ĐÊMÔCRIT: TỒN TẠI RẤT NHIỀU THẾ GIỚI
Đồng thời với học thuyết của Anacxago, về vật chất toàn năng phân chia vô tận còn nảy sinh ra một lý thuyết vật chất ngược lại: thuyết nguyên tử. Những người theo thuyết này cho rằng trong thế giới có một trạng thái hư vô: đó là một khoảng trống rỗng vô tận trong đó. có vô số các hạt không thể phân chia, gọi là nguyên tử chuyển động hỗn độn. Chúng va chạm vào nhau, kết hợp với nhau theo các cách khác nhau, tạo thành những chất, những vật thể đa dạng khác nhau. Các thế giới đã sinh ra như vậy và trong Vũ Trụ không cùng chắc chắn sẽ có vô vàn các thế giới.
Thế thì phải chăng các thế giới xuất hiện một cách ngẫu nhiên? Không hoàn toàn như vậy. Những người theo thuyết nguyên tử ngả theo ý kiến của Empeđôclơ (khoảng năm 490-430 trước Công nguyên) khẳng định khả năng xuất hiện trạng thái trật tự từ trạng thái hỗn loạn. Thực vậy các nguyên tử va chạm với nhau trong các dạng kết hợp ngẫu nhiên, nhưng chỉ có một số dạng may mắn trong số đó là có thể duy trì bền vững. Chúng sẽ tích tụ lại, tác động qua lại và tạo thành các hợp chất phức tạp.
Hippôlit, người sống vào thế kỷ thứ III của Công nguyên đã mô tả quan điểm thiên văn của Đêmôcrit, nhà triết học nổi tiếng thuộc trường phái nguyên tử (ông sinh vào khoảng năm 470 hoặc 460 trước Công nguyên, và thọ hơn 100 tuổi) như sau: “Ông nói rằng, có vô vàn thế giới và chúng khác nhau về kích thước. Trong một số thế giới không có cả Mặt Trời lẫn Mặt Trăng, còn ở một số thế giới khác - Mặt Trời và Mặt Trăng lại to hơn so với ở thế giới chúng ta, lại có vài thế giới khác nữa có nhiều Mặt Trời và Mặt Trăng hơn. Khoảng cách giữa các thế giới không như nhau: ngoài ra, ở nơi này có số thế giới nhiều hơn ở nơi khác lại ít hơn. Một số thế giới đang phát triển, số khác đạt tới hưng thịnh, số khác nữa lại bắt đầu lụi tàn. . .Chúng sẽ tự tiêu diệt khi va chạm với nhau.
Những người theo thuyết nguyên tử đã tự giải quyết cho mình vấn đề nguồn gốc của các thế giới này. Điôgien xứ Laectơ đã trình bày quan điểm của Lơxip - thầy của Đêmôcrit như sau: “Vô số nguyên tử đủ loại chuyển động trong khoảng chân không bao la; khi tích tụ lại chúng tạo nên một cơn lốc xoáy duy nhất, và trong lốc xoáy chúng va chạm vào nhau, xoay tròn mọi hướng, rồi tách ra thành từng nhóm những nguyên tử giống nhau… Những nguyên tử nhẹ bay ra khoảng chân không phía ngoài, dường như tan thành bụi trong đó những nguyên tử còn lại tụ với nhau bám vào nhau, cuộn vào nhau trong vòng xoáy chung và tạo thành một hợp chất khởi thủy nào đó có dạng một quả cầu. Đến lượt mình chất đó lại lột khỏi mình lớp vỏ, nơi có những nguyên tử đa dạng thấm vào”.
Lớp “vỏ” đó lớn dần vì có cả loạt những nguyên tử nhẹ hơn phía ngoài nhập vào, và phía dưới nó các thiên thể được sinh ra và cháy sáng. Trái Đất cũng được tạo nên và nằm ngay ở trung tâm xoáy lốc, nó không quay và có dạng một trái hạch. Mặc dù quan điểm về bản chất vật chất và sự kiến tạo các thế giới của những người theo thuyết nguyên tử và Anacxago khác nhau, nhưng các thế giới mà họ trình bày lại rất giống nhau. Cả hai thế giới đều có một Trái Đất hình đĩa phẳng đứng yên một chỗ được bao quanh bởi một lớp vỏ trong đó có các thiên thể xoay xung quanh. Có vẻ như, chỉ biến thêm một chút xíu nữa là những người theo thuyết nguyên tử có thể thấy bầu trời là cửa sổ để nhìn vào thế giới vô tận, còn các ngôi sao là Mặt Trời của các thế giới xa xôi. Nhưng họ đã không tiến thêm được bước đó. Quan niệm về một vòm cầu sao liền khối xoay quanh Trái Đất đã ngăn trở họ. Một bước tiến quan trọng nữa cũng không được thực hiện: họ không công nhận hình dạng cầu của Trái Đất mà điều này trước đó đã được Pacmênit và Empeđôclơ bàn tới.