LỊCH CỦA NGƯỜI ADƠTÊC HIẾU CHIẾN
Ở miền Trung Mêhicô từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XVI, những người Adơtêc (Aztec) hiếu chiến sống ở đây được mệnh danh “những chiến binh La Mã” của Tân thế giới chính vì đường lối đối ngoại xâm lược của họ. Nhưng họ lại chú ý đặc biệt tới các môn khoa học trong đó có thiên văn học.
Để đáp ứng nhu cầu canh tác, người Adơtêc sử dụng các kiến thức của tổ tiên đã lập nên một hệ thống lịch chính xác. Cơ sở của nó là chu trình Mặt Trăng Mặt Trời 52 năm (tương tự như khái niệm “thế kỷ” của chúng ta bây giờ). Vào cuối chu trình, theo quan niệm của họ, có thể xảy ra các thảm họa cỡ thế giới (nhật thực chăng?) hủy diệt tất cả các sinh vật trên thế giới. Để điều đó không xảy ra, phải tiến hành lễ trọng cho thần Lửa Mới với con người làm vật hiến tế. Vào 5 ngày cuối “bất hạnh” của chu trình 52 năm người Adơtêc đóng chặt cửa ở trong nhà, tắt hết mọi ánh đèn ánh lửa và chờ đợi bình minh trong ngày đầu tiên của chu trình mới để đốt lên ngọn Lửa Mới. Đàn bà và trẻ con tuyệt đối cấm ra khỏi nhà vào những ngày ấy để khỏi bị ma quỷ hắc ám bắt đi.
Một năm của người Adơtêc chia làm 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày. Vào cuối năm họ thêm vào những ngày “bất hạnh” nói ở trên. Không chỉ mỗi tháng mà mỗi ngày đều có tên của mình: ngày đầu tiên là “con cá sấu”, ngày thứ hai là “gió”, ngày thứ ba là “nhà” v.v... Ngoài ra, người Adơtêc còn có tên gọi cho từng giờ ban ngày và ban đêm. Chúng liên quan tới tên các vị thần. Vào năm 1790, ở thành phố Mêhicô đã tìm được hình ảnh cuốn lịch của người Adơtêc dưới dạng “tảng đá Mặt Trời” - một mặt đĩa bằng đá badan đường kính 3,7m và nặng 24 tấn. Mặt đá đầy các vạch hoa văn, các ký hiệu tượng hình thể hiện 20 ngày của người Adơtêc, 4 kỳ (Mặt Trời) và hai con rắn đeo kính biểu tượng của bầu trời cổ xưa. “Tảng đá Mặt Trời được chọn làm biểu tượng của Thế vận hội Ôlimpic ở Mêhicô năm 1968.