ARIXTAC: CÔPECNIC CỦA THẾ GIỚI CỔ ĐẠI
Arixtac (khoảng năm 310/230 - thế kỷ thứ III trước Công nguyên) sinh ra trên hòn đảo Xamôt. Ông là học trò của nhà vật lý Xtratôn ở Lampxac. Người thầy của ông thuộc trường phái Arixtôt, và thậm chí, vào cuối đời, thầy ông còn lãnh đạo trường Like (tức Lixê). Ông là một trong những nhà sáng lập thư viện nổi tiếng ở Alêcxanđria và Muxêion - một trung tâm khoa học chính cuối thời cổ đại! Có lẽ Arixtac đã học tập và làm việc ở đây giữa các nhà bác học thuộc thế hệ đầu tiên của Alêcxandria.
Tuy nhiên tất cả những điều đó không lý giải cho tính cách của Arixtac một tính cách hình như hoàn toàn vượt ra ngoài thời đại của ông. Trước ông, các học thuyết về Bầu Trời được xây dựng hoàn toàn mang tính trừu tượng trên cơ sở các luận chứng triết học. Không thể nào khác được, bởi vì bầu trời lúc bấy giờ được xem như thế giới của thần thánh, của sự hoàn hảo và vĩnh cửu. Chính Arixtac đã ra sức thử xác định khoảng cách đến các thiên thể bằng phương pháp quan trắc. Sau khi đã đạt được kết quả, ông thực hiện tiếp bước thứ hai, mà ngay cả những người cùng thời với ông và các nhà bác học của nhiều thế kỷ sau chưa ai làm được.
Việc Arixtac đã giải quyết được nhiệm vụ thứ nhất là điều chắc chắn. Thật là trùng hợp, cuốn sách duy nhất còn lưu giữ được của ông “Về kích thước Mặt Trời, Mặt Trăng và khoảng cách đến chúng” cũng đã đề cập đến vấn đề này. Trước hết, Arixtac xác định Mặt Trời ở xa hơn Mặt Trăng bao nhiêu lần. Để thực hiện được điều đó, ông tiến hành đo góc giữa Mặt Trăng ở pha bán nguyệt và Mặt Trời (chỉ có thể làm được điều đó lúc Mặt Trời lặn hoặc Mặt Trời mọc, khi Mặt Trăng đôi khi cũng hiện lên cùng với Mặt Trời). Theo giải thích của Arixtac, khi “ta có cảm giác hình như Mặt Trăng bị chia làm đôi”, thì cái góc có Mặt Trăng ở đỉnh là góc vuông. Arixtac đã đo góc giữa Mặt Trăng và Mặt Trời mà đỉnh của góc đó là Trái Đất. Ông đã đo được một góc bằng 87o (trên thực tế là 89o52’). Trong tam giác vuông với một góc như vậy sẽ có cạnh huyền (khoảng cách từ mặt đất đến Mặt Trời) dài gấp 19 lần cạnh góc vuông (là khoảng cách đến Mặt Trăng). Đối với những người thông thạo về lượng giác, chúng ta sẽ chú ý rằng l/19 cos 87o. Arixtac đã dừng lại ở kết luận cho rằng Mặt Trời ở xa hơn Mặt Trăng 19 lần. Trên thực tế thì Mặt Trời còn xa hơn gấp 400 lần, tuy nhiên với những dụng cụ đo lường thời bấy giờ, việc tìm ra một kết quả chính xác là điều không thể có được.
Arixtac hiểu rằng hai đĩa tròn biểu kiến của Mặt Trăng và Mặt Trời mà ta nhìn thấy gần như bằng nhau. Ông đích thân quan sát nhật thực khi đã hình tròn của Mặt Trăng che lấp toàn bộ đĩa Mặt Trời. Nhưng nếu hai đĩa tròn, mà ta nhìn thấy đó bằng nhau, còn khoảng cách đến Mặt Trời lại xa gấp 19 lần khoảng cách đến Mặt Trăng thì đường kính của Mặt Trời phải to gấp 19 lần đường kính Mặt Trăng.
Bây giờ còn một việc chủ yếu là: so sánh Mặt Trời và Mặt Trăng với chính Trái Đất. Đỉnh cao của sự dũng cảm khoa học khi đó là ý tưởng cho rằng Mặt Trời rất to, thậm chí có thể to bằng toàn bộ đất nước Hy Lạp.
Quan sát nguyệt thực lúc Mặt Trăng đi qua bóng của Trái Đất Arixtac đã khẳng định rằng đường kính Mặt Trăng nhỏ hơn đường kính cái bóng của Trái Đất hai lần. Bằng những lập luận khá sắc sảo ông đã chứng minh Mặt Trăng nhỏ hơn Trái Đất 3 lần. Nhưng Mặt Trời lại to hơn Mặt Trăng 19 lần, nghĩa là, đường kính của Mặt Trời lớn hơn đường kính Trái Đất trên sáu lần (trên thực tế là 109 lần). Giá trị chủ yếu trong công trình của Arixtac không phải là kết quả mà là chính bản thân việc thực hiện: nó đã chứng minh rằng thế giới các thiên thể mà ta không với tới được có thể nhận biết được bằng cách đo đạc và tính toán.
Hình như tất cả những kết quả trên đây đã thúc đẩy Arixtac đi tới phát hiện vĩ đại của ông. Tư tưởng của ông chỉ đến được với chúng ta qua chuyện kể của nhà toán học Acsimet. Arixtac đoán rằng Mặt Trời to lớn không thể quay quanh Trái Đất bé nhỏ. Chỉ có Mặt Trăng quay quanh Trái Đất. Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ. Quay quanh Mặt Trời là các hành tinh. Lý thuyết này có tên gọi là thuyết nhật tâm. Hiện tượng chuyển đổi ngày và đêm trên Trái Đất được Arixtac giải thích là do Trái Đất tự quay xung quanh trục của nó.
Mô hình nhật tâm của ông đã lý giải được nhiều điều, thí dụ như độ sáng luôn thay đổi rõ rệt của sao Hỏa. Qua xem xét một số dữ liệu, Arixtac đã phỏng đoán rằng lý thuyết của ông đương nhiên có thề lý giải hiện tượng chuyển động dạng vòng nút của các hành tinh là do Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời gây nên.
Arixtac đã nghiền ngẫm rất kỹ các lý thuyết của mình. Đặc biệt, ông đã tính đến hiện tượng thực tế là người quan sát Đứng trên Trái Đất đang chuyển động cần phải nhận thấy sự thay đổi vị trí của các ngôi sao đó là hiện tượng chuyển dịch thị sai: Ông giải thích hiện tượng các ngôi sao dường như không chuyển động là do chúng ở quá xa Trái Đất và quỹ đạo của chúng là vô cùng nhỏ bé so với khoảng cách với Trái Đất. Lý thuyết của Arixtac không được những người cùng thời với ông chấp nhận. Có quá nhiều điều cần phải thay đổi. Làm sao có thể tin được rằng nơi chúng ta đang đứng lại không phải nằm im một chỗ mà lại đang quay đang chuyển động, cũng như không thể chấp nhận được tất cả hệ quả của việc coi Trái Đất cũng chỉ là một thiên thể giống như sao Kim sao Hỏa vậy. Vì trong trường hợp này, cải ý tưởng đã ngự trị hàng nghìn năm về Chúa Trời uy nghi nhìn xuống thế giới trần gian sẽ bị sụp đổ.
Những người cùng thời với Arixtac đã bác bỏ thuyết nhật tâm. Ông bị kết tội đã phỉ báng Chúa Trời và bị trục xuất khỏi Alêcxanđria. Mấy thế kỷ sau Clôt Ptôlêmê còn tìm ra những luận cứ lý thuyết rất thuyết phục để bác bỏ luận điểm về sự chuyển động của Trái Đất. Phải trải qua bao nhiêu thời đại thuyết nhật tâm mới được mọi người chấp nhận.