Tài liệu: Thiên văn của giới tăng lữ

Tài liệu
Thiên văn của giới tăng lữ

Nội dung

THIÊN VĂN CỦA GIỚI TĂNG LỮ

 

Một trong những tai họa lớn lao và cũng là một trong những khía cạnh đáng chê cười nhất của loài người là trong tất cả các quốc gia mang danh là văn minh thời đó (có lẽ chỉ trừ nước Trung Hoa) giới tăng lữ (các nhà tư tế) luôn được đảm trách các công việc lẽ ra là đặc quyền của giới bác học. Họ can thiệp vào việc sắp xếp thứ tự của một năm lịch với các lý do nào là họ có quyền làm việc đó, nào là nhân dân cần biết các ngày lễ của mình. Giới tăng lữ Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Chanđê thời đó tự cho mình là các nhà toán học và thiên văn học. Họ mà là toán học và thiên văn học ư?

Suốt ngày họ chỉ bận bịu nhận đồ cúng lễ, rao giảng các lời sấm về tương lai và khoe khoang về mình, lấy đâu ra thì giờ làm khoa học một các nghiêm túc. Không một ai trong những kẻ lấy sự bịp bợm làm nghề ấy lại có thể có một trí óc sáng láng và chính xác cả. Loại như họ chỉ hành nghề chiêm tinh chứ không thể nghiên cứu thiên văn học.

Chính giới tăng lữ Hy Lạp lúc đầu cho rằng một năm chỉ có 360 ngày. Phải cần đến các nhà hình học mới làm cho họ hiểu rằng họ nhầm và thiếu mất hơn 5 ngày. Thế là họ lại thay đổi số ngày trong năm của mình. Những nhà hình học khác nhân dịp đó lại chỉ cho họ thấy rằng họ sai mất 6 giờ. Hoàng đế Iphit buộc họ phải thay đổi lịch cúng lễ của mình. Họ liền thêm vào bộ lịch sai của họ một ngày nữa vào cuối năm và cứ 4 năm một lần thêm. Hoàng đế Iphít ghi nhận sự thay đổi đó bằng cách tổ chức Thế vận hội 4 năm một lần vào các năm nhuận. Cuối cùng giới tăng lữ buộc phải chạy đến nhờ nhà bác học Mêtôn. Nhà bác học bằng cách phân biệt năm Mặt Trời và năm Mặt Trăng đã lập ra một chu kỳ 19 năm mà cứ sau mỗi chu kỳ Mặt Trời và Mặt Trăng, lại trở về vị trí xuất phát ban đầu với độ sai lệch vào khoảng một giờ rưỡi. Chu kỳ này được khắc bằng chữ vàng và đặt tại một quảng trường ở Aten. Đó là con số vàng nổi tiếng mà hiện nay vẫn được sử dụng để tiến hành các hiệu chỉnh thích hợp.

Mọi người đều biết chuyện giới tăng lữ La Mã đã gây ra sự lộn xộn tức cười như thế nào trong việc đặt lịch. Sai lầm của họ tệ đến nỗi những ngày lễ của mùa hè lại rơi vào mùa đông. Hoàng đế Xêda, người có một học vấn toàn diện, buộc phải mời nhà bác học Xôdigien từ thành Alêcxanđria tới để sửa những sai lầm tệ hại của các vị tăng lữ đáng kính.

Còn vào thời trị vì của Giáo hoàng Grêgôriut thứ XIII, khi cần phải cải tiến bộ lịch của Giuliut Xêda, thì các bạn có biết Giáo hoàng đã nhờ ai không? Nhờ một vị quan toà của Tòa án Giáo hội chăng? Không, người ta đã nhờ ông Liliô, một nhà bác học, một thầy thuốc.

(Theo “Từ điển triết học” của Vônte. 1764 - 1769).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/360-02-633324605279583550/Thien-van-hoc-co-Hy-Lap-va-La-Ma/Thien-van...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận