Tài liệu: Một ngôi sao mới

Tài liệu
Một ngôi sao mới

Nội dung

MỘT NGÔI SAO MỚI

 

Năm 1571 Brahê bắt buộc phải trở về Đan Mạch: ông được gọi về vì cha ông lâm bệnh nặng. Cha ông mất vào tháng năm năm đó. Tychô Brahê được thừa kế một thái ấp của dòng họ ở Knuđxtơrup và ông làm kinh tế trên mảnh đất đó. Chẳng bao lâu sau ông về ở với bác của mình là Xtenôn Ben (Stenon Belle) sống cách ông không xa và làm nghề giả kim. Brahê cũng tham gia vào các thí nghiệm của Ben. Họ đã thành công trong việc xây dựng một xưởng sản xuất thuỷ tinh không lớn lắm và một cái “cối xay giấy” như cách nói thời bấy giờ. Dường như Brahê đã hoàn toàn dồn tâm sức cho hoạt động kinh tế, nhưng có một sự kiện thiên văn đặc biệt đã đưa ông trở lại với khoa học về bầu trời.

Chiều tối ngày 11 tháng 11 năm 1572 khi Brahê bước chân ra khỏi nhà, theo thói quen ông ngước nhìn lên trời và thấy trong chòm sao Tiên Hậu có một ngôi sao rất sáng, từ trước đến nay chưa bao giờ có trong chòm sao ấy cả. Theo Arixtôt hiện tượng như vậy không thể xảy ra trong thế giới vĩnh cửu và bất biến của các ngôi sao. Ngay lập tức ông mang kính lục phân ra và đo khoảng cách góc từ ngôi sao mới đến các ngôi sao bên cạnh. Ông để sáng hôm sau đo lại, xác định thị sai và biết được ngôi sao đó có xa Trái Đất không. Ông không tìm được thị sai, điều đó có nghĩa là thiên thể mới ít ra cũng nằm xa hơn Mặt Trăng.

 

 

Về sau người ta mới biết rằng đó là ngôi sao siêu mới, sáng bừng lên trong hệ Ngân Hà của chúng ta. Nó tắt dần và có thể nhìn thấy được trong suốt 17 tháng, cho đến khi mắt thường không thể nhìn thấy được. Rất nhiều nhà thiên văn châu Âu, trong đó có hai anh em Henxen đã quan sát ngôi sao bằng kính tứ phân của Brahê. Bản thân nhà thiên văn đã theo dõi tỉ mỉ sự thay đổi độ sáng của nó. Về sự kiện này đã xuất hiện nhiều bài báo trong đó không ít bài viết nhảm nhí, do đó bạn bè đã yêu cầu Brahê phải viết bài về ngôi sao đó. Nhà thiên văn từ chối vì cho rằng điều đó không xứng đáng với danh hiệu quý tộc nhưng sau đó ông đã nhượng bộ. Thế là xuất hiện tác phẩm đầu tiên của Brahê “Về ngôi sao mới”. Ông cho rằng ngôi sao này thuộc về vòm cầu sao thêm vào đó ông còn bàn luận về ý nghĩa chiêm tinh học của nó. Niềm say mê đối với thiên văn học được ngôi sao kích thích mãnh liệt đến nỗi năm 1573 khi ngôi sao còn nhìn rõ, theo lời mời của Trường Đại học Tổng hợp Côpenhaghen, Brahê đã đọc ở đấy một khoá bài giảng đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình về thiên văn học rất thành công.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/369-02-633325496784150000/Tycho-Brahe/Mot-ngoi-sao-moi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận