HỆ THỐNG THẾ GIỚI CỦA TYCHÔ BRAHÊ
Ngay từ đầu khi đài thiên văn Uraniborg mới hoạt động trên bầu trời châu Âu đã xuất hiện một sao chổi rất sáng. Brahê đã quan sát liên tục và bằng cách đo thị sai đã chứng minh được rằng, nó nằm ở xa hơn Mặt Trăng và chuyển động xuyên qua các thiên cầu. Mà hồi đó người ta cho rằng, các hành tinh chuyển động cùng với các thiên cầu. Điều đó có nghĩa rằng Arixtôt không đúng: không tồn tại các thiên cầu rắn và không gian trống rỗng.
Trong thời gian viết cuốn sách về các sao chổi, trong đầu Brahê đã xuất hiện những ý nghĩ về một hệ thống thế giới mới. Về nguyên lý ông sẵn sàng chấp nhận hệ thống của Côpecnic, nhưng ông, người chế tạo ra các dụng cụ đo chính xác nhất của thời kỳ thiên văn trước khi có kính viễn vọng, đã rất lúng túng vì không quan sát thấy thị sai của các ngôi sao.
Brahê viết cho nhà thiên văn học Rôtman: “Anh thấy có thể được không nếu khoảng cách giữa Mặt Trời và sao Thổ thậm chí không bằng nổi 1/700 khoảng cách đến thiên cầu của các định tinh? Mà lẽ ra là phải như vậy nếu như đường đi của Trái Đất trong 1 năm được nhìn từ các định tinh, chỉ tính được bằng một phút giây cung. Nhưng khi ấy thì ngay cả những “định tinh cấp 3 với đường kính nhìn thấy được bằng 1 phút cũng phải có kích thước bằng quỹ đạo Trái Đất”. Thuật ngữ “cấp sao”, ngày nay chỉ độ sáng biểu kiến của một ngôi sao, vào thời Brahê được lĩnh hội theo đúng nghĩa đen (độ lớn của sao) do đặc điểm thị giác của chúng ta (như là kích thước biểu kiến của ngôi sao). Chân lý chỉ được khám phá khi xuất hiện nền thiên văn học của kính viễn vọng.
Để giải thích hiện tượng không có thị sai năm của các ngôi sao, Tychô Brahê đưa ra một hệ thống thế
giới hỗn hợp. Trong hệ thống đó Trái Đất là tâm của thiên cầu sao, cũng như của quỹ đạo Mặt Trăng và Mặt Trời, còn các hành tinh thì lại theo thuyết của Côpecnic, tức là quay xung quanh Mặt Trời. Nói chung, trên góc độ thiên văn quan trắc và tính toán, thì vật thể nào quay quanh vật thể nào hoàn toàn không quan trọng. Nhưng quan điểm ăn sâu vào tiềm thức của các nhà bác học về Vũ Trụ đã khiến họ chọn Mặt Trời đồ sộ làm trung tâm Vũ Trụ, chứ không chọn Trái Đất nhỏ bé. Brahê rất tự hào về giả thiết của mình, nhưng giả thiết đó lại không đóng vai trò gì đáng kể trong sự phát triển thiên văn học.
Hệ thống thế giới của Tychô Brahê. Trái Đất là tâm quay của Mặt Trời, Mặt Trăng và thiên cầu của các định tinh. Năm hành tinh (sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ) đều quay xung quanh Mặt Trơi. Co cả 4 vệ tinh của sao Mộc do Galilê phát hiện năm 1610. Minh họa từ cuốn sách “Atlat bầu trời” của A. Xelariut, năm 1660.