Tài liệu: Pacmênit: Trái đất có hình cầu

Tài liệu
Pacmênit: Trái đất có hình cầu

Nội dung

PACMÊNIT: TRÁI ĐẤT CÓ HÌNH CẦU

 

Pacmênit (khoảng năm 540-480 trước Công nguyên) là người thành phố Elêa của Italia, đồng thời với Pitago. Ông đã đi vào lịch sử như một nhà tư tưởng kiệt xuất, người xác định được diện mạo và các vấn đề của triết học trước nhiều thế kỷ. Chắc chắn ông đã biết đến học thuyết của Pitago. Chẳng hạn có những tin cho rằng (ông đã giao du với một hội viên Pitago tên là Amini”.

Pacmênit, theo đúng tinh thần của Anacximanđrơ, coi lửa và đêm tối là các chất khởi thủy của tất cả mọi vật. Nhà triết học có lẽ đã ngả theo Anacximanđrơ khi tìm hiểu bản chất của Mặt Trời trong một tư liệu có nói rõ: “Mặt Trời theo ông - là linh hồn của lửa” nhưng Mặt Trăng theo ông lại mượn ánh sáng của Mặt Trời, có nghĩa là Mặt Trăng phải là một thiên thể riêng biệt. Nó là một “hỗn hợp gồm chất aerơ (lớp không khí tối bị đông lại) và lửa. Nhưng cái chính ở đây là: trong hệ thống thế giới của Pacmênit lần đầu tiên Trái Đất được nhắc tới với dạng hình cầu.

Đó là một bước tiến khổng lồ trong nhận thức về thế giới một bước tiến từ huyền thoại đến thực tiễn. Ở thời kỳ này cũng như một thời gian dài sau đó các nhà bác học không có được số liệu quan sát chứng minh cho dạng hình cầu của hành tinh chúng ta. Có thể thấy được điều này qua việc Đêmôcrit - người sống sau Pacmênit 100 năm, cũng cho rằng Trái Đất có dạng đĩa phẳng và tất nhiên ông này chắc cũng biết đến bản trường ca “Bàn về thiên nhiên” của Pacmênit.

Chúng ta từ bé đã biết rằng Trái Đất là một khối cầu, vì thế nên rất khó cảm nhận được sức mạnh của ý kiến này. Việc công nhận Trái Đất có dạng hình cầu gây nên một sự xáo động to lớn ảnh hưởng đến tận gốc rễ các quan niệm về thế giới. Nó là một sự chối bỏ quan niệm truyền thống hàng thế kỷ được hình thành bởi kinh nghiệm qua các thế hệ, và được nhiều tôn giáo công nhận.

Quan niệm “Một Vũ Trụ hợp tung” (theo chiều dọc) có mặt một cách vô hình ở khắp mọi nơi. Trong thần học truyền thống, cái đe tưởng tượng mà thi sĩ Hêxiôt ném từ trên trời xuống đã rơi từ đó xuống tận đáy cùng của thế giới là ngục Tacta nơi âm phủ.

Có phải Pacmênit là tác giả của ý tưởng Trái Đất có dạng hình cầu không? Các nguồn tư liệu khác nhau về vấn đề này đã đưa ra nhiều cái tên trong đó có cả Pacmênit, cả Pitago. Có lẽ phải nhường nó cho Pitago, vì các nguyên nhân sau: Thứ nhất lời khẳng định về điều này của Pacmênit nằm ở một đoạn trong bản trường ca bàn về tự nhiên”, trong đoạn đó ông trình bày “ý kiến của những người đã khuất” chứ không phải của chính ông. Thứ hai ông nghiên cứu về các vấn đề chung hơn nhiều và chắc gì ông đã đề xuất “một cuộc cách mạng” trong thiên văn học. Ngược lại đối với Pitago có nhiều lý do để làm việc đó.

Cơ sở triết học của Pitago là sự hài hòa của thế giới. Ta biết rằng các hội viên Pitago coi hình cầu là hình hoàn hảo nhất. Trái Đất có hình cầu không thể hài hòa với Bầu Trời hình cầu. Có thể chính điều đó là nguyên nhân để công nhận Trái Đất có hình cầu. Và nếu như ý kiến này thuộc về trường phái Pitago thì khó có khả năng người sáng lập ra trường phái đó lại không biết đến.

Nhưng để công nhận Trái Đất là hình cầu thì rũ bỏ gánh nặng của lối suy nghĩ truyền thống là chưa đủ. Còn phải thay đổi cả quan niệm mọi vật có xu hướng rơi thẳng xuống dưới bằng việc chúng có xu hướng chuyển động hướng vào tâm Pacmênit đã giải được bài toán này một cách tương đối bất ngờ. Ở tâm điểm của thế giới nhà triết học đặt nữ thần tình yêu Aphorôđit (tức thần Vệ Nữ trong thần thoại La Mã), mẹ của thần tình yêu Êrốt. Nếu như thần Êrốt làm mọi sinh vật nảy sinh ước muốn tìm đến với nhau thì tại sao không gắn tính chất đó cho các vật khác mà nữ thần lôi kéo về phía mình bằng tình yêu? Cần nhớ rằng Pacmênit coi lửa là vật chất khởi thủy sáng tạo ra mọi thứ. Và Philôlau, học trò của Pitago, cũng đặt lửa vào trung tâm của thế giới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/360-02-633324517637153233/Thien-van-hoc-co-Hy-Lap-va-La-Ma/Pacmenit-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận