Tài liệu: Sự chuyển động của Trái đất. Mô hình vũ trụ của Philôlau

Tài liệu
Sự chuyển động của Trái đất. Mô hình vũ trụ của Philôlau

Nội dung

SỰ CHUYỂN ĐỘNG CỦA TRÁI ĐẤT. MÔ HÌNH VŨ TRỤ CỦA PHILÔLAU

 

Tất cả các giả thuyết trước đây về sự chuyển động của Trái Đất đều liên quan đến những người theo học thuyết Pitago. Khái niệm về tính tương đối của chuyển động thì bất cứ ai cũng biết, chỉ cần người đó một lần đi bơi thuyền. Nhưng vận dụng nguyên tắc đó cho Trái Đất và Bầu Trời thì chỉ có thể là những người công nhận Trái Đất có dạng hình cầu.

Người ta thường coi Ecphant và Hiket, những người theo Pitago ở thành phố Xiracudơ là các tác giả của ý tưởng Trái Đất quay quanh trục của nó. Chúng ta hầu như không biết gì về những người này. Ecphant trong một tư liệu còn giữ được đến ngày này cho rằng “Trái Đất chuyển động nhưng không tịnh tiến mà quay quanh trục của mình từ Tây sang Đông giống như một chiếc bánh xe”. Về Hiket, ngoài những tư liệu tương tự, còn có thêm vài thông tin nữa. Ông công nhận có hai Trái Đất: “Trái Đất ta ở và Đối Trái Đất (Antichtôn)”. Về Đối Trái Đất sẽ nói đến sau. Sự quay của Trái Đất cho phép “làm dừng” một chuyển động nhanh nhất trong số các chuyển động của bầu trời - sự xoay tròn trong một ngày đêm (nhật động) “của bầu trời gồm các vì sao bất động” xung quanh trục của Vũ Trụ. Thông tin này không phải là vô ích. Vào năm 1542 Côpecnic đã viện dẫn đến nó. Trong lời đề tựa cho cuốn sách nổi tiếng của mình. “Bàn về sự quay của các thiên cầu” ông có ý coi các nhà thiên văn học cổ đại là những người đi trước mình. Ông cũng nhắc đến Philôlau như một nhà triết học duy nhất của trường phái Pitago, nhắc đến hệ thống thế giới của ông này, dù nó được biết đến rất ít. Rất nhiều tác gia của Hy Lạp và La Mã cổ đại coi Philôlau, người thành Crôtôn (khoảng 470-388 trước Công nguyên) là người đầu tiên trong số những người phái Pitago đã công bố học thuyết của mình. Ông đã viết cuốn sách “Bàn về tự nhiên”, tiếc rằng nó không còn giữ lại được đầy đủ cho đến thời chúng ta. Cuốn sách này bàn về cấu tạo của Vũ Trụ. Arixtôt dã viết rằng: theo Philôlau “Trái Đất là một trong những ngôi sao (hành tinh theo cách hiểu ngày nay) chuyển động vòng tròn quanh một tâm điểm gây ra hiện tượng ngày đêm nối tiếp nhau”. Hệ thống thế giới của Philôlau đầy những chi tiết siêu tưởng. Xtôbê, một nhà văn xứ Bidăngtin, đã viết như sau: “Philôlau đã đặt giữa trung tâm của thế giới một ngọn lửa mà ông gọi là Lò Lửa vũ trụ, ngôi nhà của thần Dớt hay người Mẹ của các thánh thần. Ngoài ra ông lại công nhận một ngọn lửa khác được đặt cao hơn tất cả và được coi là ngọn lửa bao quát. Ngọn lửa đầu về bản chất là Ngọn Lửa trung tâm và xoay tròn xung quanh nó là một dãy mười vật thể thần thánh: bầu trời và các hành tinh sau chúng là Mặt Trời, dưới Mặt Trời là Mặt Trăng dưới Mặt Trăng là Trái Đất, dưới Trái Đất là Đối Trái Đất và phía sau tất cả là Ngọn Lửa”.

Ngoài chuyện đưa vào hai thiên thể tưởng tượng: Ngọn Lửa trung tâm và Đối Trái Đất, Philôlau còn coi Mặt Trời phản chiếu ánh sáng. Một trong những tư liệu về vấn đề này có ghi: “Theo Philôlau một người của phái Pitago, thì Mặt Trời như một tấm kính phản chiếu Ngọn Lửa vũ trụ”. Rõ ràng gương Mặt Trời này đã ban cho Trái Đất một phần của ánh lửa trung tâm.

Điều mà Aritôt và Xtôbê mô tả không phải là hệ thống địa tâm của thế giới theo truyền thống của thời cổ mà là một hệ thống “nhiệt tâm” nào đó. Xung quanh Ngọn lửa trung tâm là quỹ đạo của Đối Trái Đất, Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời, các hành tinh và các ngôi sao. Trái Đất luôn luôn hướng một mặt của mình về phía Ngọn Lửa, (giống như Mặt Trăng cũng chỉ hướng một mặt về Trái Đất), dĩ nhiên là không phải mặt mà chúng ta đang sống. Đối Trái Đất chuyển động đồng bộ với Trái Đất và chúng ta không nhìn thấy nó, bởi vì Trái Đất đã che khuất nó”. Về nguyên tắc, kiểm tra giả thuyết này tương đối đơn giản: Chỉ cần tổ chức một đoàn thám hiểm và họ chỉ cần vượt một quãng đồng bằng 1/4 chu vi Trái Đất là có thể nhìn thấy cả Ngọn Lửa, cả Đối Trái Đất. Đây chỉ là chuyện nói cho vui vào thời đó mà khuyên như vậy cũng tương tự như bây giờ chúng ta đề nghị các nhà thiên văn bay tới tâm Thiên Hà để kiểm tra xem ở đó có lỗ đen không.

Tiếp theo Anacxago, người đồng thời và người bạn lớn tuổi của ông Philôlau cũng coi Mặt Trăng là có người ở Xtôbê đã đưa ra thông tin này khi ông nói rằng: “Một vài người thuộc phái Pitago, ví dụ như Philôlau, cho rằng Mặt Trăng cũng như Trái Đất của chúng ta, có động vật và thực vật sống nhưng chúng lớn hơn và đẹp hơn các loài trên Trái Đất. Chúng lớn gấp 15 lần động vật trên Trái Đất”. Điều đó được giải thích là vì ngày ở trên Mặt Trăng dài gấp 15 lần ngày trên Trái Đất.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/360-02-633324518629017964/Thien-van-hoc-co-Hy-Lap-va-La-Ma/Su-chuyen...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận