NỀN THIÊN VĂN NƯỚC NGA THỜI ĐẠI PIE
Vào giữa thế kỷ XVII, làn sóng quan tâm đến thiên văn học cuối cùng đã lan tận đến nước Nga. Năm 1650 Sa hoàng Alêcxây Mikhailôvich được tặng một quả cầu sao lớn đến mức chỉ có thể đặt dưới chân tháp chuông Ivan vĩ đại.
Năm 1662, vòm phòng ăn của Sa hoàng được trang trí bằng một bức tranh lớn mô tả hệ thống thế giới địa tâm của Ptôlêmê. Mỗi hành tinh được vẽ cùng với các ngoại luân của nó. Quỹ đạo của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh giữa các cung Hoàng Đạo được dát vàng óng ánh. Một trong những bản sao bức tranh ấy được dùng để dạy cho cậu bé Pie (Piôt) lên bảy tuổi.
Có lẽ Pie đã biết đến hệ thống thế giới của Côpecnic qua bản dịch tiếng Nga Cuốn “Vũ Trụ học mô tả” của Vilem Yanxdôn Blau, người Hà Lan (Năm 1645). Bản dịch vẫn còn dạng viết tay, đã tranh tài ngang hàng cả hệ thống của Ptôlêmê lẫn Côpecnic, nhưng có nhiều cảm tình với thuyết nhật tâm hơn.
Về các phát hiện của các nhà thiên văn học thế kỷ XVII, cậu bé Pie 1 tuổi được biết qua cuốn “Mặt Trăng học mô tả” của Yan Hêvêli qua bản dịch tiếng Nga. Chứng nhận cho điều đó là các dấu ghi còn lưu lại trong bản kiểm kê sách của Sa hoàng Phêđo Alêcxêêvich.
Năm 1688 chàng thanh niên Pie biết đến một dụng cụ giúp đo khoảng cách đến các vật mà không cần phải đến sát chúng. Chàng ra lệnh phải kiếm bằng được dụng cụ ấy. Yacôp Phêđônôvich Đôngôruki đã mua nó tận bên Pháp, nhưng ở điện Cremli chẳng ai biết sử dụng cả. Ở khu Cucua thuộc Matxcova lúc ấy có Phranxơ Timmecman, người Hà Lan là người vừa mới xác định kinh độ của Matxcơva so với kinh tuyến Grinuych (Greenwich).
Ông này liền được triệu vào cung để hướng dẫn cho chàng thanh niên Pie 16 tuổi cách sử dụng máy kinh vĩ (têôđôlit) “bí hiểm” cũng như dạy Pie cách đo góc độ cao của thiên thể bằng kính trắc cao (hồi đó là dụng cụ chủ yếu của thuỷ thủ). Vua Pie hết sức mừng rỡ và ra lệnh bổ nhiệm Timmecman làm thầy giáo của vua. Timmecman đã dạy cho vị Hoàng đế tương lai (Pie lúc này là Sa hoàng nhưng chưa đặt danh hiệu Hoàng đế) toán và xây dựng thành luỹ. Pie nhận ra tầm quan trọng của thiên văn đối với ngành bản đồ và hàng hải.
Để học ngành đóng tàu thuỷ và các ngành khoa học khác, vua Pie đã đưa một đoàn “Đại sứ thần”, trong đó có chính bản thân ông sang châu Âu. Để tránh đón rước linh đình, nhà vua đã cải trang, lấy tên giả là “người tình nguyện Pie Mikhailôp”. Đoàn tuỳ tùng của vua là các cận thần từng phục vụ vua từ hồi còn đánh trận giả. Yacôp Vilimôvich Briuxơ (1670 - 1735) được vua Pie giao nhiệm vụ chọn lựa các nhà bác học và giáo viên cho nước Nga mua sắm dụng cụ và sách vở.
