TALET - NHÀ THIÊN VĂN HỌC ĐẦU TIÊN CỦA CHÂU ÂU
Người đầu tiên áp dụng tư duy lý thuyết và từ người đó trí tuệ của con người đã bước những bước đầu tiên đến nền văn minh khoa học - đó là Talet.
Immanuel Kant
Những người Hy Lạp coi Talet là người thông thái nhất trong số bảy nhà thông thái Hy Lạp. Tuổi tứ tuần của ông (khí tài năng trí tuệ và tinh thần vào độ chín nhất) đã đến vào năm 585 trước Công nguyên. Sách của Talet không còn lưu đến bây giờ, nhưng như nhà sử học Điôgien xứ Laectơ chứng nhận: “Ông là người đầu tiên tính được thời gian Mặt Trời đi từ cổng trời này đến cổng trời kia (độ dài thời gian của một năm) và là người đầu tiên tính được đường kính biểu kiến của Mặt Trời và Mặt Trăng là 1/720 đường tròn (0,5o). Ông cũng là người đầu tiên gọi là ngày cuối cùng của tháng là ngày ba mươi và suy luận về thiên nhiên”.
Các nhà bác học cổ đại khác cũng khẳng định về ông.
Platôn:
- Người ta nói rằng Talet khi quan sát những ngôi sao và ngước nhìn lên bầu trời đã bị ngã xuống giếng và một cô hầu gái người xứ Thơraxơ xinh xắn và sắc sảo, đã phá lên cười trêu ông: Ông này cứ muốn biết có gì ở trên trời trong khi lại không nhìn thấy cái ngay trước mũi và dưới chân mình.
Hippôlit:
- Talet nói rằng cái bắt đầu và kết thúc của Vũ Trụ là nước. Bởi vì mọi thứ đều tạo thành từ nước khi nó đông lại, cũng như khi nó bốc hơi. Tất cả bồng bềnh trên mặt nước, từ đó sinh ra động đất, bão tố và chuyển động của các vì sao. Ông đã coi “cái không có sự bắt đầu, cũng không có sự kết thúc”, là Thượng đế.
Ptutac:
- Những người thông thái nhất xứ Hy Lạp là Talet, Platôn, Ơđôc và Pitago - đã đi sang Ai Cập và học các vị tư tế ở đó. Talet đã làm cho vị pharaôn (vua) Amaixt hào hứng cực độ khi ông đo tính kích thước của Kim tự tháp một cách dễ dàng như chơi mà không cần đến một dụng cụ nào cả. Ông chỉ dùng mỗi cây gậy cắm ở rìa mép bóng râm của Kim tự tháp. Tia nắng mặt trời lướt chạm vào đỉnh Kim tự tháp và đầu gậy tạo thành hai hình tam giác và ông đã chỉ tận mắt cho mọi người thấy rằng Kim tự tháp tỷ lệ với cây gậy cũng như bóng của nó với bóng của cây gậy.
Ơđem:
- Định lý: “Hai tam giác bằng nhau, nếu như hai góc và cạnh xen giữa của tam giác này bằng hai góc và cạnh xen giữa của tam giác kia”, có lẽ Talet đã biết trước cả Ơclit. Nói như vậy là vì để đo được khoảng cách từ bờ biển đến con tàu đang ở ngoài khơi theo cách mà tương truyền là của Talet, rõ ràng phải sử dụng định lý này.
Xtôbê:
- Talet khẳng định rằng Mặt Trăng cũng bằng đất. Các ngôi sao cũng bằng đất nhưng là đất nung đỏ.
Xixêrôn:
- Nhật thực xảy ra là do Mặt Trăng trùm lên nó. Như vậy việc Mặt Trời bị che khuất chỉ xảy ra vào kỳ không trăng mặc dù không phải là vào bất kỳ thời điểm không trăng nào. Người ta nói rằng Talet là người đầu tiên hiểu điều này.
Plini Già:
- Talet là người đầu tiên ở Hy Lạp nghiên cứu nguyên nhân của thiên thực. Vào năm thứ tư của Thế vận hội lần thứ 48 ông đã báo trước nhật thực, (xảy ra ngày 28 tháng 5 năm 585 trước Công nguyên).
Hyghin:
- Tại sao ngôi sao Bắc Cực được gọi là ngôi sao Phênixi? Thì ra Talet là người đầu tiên chỉ ra rằng sao Bắc Cực và chòm Gấu Nhỏ chỉ hướng Bắc chính xác hơn chòm Gấu Lớn. Talet vốn gốc gác ở vùng Phênixi, theo lời của Hêrôđốt.