặt Trăng (Xin) (chịu trách nhiệm” về thời tiết và niên lịch, còn sao Kim (Istarơ) - về sự phì nhiêu và chiến tranh. Vì vậy cần nghiên cứu “tính nết” của các hành tinh.

 

Vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên, thành phố Babilon bị người Caxit từ hướng Đông tới xâm chiếm. Họ cai trị trong khoảng 500 năm. Từ thời kỳ Caxit này còn lưu lại đến nay một loạt các văn bản chiêm tinh trong bộ sách tên là “Enuma Anu Enlilơ”, với gần 7000 lời tiên đoán. Những lời bói toán này chủ yếu đề cập tới hoàn cảnh cuộc sống của quốc vương, của gia đình ngài và của đất nước nói chung. Số phận những người dân thường không được đả động tới.

Lúc đó người ta đã biết có 5 hành tinh và quan sát hết sức cẩn thận những đặc điểm của đường đi kỳ quặc của chúng. Tới cuối thiên kỷ thứ II Trước Công nguyên phần lớn những ngôi sao sáng đã được gộp vào thành các chòm sao và có tới gần 70 chòm. Các chòm sao thời Mêxôpôtamia một phần nào trùng với thời nay. Chẳng hạn trong số chúng có chòm Song Tử, Con Cua, Sư Tử, Cái Cân, Bọ Cạp.v.v. . . Cũng có chỗ khác nhau. Ví dụ, ở chỗ của chòm Gấu Lớn thì người thời đó tách ra chòm Người Làm Thuê, còn ở chỗ chòm Đôi Cá là chòm Chim én Lớn.

Việc quan sát hiện tượng mọc tiền nhật của các ngôi sao được quan tâm đặc biệt, tức là theo dõi các ngày trong năm khi ngôi sao hoặc chòm sao nào đó lần đầu tiên xuất hiện ở phương Đông ngay trước lúc Mặt Trời mọc.

Người ta đã lập ra các lịch sao đặc biệt, trong đó mỗi tháng được xếp đặt cho phù hợp với ba chòm sao, mà hiện tượng mọc tiền nhật của chúng diễn ra trong tháng đó.

Sự hưng thịnh của nền thiên văn Lưỡng Hà diễn ra ở thiên kỷ I trước Công nguyên. Vào thời gian này ở Lưỡng Hà diễn ra những thay đổi to lớn về văn hóa. Vương quốc Atxiri mạnh lên và làm suy yếu ảnh hưởng của Babilon. Sau đó vào năm 612 trước Công nguyên, kinh đô của Atxiri là thành phố Ninêvê bị quân đội liên hiệp của người Mêdia và Babilon phá hủy. Trong cung điện đổ nát của vị vua cuối cùng của Vương quốc Atxiri là Atsuabanipan, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một thư viện mà ở đó trong vô vàn những “quyển sách” bằng đất sét lại có những văn bản của các nhà tư tế thiên văn. Cho tới giữa thiên kỷ thứ I trước Công nguyên ngôn ngữ Accat lại bị thay thế bằng ngôn ngữ Aramây.

Một loạt những văn bản chữ viết hình nêm có tên là “Mulơ Apin” (Đường cày của các vì sao) được viết ra vào thời kỳ của vương quốc Atxiri, trong đó tổng kết lạt sự phát triển của thiên văn học từ trước đến lúc đó. Ngoài danh mục các chòm sao và các sao cùng với danh sách ngày tháng chúng mọc lên vào buổi sớm ở đây còn có danh sách những điểm đỉnh (trung thiên) kế tiếp nhau của một vài ngôi sao và danh sách “các chòm sao nằm trên đường đi của Mặt Trăng”, bao gồm 18 chòm tiền thân của các cung Hoàng đạo hiện đại. Năm Mặt Trời được chia thành bốn mùa. Và cũng có khẳng định rằng, trong vòng một năm Mặt Trời cũng đi qua hết các chòm sao nói trên như là Mặt Trăng trong vòng một tháng. Trong bộ “Mulơ Apin” còn có cả những bảng xác định thời gian ban ngày theo cách đo độ dài bóng của cọc tiêu Mặt Trời.

Dưới triều đại các vị vua Atxiri cuối cùng trị vì vào các thế kỷ VIII-VII trước Công nguyên chiêm tinh học và thiên văn học được liệt vào các công việc quan trọng của quốc gia vùng Lưỡng Hà, có cả một mạng lưới các đền thờ quan sát thiên văn. Người ta báo cáo đều đặn kết quả quan sát cho quốc vương. Đến ngày nay, còn lưu lại được 600 báo cáo như vậy lấy từ thư viện Atsuabanipan. Cũng như ở các thời kỳ trước đó, sự quan tâm đặc biệt được dành cho hiện tượng nhật thực và nguyệt thực, những hiện tượng mà ngườt ta coi là những điềm xấu.

Từ giữa thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, các nhà thiên văn bắt đầu ghi lại những ngày tháng quan sát thấy nguyệt thực trong các danh sách đặc biệt. Chính nhờ biết được thời điểm của các lần nguyệt thực cổ xưa mà Hippac, Ptôlêmê và Côpecnic đã tính được độ dài một năm với độ chinh xác rất cao. Ptôlêmê đã chọn năm lên ngôi của quốc vương Babilon Navuhôđônôxo làm điểm khởi đầu cho cuốn lịch thiên văn của mình , bởi vì rằng , như ông đã viết: “…đó là thời đại mà bắt đầu từ đó các quan sát cổ đại nói chung còn lưu giữ được cho tới hôm nay”.

Truyền thống quan sát và lập “nhật ký quan sát” được duy trì cho đến thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Ngoài các kỳ nguyệt thực, trong “nhật ký” còn ghi lại một cách hệ thống những ngày trăng non mới mọc trăng tròn, vị trí của Mặt Trăng so với các sao, và sự dịch chuyển của các hành tinh so với Mặt Trời và các sao. Người ta cũng đều đặn ghi lại các ngày phân và ngày chí cũng như sự xuất hiện của các sao chổi, và thiên thạch. Cách quan sát của các nhà thiên văn Lưỡng Hà phần nào còn giữ được giá trị khoa học cho đến ngày nay.

Không có tư liệu nào chứng tỏ các nhà thiên văn Lưỡng Hà có sử dụng các dụng cụ đo góc. Sự thiếu chính xác trong quan sát của họ nói lên rằng họ đã tin vào các quan sát bằng mắt khi xác định khoảng cách giữa một tinh tú và các ngôi sao “làm mốc”. Dụng cụ thiên văn chủ yếu của họ là đồng hồ nước. Các nhà thiên văn Lưỡng Hà đã chia một ngày đêm ra thành 12 giờ, gọi chúng là “bê-ru”, và mỗi giờ lại chia ra làm 30 độ thời gian” (usơ). Một độ thời gian đúng bằng bốn phút của chúng ta bây giờ. Cũng với sự chính xác như vậy, các nhà thiên văn đã có thể xác định được thời gian ban đêm.

Sau khi Atxiri tan rã là bắt đầu một thời kỳ lên ngôi của Babilon kéo dài 90 năm cho tới năm 539 trước Công nguyên khi quốc vương Kiơ Đại Vương sáp nhập Babilon vào vương quốc Ba Tư (Pecxích). Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên Babilon trở thành kinh đô của đế chế ngắn ngủi của Alếchxăngđrơ Maxêđoan, và sau khi đế chế này tan rã, nó lại nằm dưới sự Cai trị của các triều vua Xêlêxiut. Nhưng mặc các biến động chính trị, nền thiên văn Mêxôpôtamia vẫn tồn tại tới tận công nguyên.

Thành tựu rực rỡ nhất của nền thiên văn Lưỡng Hà thời kỳ Tân Babilon là sự phát triển của lý thuyết toán học giúp ta tính toán chuyển động của Mặt Trăng và các hành tinh với độ chính xác đủ để quan sát bằng mắt thường. Nghi lễ thờ thần bầu trời Ahuramadơđa do cuộc xâm lăng của người Ba Tư đem đến đã thúc đẩy sự phát triển của chiêm tinh học và các nghiên cứu thiên văn.

Cái mới quan trọng nhất về thiên văn học thời đó là khái niệm Hoàng đạo: vòng tròn lớn của Hoàng đới, được chia thành 12 phần đều nhau, mỗi phần 300. Vòng tròn này là thang độ toán học để xác định vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh. Mỗi một phần - trong số đó - mỗi cung Hoàng đạo, được gọi theo tên của một chòm sao tương ứng.

Cũng vào khoảng thời gian đó người ta tìm ra chu trình lịch 19 năm để điều chỉnh sự thêm vào một tháng âm lịch. Ở Lưỡng Hà từ xưa đã sử dụng lịch Mặt Trời - Mặt Trăng (âm dương lịch kết hợp). Mỗi tháng gồm từ 29 đến 30 ngày bắt đầu vào buổi tối khi hình lưỡi liềm của trăng non xuất hiện. Năm bắt đầu từ mùa xuân và gồm 12 hay 13 tháng Mặt Trăng. Các tháng phụ được đưa thêm vào để làm cho ngày bắt đầu một năm trùng với thời vụ lúa đại mạch chín và các kỳ hành lễ tôn giáo. Chu kỳ 19 năm xét đến việc thêm cả thảy 7 tháng thứ 13 trong vòng 19 năm theo một thứ tự nhất định, sao cho bắt đầu chu kỳ tiếp theo từ Mặt Trăng lại vào đúng pha  như đầu chu kỳ trước . Ở châu Âu chu kỳ này được gọi là chu kỳ Mêtôn, bởi vì nó được nhà thiên văn thành Aten là Mêtôn đưa ra có thể là chịu ảnh hưởng của văn hóa Babilon.

Cũng trong thời kỳ này trên cơ sở nhiều năm quan sát ngườt ta đã tìm ra chu kỳ xarôt (saros, tiếng Hy Lạp nghĩa là “lặp lại”) là chu kỳ lặp lại 18 năm của các kỳ nguyệt thực. Điều này cho phép đưa ra các lời tiên đoán đúng về các kỳ nguyệt thực. Người ta cũng tìm ra quy luật chuyển động theo chu kỳ của các hành tinh. Có đầy đủ cơ sở để giả thiết rằng vào cuối thế kỷ IV trước Công nguyên, lý thuyết về chuyển động của Mặt Trăng và các hành tinh đã hoàn chỉnh. Cơ sở của chúng là phương pháp tính toán sử dụng cấp số cộng. Nhưng chúng ta hầu như không biết gì về những người lập ra lý thuyết đó. Nhà địa lý Hy Lạp Xtơrabon sống ở thời kỳ chuyển sang kỷ nguyên mới (Công nguyên) đã đưa ra một loạt tên những nhà thiên văn học nổi tiếng vùng Lưỡng Hà như Kiđi Gaburan Xêlêucơ (Seleucus) của thành bang Xêlêuxi. Hai cái tên đầu chúng ta bắt gặp trong các nguồn tư liệu viết bằng chữ hình nêm.

Văn bản viết bằng chữ hình nêm muộn nhất mang nội dung thiên văn được đề năm 75 của Công nguyên - là thời gian mà nền văn minh Lưỡng Hà đã suy thoái nghiêm trọng. Nhưng các thành tựu thiên văn của nó đã trở thành tài sản chung cho các nhà bác học cổ Hy Lạp và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành khoa học này. Lý thuyết về Mặt Trăng của Hippac chẳng hạn phần lớn là lấy cơ sở từ các dữ liệu của các nhà bác học Babilon, hệ thống các chòm sao thời cổ Hy Lạp có rất nhiều chòm lấy từ các chòm sao đã biết ở vùng Lưỡng Hà. Và ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục chia thiên cầu thành 3600, như các nhà thiên văn cổ đại vùng Lưỡng Hà đã làm.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/359-02-633324426507567500/Thien-van-hoc-cua-cac-nen-van-minh-co-dai/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận