THIÊN VĂN HỌC
Tychô Brahê sinh ngày 14 tháng mười hai năm 1546, trong một gia đình thuộc giới quý tộc thượng lưu của vương quốc Đan Mạch. Ông ra đời tại lâu đài Knuđxtơrup ở Xcani, phía nam bán đảo Xcanđinavơ. Về sau, vùng này lại được chuyển từ Đan Mạch về Thuỵ Điển. Tuy nhiên thời thơ ấu của nhà bác học tương lai lại trôi qua trong lâu đài Tôxtơrúp ở bên cạnh một lâu đài của người bác ruột không có con cái thuỷ sư đô đốc Tôrghen Brahê. Cậu bé sớm học thông thạo tiếng La tinh và đến năm 13 tuổi đã trở thành sinh viên trường Đại học Tổng hợp Côpenhaghen. Ở đây ông rất say mê môn thiên văn học. Cũng có thể nguyên nhân của sự ham mê đó là sự kiện nhật thực xảy ra ngày 21 tháng tám năm 1560, và chính việc dự đoán được hiện tượng nhật thực đó đã để lại cho cậu thiếu niên này một ấn tượng mạnh mẽ. Brahê đã kiếm được một số sách về thiên văn học và chiêm tinh học cùng một quả cầu sao “bỏ túi”. Dựa vào quả cầu đó ông nghiên cứu vị trí các chòm sao.
Ba năm sau cậu thiếu niên Tychô 16 tuổi có người giám hộ đi kèm đã được đưa tới nước Đức học. Cậu sống ở đấy 6 năm, thỉnh thoảng ghé thăm Đan Mạch: Brahê nghe các bài giảng ở trường đại học Laixich, Vittenbec, Rôxtốc và Augoxbuôc. Những người thân trong gia đình muốn cậu học luật và ra lệnh cho người giám hộ theo dõi việc đó. Tuy nhiên Brahê say mê học môn khoa học mà cậu yêu thích và trong điều kiện có thể cậu lại làm quen với các nhà thiên văn học.
Vào năm thứ hai sống ở nước Đức, Brahê đã được chứng kiến một hiện tượng thiên văn hiếm có: sao Mộc giao hội với sao Thổ. Không có dụng cụ nên Tychô quan sát bằng mắt, dùng thêm một chiếc compa bình thường. Ông đặt điểm khớp xoay của compa sát gần mắt và mở hai càng compa làm sao cho hai đầu Compa rơi đúng vào hai hành tinh. Sau đó về nhà ông đặt compa lên tờ giấy, đánh dấu vị trí của hai chân compa và đo góc của tam giác thu được. Đó là “phát minh” đầu tiền của Brahê. Trong các cuốn sổ được ghi chép rất cẩn thận,
ông đã đưa ra nhận xét rằng trong việc xác định thời gian của sự kiện này “các bảng thiên văn Anphônxin” đã sai mất một tháng, còn “các bảng thiên văn Phổ” (do Rêngônđơ lập ra trên cơ sở học thuyết Côpecnic) - chỉ sai có vài ngày.
Tháng tư năm 1566, trong cuộc đời của Tychô Brahê đã xảy ra một sự kiện đáng buồn: sau khi cãi nhau với một người bạn, Tychô Brahê đã thách đấu với anh ta và lưỡi kiếm của anh ta đã làm chỏm mũi của Brahê bị thương. Hai người sau đó cũng đã dàn hoà với nhau, nhưng nhà thiên văn thì suốt đời phải đeo chỏm mũi giả bằng bạc, và cũng có thể vì thế mà ông đã xa lánh xã hội thượng lưu.
Năm sau, ở Augxơbuôc (Augsburg) Tychô làm quen với hai anh em Iôhan và Pôn Henxen, những người rất say mê thiên văn học. Họ đã đưa ông tới gặp những người thợ giỏi và Brahê đã đặt họ làm một số dụng cụ thiên văn và đặt làm khung phôi cho một quả cầu to đường kính mét rưỡi. Và theo sự chỉ dẫn của Brahê, một chiếc kính tứ phân to bằng gỗ cũng được làm ở đây. Đó là một dụng cụ hình quạt có bán kính tới 6 mét được gắn chặt vào một cái khung trên một chiếc cột quay. Chiều cao của công trình này là 11 mét, cung 1o trên mặt khắc độ có độ dài gần 10 xăngtimét. Dụng cụ được đặt trong sân của ngôi nhà ở ngoại ô của hai anh em Henxen. Nhưng kính đó không đáp ứng mong muốn của người thiết kế, nó nặng nề và không thuận tiện trong hoạt động, ngoài ra, khi bị ẩm gỗ nở ra và bị cong. Tuy nhiên, bạn bè Brahê đã dùng dụng cụ này trong suốt sáu năm cho đến khi nó thị bão quậy đổ còn bản thân nhà chế tạo thì lại thiết kế những dụng cụ khác bằng kim loại vì coi trọng độ chính xác hơn là kích thước.