Tài liệu: Thành tựu rực rỡ của Mikhain Lômônôxôp

Tài liệu
Thành tựu rực rỡ của Mikhain Lômônôxôp

Nội dung

THÀNH TỰU RỰC RỠ CỦA MIKHAIN LÔMÔNÔXÔP

 

Cả đời Lômônôxôp cũng không xa lạ gì thiên văn: Ông vốn gốc ở làng Khônmôgorơ là nơi mà trước đây một thế hệ đã có trạm quan sát thiên văn đầu tiên của nước Nga, ông đã biết sử dụng dụng cụ đo góc hàng hải. Nhưng thành tựu rực rỡ của nhà thiên văn Lômônôxốp chỉ đến khi ông đã 50 tuổi.

Ngày 26-5-1761, các nhà thiên văn châu Âu đã tản ra khắp các miền Á Âu và dán mắt vào ống kính thiên văn. Họ chăm chú theo dõi cái mép run run của Mặt Trời mà chỉ trong chốc lát sẽ phải xuất hiện một hạt đậu đen: cái đĩa của hành tinh Kim. Đang diễn ra một trong những hoạt động khoa học có tính quốc tế đầu tiên: quan sát hiện tượng sao Kim đi qua đĩa Mặt Trời. Việc đo đạc chính xác thời điểm bắt đầu và kết thúc hiện tượng này ở các địa điểm khác nhau trên Trái Đất sẽ cho phép tính chính xác thị sai Mặt Trời, tức là tính được khoảng cách đến Mặt Trời (được coi là một đơn vị thiên văn).

Lômônôxốp quan sát hiện tượng này không phải theo chương trình chung, mà chủ yếu “vì tò mò muốn xem các dấu hiệu vật lý”. Hiện tượng bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng vào giây phút đó mép Mặt Trời hơi võng xuống, dường như nó tránh sự tấn công của Kim Tinh rồi trở nên “nhoè mờ đi mà chỉ mới trước đó còn rất rõ và sắc nét”. Vào giây phút cuối cùng khi Kim Tinh lọt hẳn vào đĩa Mặt Trời, phía sau Kim Tinh trên mép Mặt Trời tạo thành một chỗ lồi. Khi Kim Tinh tiến sâu hơn một chút thì chỗ lồi kia biến mất.

Thời gian để suy ngẫm còn khá đủ: Kim Tinh phải mất 6 giờ đồng hồ để bò trên đĩa Mặt Trời tới mép kia. Lúc này Lômônôxôp hiểu rằng ông cần phải lưu ý điều gì.

Đến khi mép Mặt Trời còn khoảng 1/10 “đĩa Kim Tinh”, thì trên đó đã lại xuất hiện “một cái mụn” và nó càng rõ khi Kim Tinh càng sắp sửa đi ra... Sau đó cái mụn biến mất, và Kim Tinh đột nhiên cũng không còn mép”. Khi Kim Tinh rời đĩa Mặt Trời cũng lại có sự rách rời và nhoè mờ của mép Mặt Trời.

 

 

Theo những dấu hiệu quan sát này - nhà bác học viết trong báo cáo hàn lâm, - ngài cố vấn Lômônôxốp suy luận rằng hành tinh Kim được phủ một bầu khí quyển khá dày, bằng (nếu như không lớn hơn) bầu khí quyển của địa cầu chúng ta”.

Tất nhiên, hiện tượng Lômônôxốp (sau này người ta đặt tên như vậy) cũng được nhiều nhà thiên văn quan sát thấy. Nhưng họ có nhìn mà không nhìn ra. Đối với một nhà hình học đo khoảng cách thì hiện tượng “mép bị mờ” làm giảm độ chính xác; còn đối với người đi tìm kiếm “dấu hiệu vật lý” thì có biết bao nhiêu chi tiết. Lômônôxôp đã quan sát hiện tượng bằng con mắt của một nhà vật lý thiên văn, của một nhà bác học thế kỷ XIX. Nhạc công trẻ người Anh Uyliam Hecsen cũng có đôi mắt như vậy, nhưng vào thời đó ông này còn chưa lần nào nhìn qua kính thiên văn.

Sự phát hiện ra khí quyển trên một hành tinh khác là một trong những phát kiến rực rỡ nhất của thế kỷ XVIII. Lômônôxốp muốn phát huy nó lên nữa. Ông có dự định nghiên cứu chi tiết bề mặt Kim Tinh và biết đâu lại có cả người ở. Ông còn để dành sẵn tên đặt cho các ngọn núi của hành tinh đó: Xêmiramit, Clêôpat, Xaphô. . . (theo những ghi chép của ông năm 1763).

Lômônôxốp đã chế ra các phương tiện quan sát mới. Ông đã làm và hoàn thiện các “ống kính nhòm đêm”. Theo sơ đồ của chính mình, ông đã làm các kính thiên văn phản xạ có gương chính đặt nghiêng và không dùng gương phụ. Sau khi thử, ông đã đi đến kết luận rằng “phát minh quả thực có kết quả mong đợi”. Thiết kế loại kính thiên văn này giờ mang tên sơ đồ Lômônôxốp - Hecsen.

Tuy nhiên khí quyển sao Kim tỏ ra khá “đáo để”, nên không chỉ trong 4 năm cuối đời Lômônôxôp, mà tận hai thế kỷ sau ông, các nhà thiên văn đã không tiến xa được trong việc nghiên cứu nó. Phải mất đúng 200 năm sau thành tựu rực rỡ của Lômônôxôp, vào năm 1961 trạm tự động Vũ Trụ của Liên Xô, trạm đầu tiên trên thế giới mới tiến đến sao Kim. Lúc đó ngành thiên văn vô tuyến và ngành hàng không Vũ Trụ của thế kỉ XX mới khám phá được những bí mật của sao Kim.

Giờ đây trên sao Kim đã có cả núi miệng phễu Xaphô, cả núi miệng phễu Clêôpat.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/376-02-633326316510556250/Nen-thien-van-nuoc-Nga-thoi-dai-Pie/Thanh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận