NHỮNG CHỨNG CỨ VỀ VIỆC TRÁI ĐẤT CÓ HÌNH CẦU
Vì sao Trái Đất lại nhất thiết phải nằm ở trung tâm của thế giới và bất động? Có lẽ là vì khi chúng ta dùng sức ném bất cứ vật gì lên phía trên, chúng lại rơi xuống đúng chỗ cũ ngay cả khi lực ném chúng lên một khoảng cách xa tưởng như vô tận. Từ đó suy ra rằng Trái Đất không chuyển động và không thể nằm chệch ra khỏi trung tâm của Vũ Trụ. Hình dạng của Trái Đất nhất thiết phải là hình cầu vì mỗi phần của nó dù nhỏ cũng có trọng lượng và sẽ rơi xuống dưới cho tới khi nào đạt tới tâm điểm. Các phần của Trái Đất phải chịu các áp lực qua lại lẫn nhau và phần nọ chen phần kia cho đến khi đạt được vị trí gần tâm nhất.
Dạng cầu của Trái Đất đã được minh chứng qua quan sát. Thứ nhất, trong thời gian nguyệt thực rìa bóng đen trên đĩa Mặt Trăng luôn có dạng một cung tròn. Nếu như khi có nguyệt thực, Mặt Trăng bị Trái Đất che mất ánh sáng của Mặt Trời tới nó mà bóng Trái Đất có hình tròn thì Trái Đất phải có hình cầu.
Thứ hai, việc quan sát các ngôi sao dễ dàng chứng minh được không chỉ Trái Đất tròn mà còn thấy rõ rằng kích thước của nó không lớn. Chỉ cần chúng ta dịch chuyển chỗ quan sát một chút về phía Nam hay phía Bắc thì đường chân trời sẽ trở nên khác ngay: Toàn cảnh bầu trời sao trên đầu chúng ta thay đổi rõ rệt và khi chúng ta đi lên phía Bắc hoặc xuống phía Nam chúng ta nhìn thấy những ngôi sao không giống nhau. Chẳng hạn, một vài ngôi sao có thể nhìn thấy ở Ai Cập lại không nhìn thấy được ở các nước phía Bắc, còn các ngôi sao thường xuyên nhìn thấy ở các nước phía Bắc thì ở Ai Cập lại lặn xuống dưới đường chân trời. Như vậy ta thấy rõ ràng rằng Trái Đất không chỉ có hình tròn mà còn là một khối cầu không lớn: nếu không chúng ta đã không thể nhận thấy những thay đổ nói trên nhanh đến thế mà chỉ cần di chuyển một khoảng cách không xa.
Bởi vậy những người cho rằng vùng đất của những “cột chống trời của thần Hecquyn” (eo biển Gibranta) là nằm đối diện với Ấn Độ và theo nghĩa đó, chỉ có một đại dương duy nhất trên thế giới thì họ cũng không đến nỗi quá vô lý. Và cuối cùng có những nhà toán học đã bắt tay vào tính toán độ dài của chu vi Trái Đất. Họ nói rằng độ dài ấy là gần 400.000 xtađi (đơn vị đo độ dài thời cổ Hy Lạp, tương đương 74.000 km). Từ đó suy ra Trái Đất nhất thiết phải có hình cầu và không lớn so với kích thước các ngôi sao khác.
(Trích trong tác phẩm “Bàn về bầu trời” của Arixtôt. Khoảng năm 340 trước Công nguyên).