ANACXAGO: “VŨ TRỤ CỦA CÁC THIÊN THẠCH”
Hàng năm vào tháng tôi qua đời, hãy cho lũ trẻ được nghỉ hè.
Anacxago. “Di chúc”.
Anacxago (khoảng năm 500 – 428 trước Công nguyên) người thành phố Cladômen, cách không xa thành Milet, rất thông thạo học thuyết của các nhà triết học thời đó. Ông là thầy của Pêriclê và Ơripit. Ông sống ở Aten phần lớn đời mình. Có một lần khi trách Anacxago về thái độ bàng quan với chính trị của ông một nhà triết học đã nói: Ông hình như không quan tâm gì tới tổ quốc thì phải”. Anacxago trả lời: phỉ phui cái mồm ông! Tôi chỉ nghĩ về tổ quốc mà thôi” và ông cầm cây gậy chống chỉ lên trời. Khác với Talet coi nước là khởi đầu của mọi vật, hoặc Anacximanđra đưa ra khái niệm apâyrôn, Anacxago coi tố chất khởi thủy có dạng hỗn hợp “các hạt giống” của mọi vật chất là chất khởi đầu của Vũ Trụ. Hỗn hợp đó lấp đầy khoảng không vô tận, và không hề bị khuấy động. Nhưng rồi ở một phần của nó chợt tạo thành một con xoáy lốc kinh hồn. Nguyên nhân xuất hiện được nhà triết học gọi là nux (lý trí) - không phải là thần thánh tự sinh mà như là một cái gì đó sinh ra từ chất khởi đầu “bao gồm tri thức về tất cả mọi vật và có một sức mạnh vĩ đại”. Anacxago hình dung sự phát triển tiếp theo của Vũ Trụ như sau: “Vòng quay đó từ từ bắt đầu và giờ đây nó bao trùm càng nhiều khoảng không và trong tương lai sẽ còn trùm lên nhiều nữa”.
Vòng quay ban đầu rất nhanh. Hỗn hợp khởi thủy bị cuốn vào vòng xoáy và tách ra thành các chất riêng rẽ. Trong đó các chất đậm đặc bị cuốn vào giữa con lốc xoáy và sinh ra mặt đĩa phẳng của Trái Đất. Những chất nhẹ hơn - thành không khí và lớp ête mỏng manh nóng rực bị hất ra phía ngoài. Ở một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của thế giới có những mảnh lớn ở rìa Trái Đất bị đứt ra và sau đó trở thành các thiên thể. Dần dần chuyển động sẽ lan từ tâm xoáy lốc tới rìa của nó. Trái Đất ngừng lại còn bầu trời tiếp tục xoay, hơn nữa vào một thời điểm nào đó nó còn bị nghiêng đi”.
Đó là một chi tiết quan trọng. Quả thực, Bầu Trời quay quanh trục thẳng đứng chỉ ở khi quan sát vùng cực còn ở Hy Lạp trục của nó nghiêng rõ rệt; ở Aten là 38o so với mặt phẳng chân trời. Vì thế, hệ thống thế giới với Trái Đất như chiếc đĩa phẳng xoay tròn, mà đem chuyển động ấy để giải thích cho hiện tượng quay biểu kiến của bầu trời thì không thể đứng vững.
Anacxago cho rằng các thiên thể đi qua phía dưới Trái Đất và ông cũng biết nguyên nhân của nhật thực và nguyệt thực. Nhưng các “bước ngoặt” của Mặt Trời, tức là sự thay đổi độ cao của nó so với chân trời sau các kỳ hạ chí và đông chí được nhà triết học giải thích bằng sự nóng lên hoặc nguội đi của không khí.
Vũ Trụ theo Anacxago - là một cái bong bóng hình cầu đang nở dần ra và ở tâm của nó là chiếc đĩa Trái Đất dựa vào không khí. Xung quanh Trái Đất là cơn xoáy lốc ête, cuốn theo Mặt Trời - “một tảng đá hoặc khối kim loại nóng đỏ có kích Thước lớn hơn bán đảo Pêlôpônnet nhiều lần” – và cuốn cả Mặt Trăng. Trên Mặt Trăng có làng mạc cũng như đồi núi hoặc vực sâu. Cơn lốc còn cuốn theo cả các vì sao - là những tảng đá nóng đỏ nhưng nhỏ hơn Mặt Trời.
Vào năm 466 trước Công nguyên khi Anacxago 34 tuổi, có một tảng thiên thạch lớn rơi xuống gần sông Egoxpôtama vùng Thraxo. Một vài tác giả cổ đại nói rằng Anacxago đã báo trước chính xác ngày tảng thiên thạch rơi xuống. Tất nhiên điều đó chỉ là truyền thuyết nhưng nó phần nào cũng có lý do. Chả là chính Anacxago đã nói: nếu như Bầu Trời quay chậm lại thì tất cả các tảng đá sẽ rơi xuống”. Trong một ý nghĩa nào đó câu nói ấy cũng có thể được coi là lời tiên đoán những sự kiện như trên, hoặc có thể là ngược lại, việc thiên thạch rơi xuống đã làm nhà bác học nảy sinh ra ý nghĩ ấy!
Vì cái “mô hình Mặt Trời” nhạo báng thần thánh ấy mà chính quyền Aten kết án tử hình Anacxago. Pêriclê lên tiếng bênh vực ông “Hỡi dân chúng thành Aten các người có thể trách cứ tôi về điều gì chăng? “Không hề trách cứ điều gì cả” - những người dân Aten đáp lại. “Anacxago chính là thầy tôi” - Periclê lại nói. Và thế là Anacxago đã thoát chết và chỉ bị đuổi khỏi Aten.