IXAAC NIUTƠN
Vào đêm Nôen năm 1642 (theo lịch hiện đại là ngày 4-1-1643), trong ngôi nhà của ông chủ nông trại Niutơn mới mất cách đấy ít lâu ở làng Unxthop (Woolsthorpe) một cậu bé đã ra đời. Đứa trẻ sơ sinh yếu và nhỏ đến nỗi có thể tắm trong cái bát to. Cậu bé được đặt tên của người cha: Ixaac Niutơn. Cậu ra đời vào đúng năm mà ở Phlorenxơ (Y) người ta mai táng cho Galilê.
Vậy mà Niutơn đã sống tới 85 tuổi và có sức khoẻ khá tốt.
Những năm tuổi trẻ của Niutơn trôi qua trong bức tường Đại học Thánh Ba Ngôi (Trinity) thuộc Đại học Tổng hợp Cambritgiơ (Cambridge). Ông thích đơn độc, ít khi người ta nghe thấy tiếng ông nói. Ông không thể chịu được những tranh cãi nhất là tranh cãi khoa học. Vì thế Niutơn tìm mọi cách tránh công bố báo chí, nhưng ông thích tư duy và thích viết.
Con người trầm lặng này đã thực hiện một cuộc cách mạng trong quan hệ giữa con người và tự nhiên trong thế giới quan của chúng ta. Ông đã sáng tạo ra ngôn ngữ khoa học cổ điển được dùng suốt ba thế kỷ qua.
Thiên tài khoa học ấy xứng đáng là người con của thời đại ấy. Khi bảo vệ quyền của Trường đại học Cambritgiơ, một mình ông đã dám nói với vua Giêmxơ (James) II rằng quy luật cao hơn vua chúa. Những đồng tiền mới đúc hình Niutơn chỉ trong thời gian rất ngắn đã thúc đẩy kinh tế Anh phồn thịnh trong suốt thế kỷ XVIII.
Tuổi thơ của Niuton đã trôi qua trong những năm nội chiến ở nước Anh. Khi Niutơn lên bốn tuổi, mẹ ông đã tái giá với một vị mục sư đứng tuổi và đi về nhà chồng. Niutơn ở lại với bà. Sáu năm sau mẹ Niutơn lại goá chồng và bà trở về trang trại cũ với ba đứa con. Niutơn rất yêu mẹ, chỉ có bên mẹ cậu mới không cảm thấy cô đơn. Cậu không có bạn đồng lứa. Cậu không tham gia vào các trò chơi ồn ào đòi hỏi sức lực và sự khéo léo những thứ mà cậu thua kém bạn bè. Thế nhưng Ixaac thường thắng khi chơi cờ và luôn luôn nhấn mạnh sự trên tài của mình.
Niutơn học đọc, viết và tính ở trường Unxthoop. Khi Niutơn 12 tuổi, cậu Uyliam đã gửi cậu vào học Trường học Hoàng gia ở Grantham không mất tiền. Tại đây cậu đã học tiếng Latinh, thần học và đại cương toán học.
Ixaac ở nhờ nhà ông chủ hiệu thuốc Clac (Clark) có bà vợ vốn quen thân với mẹ Nlutơn. Trong gia đình ông chủ hiệu thuốc có hai con trai và một con gái. Ixaac đánh bạn với cô con gái nhưng không ưa hai cậu con trai. Hai cậu này cùng học một lớp với Ixaac. Niutơn là một trong những học trò kém nhất lớp. Tuy nhiên sau một lần cãi nhau thường lệ với hai anh em con chủ nhà, Niutơn đã quyết tâm học vượt họ và trở thành học sinh ưu tú nhất trường. Cậu say mê tiếng Latinh và cơ sở thần học.
Ngoài giờ học, Ixaac thích ở nhà. Cậu làm các đồ chơi cơ khí phức tạp, các hình mẫu cối xay nước, xe đẩy các loại đồng hồ nước và mặt trời. Cậu còn dùng gỗ và vải làm ra một mẫu nhỏ bắt chước cối xay gió thật ở Grantham và lắp chúng trên mái nhà ông chủ hiệu thuốc. Cái cối xay gió nhỏ này chạy được cả khi gió yếu. Khi nào không có gió, cậu bắt chuột quay cánh cối xay. Ixaac cũng thích thú làm cả diều. Cậu thả diều có đèn lồng màu vào ban đêm, khiến trong thị trấn người ta đồn rằng sao chổi lại xuất hiện.
Trong nhà ông chủ hiệu thuốc, Ixaac thu được các kiến thức sơ đẳng về hoá học và thích thú với thuật giả kim (thuật biến các kim loại thường thành vàng bạc). Cậu ngồi lì trong thư viện để chép từ sách ra các quy tắc vẽ bằng bút sắt và màu nước, các thí nghiệm hoá học, dược liệu và các bài thuốc. Tất cả các sách đều bằng tiếng Latinh.
Mùa thu năm 1658, mẹ cậu bắt cậu về nhà. Bà cần có người giúp việc đồng áng. Nhưng Niutơn không trở thành nhà nông được, vì cậu không quan tâm đến lĩnh vực này. Khi được cử đi Grantham để bán thóc lúa thu hoạch được, cậu đã bỏ mặc người đầy tớ đứng bán ở chợ, còn mình thì vào thư viện của ông chủ hiệu thuốc hoặc chạy đi thăm thầy hiệu trưởng trung học tên là Xtôc.
Thầy Xtôc và cậu Uyliam đã thuyết phục mẹ Niutơn cho cậu tiếp tục học ở Trường trung học Hoàng gia. Mùa thu năm 1660, thầy Xtôc đưa Niutơn về nhà mình và chuẩn bị cho cậu vào Trường Tổng hợp Cambritgiơ. Ixaac học tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp cổ, tiếng Pháp và nghiền ngẫm Kinh Thánh. Thầy Xtôc và cậu Uyliam chắc mẩm rằng học trò và đứa cháu yêu của họ sẽ trở thành nhà thần học nổi tiếng.
Ở Grantham, Ixaac đã đọc hết các cuốn “Phép màu toán học” và “Khám phá thế giới mới trên Mặt Trăng” của Giôn Uynkin (John Wilkins).
Cậu đã được làm quen với các máy móc cơ khí, các thấu kính, động cơ vĩnh cửu đề du lịch trên Mặt Trăng, hệ thống thế giới của Côpecnic và các định luật của Keple. Hai cuốn sách phổ biến khoa học nói trên đã đánh thức thiên tài của Niutơn. Trí tưởng tượng phong phú, niềm say mê cơ học, thiên hướng hệ thống hoá và tìm kiếm các mối liên hệ giữa các hiện tượng, sự sùng đạo và niềm tin vào sự đặc biệt của chính mình (vì Niutơn ra đời vào đêm Noen) tất cả những cái đó đã biến những niềm say mê tuổi trẻ của Ixaac thành mong muốn có ý thức dành trọn đời mình cho khoa học, như là một trong những cách phục vụ Thượng đế.
Niutơn đến Cambritgiơ vào tháng 5- 1661, khi kỳ tuyển sinh vào đại học đã kết thúc. Tuy nhiên sau khi đọc thư giới thiệu của ông Uyliam, hiệu trưởng Trường Trinity (Thánh Ba Ngôi) đã cho Ixaac thi môn Latinh. Chàng thanh niên 18 tuổi Niutơn đã vượt qua kỳ thi này và được làm sinh viên của trường ở loại “sizer”. Đó là tên đặt cho các sinh viên nghèo không có tiền đóng học phí nên phải phụ việc cho các giáo sư của trường. Điều ngạc nhiên là Niutơn phải làm như vậy, trong khi mẹ anh được xếp vào số 2000 người giàu nhất nước Anh tính theo thu nhập, bởi vì bà không chi tiền cho anh học.
Ba năm đầu các sinh viên học phép biện chứng thuật hùng biện, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, thần học, triết học, toán học và thiên văn học. Ở trường này người ta đặc biệt coi trọng việc học Kinh Thánh. Niutơn cũng thích thú môn thần học. Anh nghiền ngẫm các công trình của học giả vĩ đại Eraxmơ người Rôttecđam (Hà Lan), người đã từng sống và làm việc ở Cambritgiơ. Sau này Niutơn đã viết nhiều công trình thần học và coi đó là việc chính của mình tuy nhiên ông không có đóng góp gì đáng kể vào việc phát triển thế giới quan tôn giáo.
Ixaac là một sinh viên mẫu mực, anh không tiêu tiền vào giải trí và nhậu nhẹt, mà để mua các dụng cụ và sách vở. Năm 1663, anh mua cuốn sách về chiêm tinh của Ấn Độ giáo, Nhưng đọc nó lại cần có kiến thức về hình học và lượng giác. Thế là Niutơn mua và nghiền ngẫm sách giáo khoa về hình học Ơclit. Cũng trong năm ấy anh bị cuốn hút vào các thí nghiệm quang học và đã đọc công trình của Iôhan Keple “khúc xạ học”.
Tháng 3- 1664, giáo sư Ixaac Barâu (1630 - l 677) bắt đầu các bài giảng về toán và quang học ở trường. Ông này đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của Niutơn.
Các bài giảng của Barâu đã khiến Niutơn hiểu kỹ các công trình của nhà tư tưởng Pháp Rơnê Đềcac (1596 - 1650). Niutơn đã nghiền ngẫm “Hình học”, “Luận về ánh sáng” và “Những nguyên lý triết học” của Đêcac, trong đó các ký hiệu đại số dùng chữ cái Latinh đã được đưa vào toán học. Đềcac cũng đề xuất phương pháp toạ độ để biểu diễn đồ thị hình học của các hàm số mà Keple đã đưa ra.
Tháng 1 -1665, Niutơn nhận bằng cử nhân. Đến lúc ấy ông đã có chương trình nghiên cứu trong thần học, toán học và triết học tự nhiên (tức vật lý). Năm 1664, ở Anh bắt đầu bùng phát nạn dịch hạch. Trong 3 năm (từ 1664 đến 1667) chỉ riêng ở Luân Đôn đã có khoảng 3 vạn người chết vì dịch. Mọi người phải tản về nông thôn để tránh dịch. Tháng 8- 1665, trường đại học Trinity tạm bị giải tán để tránh dịch lây lan. Niutơn về Unxthop mang theo dược thảo, sổ tay, sách vở, dụng cụ, lăng kính, thấu kính và gương. Ông ở Unxthop cho tới tháng 3-1667.
Trong hai năm tránh dịch hạch, Niutơn đã có 3 phát minh và phát hiện lớn: phương pháp lưu số và cầu phương (phép tính vi phân và tích phân), giải thích bản chất ánh sáng và định luật hấp dẫn Vũ Trụ (tức vạn vật hấp dẫn). Sau này Niutơn nhớ lại khí thế sáng tạo đáng ngạc nhiên vào những năm ấy như nhớ về những năm tháng đẹp nhất cuộc đời.
Phương pháp lưu số (fluxions) và cầu phương (quadrature) được trình bày trong năm tập ghi chép khoa học mà trước kia gọi là hồi ký ngắn. Chúng được viết vào giai đoạn giữa 20-5- 1665 và tháng 1-1666, trong đó có các bản vẽ hình học và các công thức. Trong các tập này Niutơn đã xem xét vài bài toán quan trọng đối với cơ học và quang học.
Mọi sự bắt đầu từ quang học. Tiêu cự của một thấu kính được xác định bởi độ cong của các mặt thấu kính. Bán kính độ cong thời đó được xác định “áng chừng” bằng cách vẽ các tiếp tuyến với mặt thấu kính tại vài điểm. Niutơn đặt mục tiêu tìm ra một phương pháp tính toán, giải tích thay cho phương pháp hình học thô thiển. Khái quát thành tựu của những người đi trước là Giôn Oalit (John Wallis) và Ixaac Barâu (lsaac Barrow), ông đã lập ra một cách tính sau này được gọi là phương pháp lưu số. Một thời gian sau, Niutơn hiểu ra rằng quá trình lập các tiếp tuyến đối với hàm số là quá trình ngược với việc tính diện tích phần bao phía dưới đồ thị hàm số đó (cầu phương đường cong). Điều đó đưa nhà bác học đến chỗ phát minh ra phương pháp hàm số ngược - tức phép tính tích phân ngày nay (ở đây chúng ta sử dụng thuật ngữ của G. Lepnit, người cũng tìm ra các phương pháp này độc lập với Niutơn, tuy muộn hơn). Nhờ các phương pháp này Niutơn đã có thể nhanh chóng tìm ra tiếp tuyến, diện tích và thể tích của bất cứ các hình phức tạp nào, có tác dụng thiết thực đối với thương mại và xây dựng. Nhưng ứng dụng chủ yếu của các phát minh của ông vẫn còn ở phía trước.
Niutơn bắt đầu suy nghĩ lại về hệ thống thế giới của Đềcac, trong đó bản chất của các hiện tượng quang học và hấp dẫn là như nhau. Nhưng những luồng xoáy trong quan niệm của Đềcac không phù hợp với các định luật Kêple và với chuyển động của sao chổi. “Triết học tự nhiên” của Đềcac không được khẳng định về mặt toán học.
Khi những lý thuyết trực quan và hấp dẫn của Đềcac bị sụp đổ vì không chịu được thử thách của những tính toán vật lý đơn giản thì Niutơn lâm vào trạng thái khủng hoảng. Ông không còn hy vọng có khi nào biết được tự nhiên còn ẩn giấu nguyên lý bí ẩn nào nữa mà nó đồng thời là nguyên nhân của chuyển động của các thiên thể lẫn của trọng lực trên Trái Đất. Việc nghiên cứu bản chất ánh sáng đã choán hết thời gian của ông.
Trang bia sách “Các yếu tố vật lý Niutơn” của P.vônte, năm 1738
Một hôm, sau khi đã làm xong một số thí nghiệm trong cảnh ngột ngạt và thiếu ánh sáng của phòng thí nghiệm, con người “ẩn dật” ấy bước ra vườn. Khi ấy là một buổi tối tháng 8 yên bình. Mặt Trời đã lặn, vầng trăng lấp ló sau bụi cây - sắp tới kỳ trăng tròn.
Tiếng một quả táo rơi lại đưa ông quay về với những suy ngẫm về các quy luật rơi: “Tại sao quả táo luôn rơi thẳng đứng… tại sao không rơi nghiêng, mà cứ hướng vào tâm Trái Đất? Phải có một lực hút trong vật chất tập trung ở tâm Trái Đất. Nếu vật chất này hút vật chất khác như vậy thì chắc phải có sự tỉ lệ với khối lượng của nó. Như vậy quả táo cũng hút Trái Đất như Trái Đất hút quả táo. Suy ra là phải tồn tại một lực mà ta gọi là trọng lực lan toả trong khắp Vũ Trụ”.
Niutơn trở lại Cambritgiơ vào tháng 4-1667. Tháng 10 năm đó ông được bầu làm uỷ viên cấp thấp của trường đại học này và được một khoản trợ cấp nhỏ. Trong lễ trở thành uỷ viên trường đại học ông đã tuyên thệ. Lời tuyên thệ của ông có đoạn nói rằng ông sẽ tiếp thu tôn giáo của Chúa Kitô và những nghiên cứu của mình sẽ hiến dâng cho Chúa Trời và không lấy vợ khi nào vẫn còn là uỷ viên của trường.
Năm 1668 Niutơn làm ra chiếc kính thiên văn phản xạ đầu tiên. Một năm sau ông nhận cương vị giáo sư và đảm nhận một khoa của Trường đại học Trinity. Trách nhiệm của ông gồm: giảng bài về ngôn ngữ Hy Lạp, toán và triết học tự nhiên mà ông giảng như một giáo trình vật lý của ông. Sinh viên ít dự các bài giảng của ông vì các bài giảng ấy có nội dung phức tạp và không theo cách giảng quen thuộc. Niutơn không thích các suy luận dài dòng và các ví dụ con cà con kê. Chỉ dần dần về sau lối giảng bài của ông mới trở thành chuẩn mực giảng dạy khoa học.
Ngày 6-2-1672 Niutơn đã trình lên Hội khoa học tự nhiên Hoàng gia Luân Đôn báo cáo “Lý thuyết mới về ánh sáng- và màu sắc”. Báo cáo này là dạng hoàn chỉnh của “Các bài giảng về quang học” của ông.
Một số thành viên Hội khoa học đã đánh giá cao công trình của Niutơn. Nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng người Xcôtlen Giêmxơ Grêgôry đã viết: “Tôi hoàn toàn kinh ngạc bởi các thí nghiệm của ngài Niutơn. Chắc là chúng sẽ gây ra những thay đổi vĩ đại trong toàn bộ nền triết học tự nhiên”. Tuy nhiên, thái độ chung đối với Niutơn là không chào đón.
Trong quá trình bút chiến Niutơn đã tỏ ra hơn hẳn với tư cách là nhà thực nghiệm và nhà toán học. Ông rất bực mình với sự không am hiểu và thói trưởng giả của các đối thủ của ông. Họ không muốn tìm hiểu các thí nghiệm và các lập luận của ông. Niutơn chẳng thấy có gì đáng quan tâm trong các bài nhận xét của họ và không muốn mất thì giờ vô ích vào những cãi vã vô bổ. Trong thư gửi Onđenbua ngày 8-3- 1673, ông đã đề nghị gạch tên mình khỏi danh sách hội viên của Hội khoa học Hoàng gia (ông được bầu vào Hội năm 1672), nhưng ông kia đã thuyết phục được Niutơn không bỏ Hội. Ít lâu sau nhà bác học lại viết thư cho Onđenbua nói rằng ông không muốn nghiên cứu triết học tự nhiên nữa và từ chối trả lời những nhận xét phê phán ông để giữ cho mình “sự tự do thanh thản”.
Đến năm 1675 nhiệm kỳ của ông Niutơn ở Trường đại học đã hết. Muốn tiếp tục làm uỷ viên Trường đại học, ông phải nhận chức linh mục. Niutơn không hoàn toàn chấp nhận giáo điều về tính “ba ngôi một thể” của Chúa Trời, bởi vì nó mâu thuẫn với các quan niệm của ông về một Chúa Trời duy nhất, do đó ông quyết định không trở thành linh mục. Ông đã đạt được mục đích nhờ thái độ sủng ái của Đức Vua đối với ông.
Năm 1667, Ixaac Barâu mất. Niutơn rất đau buồn trước cái chết còn sớm của người thầy và cũng là người bạn của mình. Năm 1678 đến lượt Onđenbua, người vốn là mắt xích duy nhất kết nối Niutơn với giới khoa học thông qua trao đổi thư từ, cũng mất. Niutơn bị cô lập về mặt khoa học và đã thực hiện lời đe của mình là “đoạn tuyệt với triết học”, tuy rằng ông vẫn tiếp tục các thí nghiệm vật lý và hoá học cũng như quan sát thiên văn.
Trong thư viện của Niutơn có khoảng 100 sách về hoá học và thuật giả kim. Trong 30 năm (từ 1666 đến 1696), Niutơn đã nghiên cứu các thí nghiệm hoá học và luyện kim. Hiện chỉ còn giữ được một “hồi ký” hoá học của Niutơn: cuốn “Về bản chất của các axít”. Trong cuốn này có những suy nghĩ lý thú về vàng và thuỷ ngân: “Vàng gồm các hạt hút nhau mà tổng các hạt ấy ta gọi là hợp hạt đầu tiên (ngày nay gọi là hạt nhân nguyên tử), còn tổng của các tổng hạt này là hợp hạt thứ hai (tức nguyên tử bây giờ). . . Thuỷ ngân và rượu vua (hỗn hợp các axit đặc: axit nitơric và axit clohyđric) có thể đi qua các lỗ rỗng giữa các hạt của hợp hạt sau, chứ không thể đi qua hợp hạt thứ nhất. Nếu như dung môi có thể đi qua hợp hạt thứ nhất, nói cách khác nếu như có thể phân chia các hạt vàng của hợp hạt thứ nhất và hợp hạt thứ hai (tức là nếu như có thể phân chia hạt nhân nguyên tử), thì vàng sẽ trở nên lỏng và chảy được. Nếu như vàng có thể chảy được thì nó có thế biến thành một chất khác”.
Giả thuyết này của Niutơn dịch sang ngôn ngữ hiện đại có nghĩa là để phá được các nguyên tử vàng thì cần phải tìm phương pháp phân chia các hạt nhân nguyên tử. Cả trong thuật luyện vàng Niutơn cũng là thiên tài. Niutơn còn nghiên cứu nhiều về các thí nghiệm luyện kim, thường sử dụng thuỷ ngân nên đến năm 30 tuổi đã bạc hết tóc.
Năm 1680 Niutơn quay về với các bài toán cơ học và vấn đề vạn vật hấp dẫn. Năm đó xuất hiện một sao chổi rất sáng. Niutơn đã biết rằng các thiên thể gần Mặt Trời phải chuyển động theo hình elip, parabôn hoặc hypecbôn. Chỉ có nắm được giả thuyết ấy mới có thể xây dựng đường đi trong không gian của sao chổi theo một số quan sát, bởi lẽ người ta chỉ mới quan sát hướng đến sao chổi chứ chưa quan sát khoảng cách đến nó. Niutơn đã tiến hành quan sát và là người đầu tiên trong thiên văn học xây dựng và vẽ quỹ đạo sao chổi (xem mục “sao chổi”). Đường đi của sao chổi năm 1680 là một parabôn, đúng với lý thuyết hấp dẫn của Niutơn. Thông thường ông mô tả các kết quả phát hiện của mình rồi để bản thảo lên bàn.
Etmunđơ Halây cũng quan sát sao chổi năm l682, nhưng ông không nắm được phương pháp xây dựng quỹ đạo mà Niutơn đã biết.
Tháng 8- l684, Halây tới Cambritgiơ và thăm Niutơn. Hoá ra Niutơn đã có lời giải cho bài toán này cũng như nhiều bài toán khác liên quan đến chuyển động của các thiên thể. Lại còn có cả một quyển sách chưa in: một trong những cuốn sách vĩ đại nhất về tự nhiên có lẽ chỉ có thể sánh với Kinh Thánh về giá trị văn hoá - lịch sử tác phẩm nhan đề “Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên” (bằng tiếng La tinh: Philosophiae naturalis principia mathematica). Halây nài nỉ Niutơn cho in bản thảo này và xin chịu toàn bộ chi phí in ấn xuất bản. Cuốn sách đã ra đời Năm 1687. Cuốn sách (với số lượng in 250 cuốn) đã nhanh chóng bán hết và chẳng bao lâu trở thành của hiếm.
“Những nguyên lý” được viết ra theo phong cách Ơclit, và có mục đích chính là chứng minh rằng sự hấp dẫn Vũ Trụ suy ra từ chuyển động quan sát được của các hành tinh, Mặt Trăng và các vật dưới đất và được phân tích bằng các nguyên lý động lực học của Niutơn.
Cuốn sách gồm phần mở đầu và ba phần chính. Ở phần thứ ba, phần thiên văn, Niutơn đã đưa ra định luật vạn vật hấp dẫn và hệ quả của nó. Ông chỉ ra rằng từ các định luật Keple và ba định luật động lực học suy ra sự tồn tại các lực hấp dẫn giữa Mặt Trời và các hành tinh. Lực hấp dẫn tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hành tinh và Mặt Trời. Niutơn chứng minh rằng sự hấp dẫn của Mặt Trăng gây ra thuỷ triều ở các đại dương trên Trái Đất, rằng sự hấp dẫn của Trái Đất và Mặt Trời là nguyên nhân gây ra chuyển động phức tạp của Mặt Trăng, còn sự hấp dẫn của Mặt Trời gây ra hiện tượng tiến động của trục Trái Đất và sự đa dạng của các quỹ đạo sao chổi, Niutơn đi đến kết luận là “lực hút xảy ra đối với toàn bộ hành tinh và hợp thành từ lực hút đối với các phần riêng biệt của nó”. Khi đó bất cứ hạt nào cũng có lực hút, còn Lực hấp dẫn giữa hai hạt tỉ lệ với tích các khối lượng của các hạt này. “Trọng lực có bản chất khác với từ lực, bởi vì lực hút từ không tỉ lệ với khối lượng bị hút”.
