VẬT LÝ
Chỉ đến năm 1609, với bao nỗi dằn vặt Keple mới công bố được công trình của mình. Ở Hâyđenbec (Heidelberg) đã xuất bản cuốn sách “Thiên văn học mới, ra đời có lý do, hay là vật lý bầu trời, được trình bày trong các nghiên cứu về chuyển động của sao Hoả, dựa theo các quan sát của nhà bác học cao quý nhất Tychô Brahê”, một năm trước khi xuất hiện cuốn “Sứ giả của các vì sao” của Galilê, trong đó Galilê mô tả các quan sát đầu tiên trong lịch sử bằng kính viễn vọng.
Những từ ngữ “thiên văn học mới” và “vật lý bầu trời” trong tên sách không phải là những âm thanh trống rỗng. Keple muốn chuyển từ mô hình thuần tuý toán học sang hình ảnh vật lý của thế giới. Một phần nào trong bức tranh đó vẫn còn cái bóng cơ học của Arixtôt, nhưng dù sao thì đó cũng là một bước tiến lớn. Ở Arixtôt giữa Trái Đất và “thế giới phía trên Mặt Trăng” là vực ngăn cách. Bầu trời được tạo thành từ một chất đặc biệt - chất ête - và tuân theo các quy luật của nó. Thiên cầu sao có “chuyển động tiên khởi”, chuyển động này truyền xuống các thiên cầu khác nằm bên trong thiên cầu sao từ sao Thổ đến Mặt Trăng. Các thiên cầu đều rắn, trong suốt, lúc đầu được coi như các thiên cầu đơn giản, về sau chúng biến thành bộ máy phức tạp với các tâm điểm di chuyển và các hốc lõm dành cho các thiên cầu ngoại luân nhỏ.
Ở mô hình của Keple động cơ tiên khởi là Mặt Trời. Nó quay và nhờ “trường lực” của mình làm cho các hành tinh khác quay theo, các hành tinh ấy cũng như hành tinh chúng ta và Mặt Trăng có bản chất của Trái Đất. Ngoài ra các thiên thể còn hút lẫn nhau. Sau này, trong cuốn sách “Sự hài hoà của thế giới”, Keple đã viết: “Tôi đã xác định sự hấp dẫn là một lực giống như từ tính hút lẫn nhau. Hai vật thể càng gần nhau, thì sực hút càng lớn. . .”. Khác với sức hút của từ tính lực này tác động đến tất cả các vật thể. Dựa vào đó, lần đầu tiên Keple giải thích được bản chất của thuỷ triều.
Như vậy, rõ ràng là Keple đồng thời với việc công nhận Mặt Trời là động cơ tiên khởi thì cũng theo quan điểm Arixtôt cho rằng chuyển động sẽ dừng lại khi không còn lực tác động. Quan niệm này, nhiều thế kỷ đã kìm hãm sự phát triển động lực học, chỉ đến năm 1632 mới bị Galilê bác bỏ. Tuy nhiên trong lý luận của mình Keple đã “ban” cho các thiên thể khả năng chống lực tác động mà ông dùng một từ latinh gọi là quán tính (tiếng Latinh inertia có nghĩa là “không chuyển động”, “sức ỳ”). Khái niệm này về sau trở nên rất quan trọng trong cơ học, nó đã giúp ông giải thích được độ elip của các quỹ đạo hành tinh.
Trang bìa luận án của Keple.
Keple và Galilê không quen biết nhau, nhưng coi trọng nhau và đã trao đổi thư từ với nhau một thời gian. Sau đó họ không liên lạc với nhau nữa. Tính tình của các nhà bác học quá khác nhau. Keple là con người có trí tưởng tượng mãnh liệt có đầu óc phân tích, say mê tìm tòi các quy luật toán học. Còn Galilê thiên về cách nhìn sự vật sinh động, nhưng tỉnh táo. Ông rất khó theo dõi những lập luận đa cảm nhiều lời của Keple và ông không chú ý đến các quy luật chuyển động của các thiên thể do Keple khám phá. Cuối đời Galilê đã viết: “Tôi luôn đánh giá cao Keple vì một trí tuệ tự do (thậm chí có lẽ quá tự do) và sắc bén nhưng phương pháp tư duy của tôi khác với phương pháp của ông ấy và điều đó cũng thường xảy ra trong các công việc nghiên cứu của chúng tôi về những đối tượng chung nào đó. Chỉ có trong vấn đề chuyển động của các thiên thể, đôi khi chúng tôi xích lại gần nhau trong một vài quan niệm giống nhau, mặc dù không thể phát hiện được điều đó dù chỉ trong một phần trăm ý nghĩ của tôi”.