TÁM PHÚT GÓC
Nhưng chương tiếp theo đã làm người đọc sửng sốt bằng những câu: “Tại sao lại có thể như thế được chứ? Tuy giả thiết có trùng khớp với quan trắc về các vị trí xung đối song vẫn không đúng”. Thì ra, khi kiểm tra các vị trí trung gian khác của hành tinh, sự sai biệt so với số liệu quan trắc đã lên tới 8’. Tất cả là một phần tư đĩa Mặt Trăng - một sai số như vậy đối với bất cứ một nhà thiên văn học nào trước đây không lâu đều không đáng kể. “Đối với Chúng ta - Keple nhận xét - nhờ ơn trời đã ban cho chúng ta Tychô Brachê, một nhà quan trắc tận tâm đến mức trong các quan trắc của ông sai số 8 phút, đặc trưng đối với quan trắc của Ptôlêmê, chỉ lọt vào để chúng ta biết được giá trị của sự tận tâm và tận dụng nó. Cuối cùng thì trở ngại này đã giúp chúng tôi tìm được hình dạng đúng của các chuyển động thiên thể. Như vậy, 8 phút sai số đã vạch ra cho chúng ta con đường đổi mới toàn bộ thiên văn học, 8 phút ấy là tư liệu phục vụ cho một phần lớn công trình này”. Và tiếp theo: “Toà nhà mà chúng ta xây dựng trên nền tảng các quan trắc Tychô, chúng ta lại phải phá đi. Đó chính là hình phạt đối với chúng ta vì đã tuân theo các tiên đề tưởng là đúng nhưng trên thực tế lại là sai của những vĩ nhân đầy uy tín của quá khứ”.
Thất bại đầu tiên và tiếp theo nó là nhiều thất bại khác, đã tạo cái cớ để Keple xem công việc của mình như một cuộc chiến đấu với một đối thủ xảo quyệt là thần Chiến tranh Macxơ (Sao Hoả). Trong lời đề tặng cuốn sách cho hoàng đế, Keple đã viết những lời dí dỏm như sau: “Các nhà thiên văn đã phí công suy nghĩ lập kế hoạch tác chiến sử dụng uổng phí nhiều phương tiện quân sự và tung ra chiến trường những quân lính tinh nhuệ nhất của mình. Thần Macxơ (sao Hoả) đã cười nhạo những mưu kế của họ, làm đảo lộn mọi ý đồ của họ và làm tiêu tan không thương tiếc mọi hy vọng của họ. Thần vẫn tiếp tục ngự trị một cách bình thản trong công sự trên lãnh địa đầy bí hiểm của mình khéo léo nguy trang giấu đi mọi con đường tới các lãnh địa đó trước các cuộc trinh sát của kẻ thù”.
Như vậy, Keple đã đi đến kết luận rằng sơ đồ mà ông tìm ra - quỹ đạo lệch tâm cũng không đúng thực tế. Cũng có thể còn có một nguyên nhân khác dẫn đến sai lầm là do ảnh hưởng của việc mô tả không chính xác quỹ đạo Trái Đất mà các quan trắc lại dựa vào đó. Sự chuyển động không đều của Trái Đất rất có thể được thể hiện qua kết quả của các quan trắc. Vì vậy, nhà bác học đã quyết định tạm thời bãi bỏ “cuộc bao vây sao Hoả” và bắt tay vào nghiên cứu Trái Đất.