Trong “Những nguyên lý. . .” Niutơn chỉ sử dụng các phương pháp hình học. Lưu số và cầu phương chỉ xuất hiện một lần trong phần hai, ở đó tác giả nhấn mạnh đặc quyền của mình trong việc phát minh ra phép tính mới. Như vậy Niutơn đã phổ biến thành quả lao động của mình cho những người cùng thời: đa số họ chưa biết đến lưu số và cầu phương. Những năm tuổi già của Niutơn bị u ám bởi cuộc tranh cãi với Lepnit về việc ai là người được hưởng đặc quyền phát minh ra các thuật toán mới.
Niutơn chờ đợi phản ứng đối với cuốn “Những nguyên lý. . .”. Nhận xét của bạn bè ông là nhà triết học Giôn Lôc (John Locke) và Halây là tích cực. Ngược lại, Lepnit và Huyghen lại hoàn toàn bác bỏ sự tương tác ở khoảng cách lớn và sự hút lẫn nhau của các hạt mà ủng hộ các luồng xoáy của Đềcac. Rôbơt Huc đã phát biểu ở Hội khoa học Hoàng gia rằng chính ông ta đã đề xuất tất cả những ý tưởng có trong “Những nguyên lý..” từ lâu, còn những gì ông ta không đề xuất thì đều sai lầm, chẳng qua ông ta không có thì giờ trình bày hệ thống của mình ra giấy mà thôi. Niutơn rất bực mình. Quả thực, đôi khi Huc cũng nói ra những ý tưởng tương tự, nhưng rối rắm và không chứng minh. Ông ta có thể trở thành người cùng chí hướng và đồng nghiệp của Niutơn, nhưng lại là kẻ phê bình thiếu thiện ý. Tính tự ái và nỗi bực dọc khiến Niutơn không thể nào quên được những phát biểu của Huc cho đến cuối đời.
Vũ Trụ chứa đầy các vật thể có lực hấp dẫn, theo Niutơn phải là vô hạn. Vì có như thế thì vật chất mới “không bao giờ dồn lại thành một khối mà phần này tạo thành một khối, phần khác lại tạo thành khối khác rốt cuộc có vô số các khối lớn rải rác cách nhau trong khoảng không rất lớn. Chính Mặt Trời và các ngôi sao khác có thể đã hình thành như vậy”.
Cuối năm 1691 trong ngôi nhà của Niutơn xảy ra hoả hoạn. Nhiều bản thảo bị mất. Có lẽ chính trong vụ cháy này mà bản nháp “Những nguyên lý. . .” đã bị cháy mất. Vụ cháy làm Niutơn bị chấn động đến mức ông tạm thời bị lẩn thẩn. Sau khi bình phục Niutơn lại quay về cuộc sống cũ.
Năm 1694, Saclơ Môntơghiu (Montagu), bạn của Niutơn, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Ông này đã mời Niutơn đảm nhận chức (giám sát Sở đúc tiền Hoàng gia với mức lương hàng năm 600 bảng Anh vì tin tưởng ở kiến thức về luyện kim và cơ khí của Niutơn nhằm chuẩn bị cho cải cách tài chính. Niutơn nhận lời và chuyển đến Luân Đôn.
Sau khi nội chiến kết thúc, nước Anh tràn ngập tiền giả. Tiền nhà nước dễ làm giả vì công nghệ đúc quá đơn giản. Dưới thời vua Saclo II người ta đã trang bị máy dập mới ở Sở đúc tiền và bắt đầu đúc các đồng tiền mới có hình dáng cân đối và có dòng chữ viền quanh. Tuy nhiên công việc tiến triển chậm chạp, mà để khắc phục khủng hoảng cần phải đúc lại tất cả các đồng tiền trong một thời gian ngắn.
