Tài liệu: Lịch và các vì sao

Tài liệu
Lịch và các vì sao

Nội dung

LỊCH VÀ CÁC VÌ SAO

 

Hy Lạp cổ đại, cũng như các nước phương Đông sử dụng âm dương lịch kết hợp cho các nghi lễ tôn giáo và dân sự. Theo lịch đó ngày đầu của mỗi tháng phải sắp xếp sao cho thật gần kỳ không trăng, còn độ dài trung bình của một năm phải cố gắng sao cho phù hợp với khoảng thời gian giữa hai ngày xuân phân (“năm trôpic” như bây giờ ta vẫn gọi). Thêm vào đó các tháng có 30 ngày và 29 ngày luân phiên nhau. Nhưng 12 tháng Mặt Trăng (tuần trăng) lại ngắn hơn một năm khoảng một phần ba độ dài một tháng. Vì thế để thỏa mãn yêu cầu thứ hai thỉnh thoảng lại phải dùng cách xen thêm - thêm vào một năm nào đó tháng phụ thứ mười ba.

Việc thêm vào được chính phủ của mỗi thành bang Hy Lạp tiến hành không đều đặn. Để làm việc này người ta cử ra một số nhà chuyên môn theo dõi xem một năm lịch chậm hơn năm Mặt Trời là bao nhiêu. Ở Hy Lạp cổ đại bị chia cắt thành các thành bang nhỏ như vậy, các bộ lịch cũng mang tính địa phương: Chỉ ở riêng tên gọi các tháng thôi trong phạm vi Hy Lạp đã lên tới con số 400. Nhà toán học và nghiên cứu âm nhạc Arixtôcxên (354 – 300) trước Công nguyên đã viết về sự hỗn loạn trong việc lập lịch như sau: “Ngày mồng mười của tháng trong lịch của người Côrinthơ lại là ngày mồng năm của người Aten và ngày mồng 8 của một thành ban nào đó. . .”.

Năm 433 trước Công nguyên, nhà thiên văn Mêtôn của thành Aten đã đề nghị sử dụng một bộ lịch đơn giản và chính xác với chu kỳ 19 năm mà người ta đã sử dụng từ thời Babilon. Chu kỳ này dự tính thêm vào 7 tháng phụ rải trong 19 năm. Độ sai lệch của nó không vượt quá hai giờ trong một chu kỳ.

Những người nông dân gắn với công việc mùa vụ, ngay từ xa xưa đã sử dụng bộ lịch sao không phụ thuộc vào chuyển động phức tạp của Mặt Trời và Mặt Trăng. Heliôt trong trường ca “Ngày tháng và công việc”, khi hướng dẫn cho Pecxơ em trai của mình, về thời vụ gieo trồng, ông đã tính chúng không phải theo âm dương lịch mà theo các vì sao:

Khi nào ở phương Đông chòm Tua Rua bắt đầu mọc

Hãy mau bắt tay vào vụ gặt.

Và khi những ngôi sao bắt đầu lặn.

Hãy mau bắt tay gieo hạt.

Kìa, trên trời cao sao Sirius

Vươn dậy với Thợ Săn,

Thần Bình Minh má đỏ hồng sắp gặp sao Arcturus.

 Thì hãy hát đi, Pecxơ, và mang về những chùm nho  chín mọng.

Như vậy sự hiểu biết sâu sắc về bầu trời sao, một điều mà ngay thời nay mấy ai dám khoe khoang, là rất cần cho người cổ Hy Lạp và rõ ràng là nó được phổ biến rộng rãi. Có thể trong gia đình người ta đã dạy cho bọn trẻ từ bé.

 

Âm dương lịch cũng được sử dụng ở thành La Mã. Nhưng ở đây họ sử dụng cuốn lịch tùy tiện hơn nhiều. Độ dài và ngày bắt đầu một năm phụ thuộc vào các thầy giáo trưởng (tiếng La tinh pontifices) là các vị tư tế La Mã, những người không hiếm khi sử dụng quyền của mình phục vụ cho các mục đích vụ lợi. Tình hình ấy không thể đáp ứng nhu cầu của một đế chế rộng lớn đang phát triển rất nhanh thành nhà nước La Mã. Vào năm 46 trước Công nguyên, Giuliút Xêda (100-44 trước Công nguyên) đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu nhà nước kiêm tư tế tối cao đã tiến hành cải cách lịch. Ông đã giao nhiệm vụ cho Xôdigien, một người gốc Hy Lạp và là nhà thiên văn học - toán học ở thành phố Alêcxanđria, lập ra một bộ lịch mới. Ông này đã lấy lịch của người Ai Cập, thuần tuý là dương lịch làm cơ sở cho lịch mới. Việc bỏ không tính đến các pha của Mặt Trăng làm cho bộ lịch trở nên đơn giản và chính xác. Bộ lịch này gọi là lịch Giuliút, được sử dụng cho các nước theo Cơ đốc giáo cho đến thế kỷ XVI khi bộ lịch Grêgôriut chính xác hơn được đưa vào sử dụng ở các quốc gia Công giáo.

Cách tính năm theo lịch Giuliút bắt đầu từ năm 45 trước Công nguyên. Ngày đầu tiên của một năm được tính là ngày mồng 1 tháng giêng (trước kia tháng ba được coi là tháng đầu tiên của một năm). Để tỏ lòng biết ơn công lao áp dụng bộ lịch mới, Nghị viên La Mã đã ra quyết nghị đổi tên tháng quyntilix (tháng thứ năm theo lịch cũ), tháng sinh của Xêda, thành tháng có tên là giuli - tức là tháng bảy bây giờ. Hiện nay, nhiều ngôn ngữ châu Âu vẫn giữ tên gọi đó, ví dụ trong tiếng Anh: July, tiếng Pháp: juillet). Vào năm thứ 8 của Công nguyên để tôn vinh vị hoàng đế kế tiếp là Ôctaviut Auguxtơ, tháng xecxtilix (tháng thứ sáu theo tên gọi từ lịch cũ) lại được đổi tên là tháng auguxtơ (tiếng Anh: August, tiếng Pháp: aout) tức là tháng 8 bây giờ. Khi Tibêriut, hoàng đế thứ ba được các nguyên lão nghị viện đề nghị lấy tên của ông đặt cho tháng xeptembrơ (tháng thứ bảy theo tên gọi từ lịch cũ), ông đã từ chối và hỏi lại: “Sau này đến hoàng đế thứ 13 thì sẽ làm thế nào?”.

Bộ lịch mới thuần tuý là bộ lịch hành chính quốc gia, còn theo truyền thống các ngày lễ tôn giáo vẫn tiến hành phù hợp với các tuần trăng. Hiện nay ngày lễ Phục sinh được tính theo âm lịch hơn nữa để tính ngày lễ này vẫn sử dụng chu kỳ lịch do Mêtôn đề xuất.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/360-02-633324489043973750/Thien-van-hoc-co-Hy-Lap-va-La-Ma/Lich-va-c...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận