THỜI THƠ ẤU VÀ NHỮNG NĂM HỌC TẬP
Iôhan Keple sinh ngày 27 tháng mười hai nam 1571 ở nước Đức tại một thị trấn nhỏ Vâylơ - đơ - Stat (Weil - der - Stadt), trong một gia đình nghèo theo đạo Tin Lành. Cha ông đã cố gắng gây dựng cơ nghiệp nhưng lần nào cũng thất bại. Gia đình thường xuyên phải phiêu bạt từ thành phố này sang thành phố khác. Mẹ Keple là một người phụ nữ không biết chữ, nhưng rất am hiểu các loại dược thảo. Bà là người lắm điều, nên thường cãi nhau với chồng, vốn là một người cũng rất khó tính, khó nết. Những năm đầu tiên trong cuộc đời của Hanxơ (tên gọi tắt, thân mật của Iôhan) thường xảy ra những cuộc cãi lộn om sòm. Là đứa trẻ đẻ non khi mới được bảy tháng, Keple rất yếu ớt. Năm 1575 Hanxơ bị lây bệnh đậu mùa và suýt chết. Cậu bị bệnh đau gan và dạ dày, lại thường xuyên đau đầu. Thêm vào đó cậu còn bị tật mắt kém bẩm sinh: cận thị nặng, và một khuyết tật là nhìn một vật thấy nhiều vật (nhìn Mặt Trăng, Keple lại thấy vài Mặt Trăng). Bệnh tật theo đuổi ông suốt đời. Nhưng bù vào đó, ông lại có lòng dũng cảm, sức mạnh tinh thần và ý chí quyết tâm rất đáng khâm phục. Nhờ vậy ông có thể đạt được những kết quả khoa học làm người ta phải kinh ngạc và đã trở thành một trong những người sáng lập nền khoa học thiên văn và vật lý hiện đại. Sau này Keple nhớ lại hai sự kiện nổi bật nhất trong thời tho ấu của ông. Vào lúc 6 tuổi lần đầu tiên Keple nhìn thấy sao chổi: “Trước đây tôi đã nhiều lần được nghe nói về sao chổi. Năm 1577 mẹ tôi dẫn tôi lên một gò đất cao, để tôi ngắm sao chổi”. Năm lên 9 tuổi “bố mẹ gọi tôi ra đường để chỉ cho tôi thấy nguyệt thực. Mặt Trăng lúc đó đỏ rực”. Sao chổi năm 1577 đã được nhà thiên văn người Đan Mạch Tychô Brahê quan sát và mô tả, người mà về sau Keple đã đến để cùng soạn thảo học thuyết chuyển động của các hành tinh.
Năm 1584 Keple vào học ở chủng viện tại Ađenbec (Adelberg), sau đó lại học tiếp ở tu viện Maulơbrôn (Maulbronn). Ông nghiên cứu thần học, các công trình khoa học của Arixtôt, của các nhà triết học La Mã và Hy Lạp cổ đại, nghiên cứu mỹ từ học, toán học và âm nhạc. Quy chế của chủng viện rất nghiêm khắc: mùa đông giờ học bắt đầu vào lúc năm giờ và mùa hè vào lúc bốn giờ sáng. Keple là một học trò chăm chỉ, học thuộc nhiều bài. Trí nhớ được rèn luyện, sau này đã giúp ông nhiều trong việc phân tích các quan trắc thiên văn của Tychô Brahê. Keple đã nhận bằng tú tài về ngôn từ học và năm 1589 vào học ở chủng viện Tuybinghen, rồi hai năm sau đó lại vào học ở học viện Tuybinghen. Tại đây ông nghe giảng về toán học, thiên văn học, các ngôn ngữ Hy Lạp và Do Thái cổ, mỹ từ học, thơ ca, luân lý học và triết học của Arixtôt.
Khi còn là sinh viên, Keple đã mua cuốn sách của Giuliô Xcaligie (Giulio Scaligero, người Ý) “Bài tập ngoại đạo” (1557). Cuốn sách đã gây cho ông ấn tượng lớn. Sau này Keple nhớ lại rằng Xcaligie đã thức tỉnh trong ông những suy nghĩ về rất nhiều vấn đề: về bầu trời, về tâm linh, về các hiện tượng tự nhiên, về bản chất của lửa về cội nguồn sông suối, về hiện tượng thuỷ triều lên, xuống, về hình dạng của các lục địa và các biển bao quanh chúng.
Các bài giảng về toán học và thiên văn học do giáo sư Michaen Mơxtlin (1550- 1630) đọc. Vì lệ thuộc vào chương trình giảng dạy, Mơxtlin (Maestlin) phải trình bày hệ thống thiên văn của Ptôlêmê. Ít lâu sau, nhận thấy năng khiếu của Keple về toán học và thiên văn học, ông đã đưa Keple vào nhóm của một số sinh viên để ông đọc bài giảng riêng cho họ về thiên văn học của Côpecnic. Sau này Keple đã viết: “Ngay hồi đó khi còn chăm chú dự các giờ giảng của giáo sư Mơxtlin, tôi đã có cảm giác rằng quan niệm về cấu trúc của thế giới vẫn được dùng cho đến ngày nay, xét về nhiều mặt rất không hoàn chỉnh. Vì vậy, tôi rất khâm phục Côpecnic, đến nỗi tôi không chỉ bảo vệ quan điểm của ông trong các cuộc tranh luận của sinh viên, mà bản thân còn chuẩn bị rất kỹ lưỡng các buổi thảo luận về đề tài cho rằng chuyển động quay của thiên cầu định tinh bắt nguồn từ chính chuyển động quay của Trái Đất. Dần dần tôi đã thu thập được tất cả các luận cứ, một phần từ các bài giảng của Mơxtlin, một phần từ các lý lẽ của bản thân. Trong những luận cứ đó Côpecnic đã vượt xa Ptôlêmê trên quan điểm toán học”.
Trong thời gian học tại khoa nghệ thuật, Keple say mê chiêm tinh học vốn rất phổ biến thời ấy. Hồi đó, người ta dùng chiêm tinh học để giải thích nhiều mối quan hệ qua lại giữa các hiện tượng . Trong giới sinh viên Keple nổi tiếng là một người có tài nghệ cao trong việc lập ra các biểu tử vi.
Keple đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ vào năm 1593 đã tốt nghiệp xuất sắc học viện. Giáo sư Mơxtlin tiến cử ông vào cương vị giáo sư toán học và “triết học đạo đức” tại trường trung học ở thành phố Gratxơ thuộc Stiria (lãnh thổ Áo ngày nay). Tại đó ngoài các trách nhiệm chính Keple còn đọc một khoá trình thiên văn học và viết cuốn sách “Bí ẩn vũ trụ học mô tả”. Chính tác phẩm này đã thu hút sự chú ý của Tychô Brahê. Nhà quan trắc vĩ đại bầu trời đã cho mời nhà lý luận nhà tính toán có nhiều hứa hẹn về Praha làm việc bên cạnh mình.