Niutơn nhanh chóng nắm bắt công việc ở Sở đúc tiền và tổ chức lại khiến cho tốc độ đúc tiền tăng lên 8 lần. Ông phải đối mặt với những xích mích chính trị, các cuộc bãi công của viên chức Sở đúc tiền. Có những mật báo nói xấu ông và người ta cũng định hối lộ ông. Tuy nhiên trong bối cảnh tham nhũng chung ông vẫn nghiêm chỉnh và trung thực thực hiện trách nhiệm của mình. Việc đúc lại tiền hoàn thành năm l699 và cuộc cải cách tiền tệ đã được tiến hành trong một tuần, tuy có gây lo lắng ở Luân Đôn. Nhờ thành tích này Niutơn được đề bạt lên chức Tổng Giám đốc Sở đúc tiền.
Năm 1703, sau khí Húc mất Niutơn đã được bầu làm chủ tịch Hội (khoa học) Hoàng gia Luân Đôn. Nhân dịp này, ông đã tặng Hội một dụng cụ mới: lò Mặt Trời. Nó bao gồm một hệ thống thấu kính hội tụ các tia nắng Mặt Trời và có thể nấu chảy kim loại. Năm 1704 cuốn sách thứ hai của ông được công bố: cuốn “Quang học”. Khác với cuốn trước viết bằng tiếng La tinh, “Quang học” được viết bằng tiếng Anh, vì Niutơn muốn kiến thức đến được với đông đảo bạn đọc.
“Quang học” gồm 3 phần. Phần đầu nói về quang hình học và mô tả thành phần ánh sáng trắng. Phần thứ hai xem xét các thí nghiệm với các phim màu mỏng, con phần thứ ba mô tả các hiện tượng nhiễu xạ (ánh sáng đi vòng các chướng ngại).
Tháng 4- 1705 nữ hoàng Annơ (Anne) tấn phong cho Niutơn tước hiệp sĩ.
Năm 1722 các bệnh tuổi già bắt đầu tấn công Niutơn, nhưng ông vẫn tiếp tục làm chủ tịch Hội Hoàng gia và lãnh đạo Sở đúc tiền. Ông chuẩn bị nội dung cho lần xuất bản mới của cuốn “Những nguyên lý…” và thử bắt tay vào nghiên cứu chuyển động của Mặt Trăng “bất kham” mà trong đó còn nhiều điều chưa ăn nhập với lý thuyết. Để làm việc này Niutơn đã nhờ Halây, lúc này làm giám đốc Đài thiên văn Grinuych, cung cấp những số liệu quan sát thêm về Mặt Trăng. Năm 1726 “Những nguyên lý…” lại được xuất bản lần thứ ba.
Ngày 2-3- 1727 , như thường lệ, Niutơn vẫn chủ tọa phiên họp Hội hoàng gia. Trở về căn nhà ngoại ô của mình ngày 4-3, ông cảm thấy những cơn đau nhói của bệnh sỏi thận và phải nằm liệt giường. Vào đêm rạng sáng 31-3, Niutơn đã lặng lẽ từ trần ở tuổi 85.
Ixaac Niutơn đã được mai táng trọng thể tại tu viện Oetminxtơ (Westminster). Trên mộ ông có tượng đài bán thân và dòng chữ đề: “Tại đây yên nghỉ Ngài Ixaac Niutơn, quý tộc người đầu tiên bằng trí tuệ thần diệu đã dùng ngọn đuốc toán học chứng minh chuyển động của các hành tinh, đường đi của các sao chổi và thuỷ triều của các đại dương. Ông đã nghiên cứu sự khác biệt của các tia sáng và các tính chất khác nhau được bộc lộ của các màu. . . Là người lý giải tự nhiên và Sách Thánh cần mẫn, anh minh và xác thực bằng triết lý của mình ông đã khẳng định sự vĩ đại của Chúa Trời toàn năng còn bằng Đức tính của mình ông đã biểu lộ sự giản dị Phúc Âm. Con người trần thế hãy vui mừng vì đã tồn tại một hiện thân đẹp đẽ như vậy của loài người”.
Trước khi chết không lâu Niutơn đã nói: “Tôi không biết thế giới cảm thấy như thế nào về tôi, còn bản thân tôi cảm thấy mình chỉ là một cậu bé vui chơi trên bờ biển, thích thú vì thỉnh thoảng lại tìm được những hòn sỏi óng ánh hơn bình thường hoặc một vỏ sò đẹp trong khi đại dương chân lý bao la vẫn trải dài trước mặt mà chưa được khám phá”.