Nước đầu tiên mà đoàn “Đại sứ thần” nhắm tới là Hà Lan. Ở đó, các vị sứ giả khác thường ngày học đóng tàu. Ở Hà Lan nơi chưa hề có một tượng đài nào dành cho vua chúa lại có một tượng đài kỷ niệm người thợ mộc đóng tàu của nước Nga “Pie Mikhailôp”. Vào thời gian rỗi, họ tìm hiểu các trường đại học, thư viện, bảo tàng, gặp gỡ với các nhà bác học. Ở đây Antôni van Lêvenhuc (Leeuwenhoek) (1632 - 1723) đã cho vua Pie xem một chiếc kính hiển vi.
Ở Anh nhà vua muốn nghiên cứu ngành đóng tàu và dẫn đường hàng hải được lập ra trên cơ sở khoa học. Ngài thăm Hội Hoàng gia Luân Đôn, đến các trường đại học Ôcxphơt và Cambritgiơ. Ngài đã đến Tauơ (Tower), nơi có Sở đúc tiền vài lần. Giám đốc Sở khi ấy là Niutơn. Nhà vua đã xem xét kỹ lưỡng các đặc điểm của việc đúc lại tiền do Niutơn tiến hành và sau này cũng đã thực hiện một cuộc cải cách như thế ở nước Nga.
Nhà vua có Briuxơ tháp tùng đã thăm Đài thiên văn Grinuych ba lần và đã trò chuyện với Giôn Phlamxtit về lý thuyết Mặt Trăng của ông rồi thực hiện các quan sát Mặt Trăng.
Điều này đã được ghi lại trong nhật ký của Đài thiên văn ngày 9-3-1688.
Ở Grinuych, vua Pie còn gặp Etmunđơ Halây khi đó đang là trợ lý của Phlamxtit. Nhà vua ra sức thuyết phục ông này sang Nga làm việc để tổ chức trường học cho thuỷ thủ và dạy họ thiên văn. Halây đã từ chối và tiến cử A. Đ. Phooatxơn (1675 - 1739). Phooatxơn đã sang Matxcơva và làm việc ở đó cho đến tận cuối đời. Vua Pie rất hài lòng với chuyến thăm nước Anh.
Năm 1699, theo chiếu chỉ của Sa hoàng, Trường toán học và đạo hàng, trường đầu tiên ở nước Nga có dạy môn thiên văn, bắt đầu làm việc.
Để nghiên cứu thiên văn, tháp Xukhareva đã được xây dựng trong các năm 1692 - 1695. Theo lệnh của vua Pie, người ta đã chuyển quả cầu sao rất lớn vẫn đặt dưới tháp Ivan vĩ đại đến đây. Người ta cũng chuyển tới trường bản đồ sao đầu tiên bằng tiếng Nga, được in theo lệnh vua năm 1699 ở Amxtecđam. Bản đồ có mạng lưới tọa độ để tính toán đạo hàng.
Briuxơ đã lập một đài thiên văn ở tháp Xukhareva, trang bị dụng cụ cho nó và đích thân dạy quan sát. Ông cũng xuất bản bản đồ sao và các cuốn lịch “Briuxơ” nổi tiếng (1709 - 1715).
A.Đ. Phooatxơn được vua Pie giao nhiệm vụ tính toán dự báo thiên thực, lập các lịch thiên văn soạn sách giáo khoa về thiên văn và toán học. Bản thân vua Pie đã học ở Briuxơ cách xác định kinh độ của một địa điểm bằng phương pháp quan sát nhật thực. Việc này phức tạp hơn so với việc dựa vào nguyệt thực.
Nhà vua cũng giao cho Briuxơ thông báo cho vua biết những lần thiên thực sắp đến và đích thân nhà vua đã quan sát các lần nhật thực ngày 22-3-1699, 1-5- 1705 và có thể cả các lần khác.
Đã đến lúc bắt đầu biên soạn các bản đồ địa lý của người Nga và nghiên cứu biển. Khi ấy mới vỡ lẽ rằng các học viên trường đạo hàng và cả Học viện biển (lập ra năm 1715) đã cố gắng hết sức áp dụng kiến thức đã học nhưng độ chính xác trong đo đạc vẫn chưa đạt yêu cầu. Họ chỉ có thể xác định được vĩ độ của các địa điểm bằng quan sát thiên văn, còn kinh độ thì tính gần đúng theo hành trình kế của tàu thuỷ. Họ không hề biết xác định kinh độ trong các quan sát thiên văn! Phooatxơn và các giáo viên “đạo hàng” chưa phải là giỏi trong việc này.
Biết được tình trạng ấy, vua Pie lại ra nước ngoài một lần nữa. Nhà vua dự tính thăm Đan Mạch và Pháp là những nơi có các đài thiên văn đầu tiên và ngành hàng hải đang phát đạt ở đài thiên văn Côpenhaghen (Đan Mạch), vua Pie đã quan sát việc các sao đi qua trung thiên để xác định vị trí của chúng nhờ một dụng cụ khá chính xác nhưng vẫn còn hiếm thời bấy giờ là kính ngắm trung thiên (kính kinh tuyến).
Tháng 6-1717, vua Pie cùng tuỳ tùng sang Pari. Ở đó nhà vua muốn làm quen với nhà địa lý của triều đình Pháp Ghiôm Đêlilơ (1675 - 1726) để trao đổi về bản đồ và đưa ra bản đồ biển Caxpi với hình dạng hoàn toàn khác so với các bản đồ xuất bản trước đó.
Ghiôm Đêlilơ được vua Pie mời sang giúp nước Nga, nhưng ông đã từ chối và giới thiệu người em là Giôdep Nicôla Đêlilơ, nhà thiên văn nhà vật lý nhà địa lý và nhà sử học khoa học. Giôdep Đêlilơ yết kiến vua Pie vào một trong những thời kỳ khó khăn của đời mình: ông là người duy nhất ở Pháp theo thuyết Niutơn. Lúc bấy giờ ở Pháp, học thuyết Đềcác đang ngự trị độc tôn, nên những dự định khoa học của Đêlilơ không thể thực hiện được ở quê hương.
Cuộc yết kiến này đã làm thay đổi hẳn cuộc đời Đêlilơ. Sau khi cung cấp danh mục sách và các dụng cụ cần mua, Đêlilơ trình bày những ý kiến của mình về những việc cần làm ở nước Nga về lĩnh vực thiên văn, trắc địa, bản đồ và vật lý. Sa hoàng thấy thích ngay những ý kiến ấy và lập tức mời ông sang làm việc ở Nga. Đêlilơ chỉ quyết định đi sau khi nhà vua đã phê chuẩn chương trình công tác khoa học của ông ở nước Nga. Ông tới Pêtecbua Năm 1726 nhưng hởi ôi, chỉ dưới thời Nữ hoàng Êcatêrina I, người cũng nhắc lại lời mời của vị phu quân đã quá cố. “Đêlilơ đã mang sang nước Nga bao la khoa học về các ngôi sao với mọi khía cạnh của nó” - nhà sử học Phusi đã viết về chuyến đi của Đêlilơ như vậy.
Vua Pie đã chọn đúng người. “Thực hiện những dự định mà Pie Đại đế ấp ủ”, theo lời mà Đêlilơ thường nhắc đi nhắc lại, năm 1727 Đêlilơ đã lập ra Đài thiên văn thuộc Viện hàn lâm khoa học Pêtecbua, rồi Cục Địa lý (Năm 1735). Với trang thiết bị phong phú, Đài này thuộc hàng các đài tốt nhất của châu Âu thế kỷ XVIII. Nhưng cái chính là Đêlilơ đã tạo ra được trường phái thiên văn Pêtecbua gồm những nhà quan sát - trắc đạc thiên văn đẳng cấp cao và đây là trường phái khoa học đầu tiên của nước Nga.
Kết quả của việc áp dụng những phương pháp quan trắc chính xác nhất thời bấy giờ là sự ra đời của tập “Atlat nước Nga” Năm 1745.
Nước Nga, cho đến đầu thế kỷ XVIII còn chưa có được một bản đồ nào có mạng toạ độ tới giữa thế kỷ ấy đã có các bản đồ được xây dựng nhờ một số lớn các điểm mốc thiên văn mà chưa một nước nào lúc đó có được kể cả nước Pháp là nước đầu tiên bắt đầu tiến hành đo toạ độ.