Tài liệu: Lịch, chiến tranh

Tài liệu
Lịch, chiến tranh

Nội dung

LỊCH, CHIẾN TRANH

 Ngày mồng l tháng mười hai năm 1514 tại Rôma diễn ra cuộc họp của Giáo hội Công giáo trong đó có sự tham gia của Becna Xkunteti, một người bạn của Côpecnic đến từ Varơmia. Trong cuộc họp người ta đã thảo luận vấn đề về một cuộc cải cách lịch đã chín muồi. Từ khi được Giáo hội chấp nhận dùng lịch Giuliut thì thời gian thực tế của tiết xuân phân đã chệch khỏi thời gian ghi trên lịch là 10 ngày. Bởi vậy một ban cải cách lịch, không phải là ban đầu tiên, đã được thành lập. Ban đó đã có lời thỉnh cầu tới “hoàng đế, các nhà vua và các trường đại học” cho ý kiến của mình về vấn đề này. Có lẽ là, theo lời giới thiệu của Xkunteti, trong danh sách các chuyên gia tham gia cải cách lịch có cả Côpecnic.

Từ khi đó, có thể là theo yêu cầu của ban, nhà bác học đã thực hiện các cuộc quan trắc để xác định chính xác hơn độ dài của l năm. Con số mà ông tìm ra được coi là cơ sở cho cuộc cải cách lịch năm 1582. Độ dài 1 năm mà Côpecnic xác định được là 365 ngày 5 giờ 49 phút 16 giây chỉ hơn độ dài thực tế có 28 giây.

 

 Thời gian này, tình hình ở Varơmia đã rất căng thẳng. Các cuộc đột kích của các nhóm vũ trang từ lãnh thổ Phổ của dòng tu Têutônic xảy ra ngày càng nhiều hơn. Các cuộc đàm phán, các đơn khiếu kiện gửi đến Rôma không mang lại kết quả gì. Mùa thu năm 1519, khi Côpecnic trở lại Phrômbốc, quân lính của Ba Lan đã tiến vào lãnh thổ của dòng tu này. Cuộc chiến tranh nổ ra và kéo dài một năm rưỡi, và kết thúc bằng sự đại bại của dòng tu. Tháng giêng năm 1520 Côpecnic buộc phải bảo vệ giáo đường nơi ẩn náu của những người dân thành Phrômbốc sau khi bị lính thập tự quân thiêu huỷ nhà cửa. Tháng hai năm 1521 ông lại đảm nhận việc chỉ huy đồn binh tại  lâu đài Ôlơstưn đang bị phong tỏa. Trong thời gian diễn ra các sự kiện bi kịch này Côpecnic thể hiện một tinh thần dũng cảm và tài năng tổ chức tuyệt vời. Cùng thời gian đó trong đời sống của châu Âu và của dòng tu đã diễn ra những biến đổi quan trọng.

Tháng mười năm 1517 giáo sư thần học của Đại học Vittenbec, Mactin Luthơ (Martin Luther) đã lên tiếng chống lại các giáo điều chính thống của Công giáo. Vậy là bắt đầu một phong trào cải cách tôn giáo. Nhiều lãnh chúa Đức đã công nhận Luthơ giáo và trở thành những người đứng đầu giáo hội mới trên lãnh địa của mình. Vào năm 1525 vị giáo trưởng Anbrêch của dòng tu Têutônic cũng đi theo Tân giáo. Ông đã từ bỏ tước vị của Công giáo La Mã và trở thành công tước của nhà nước Luthơ giáo và tuyên thệ trung thành với nhà vua Ba Lan.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/368-02-633325473070712500/Nicolai-Copecnic/Lich-chien-tranh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận